Tuy nhiên, y tế là một ngành đặc thù, việc truyền thông tốt sẽ làm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân từ đó không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với hệ thống an sinh xã hội. Để được chăm sóc sức khỏe tốt, để mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân thực sự là những người bạn thấu hiểu, chia sẻ với nhau, thì công tác thông tin, tuyên truyền hay truyền thông y tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng, cần được ưu tiên.
Đưa chính sách đến gần dân
Những chính sách về chăm sóc sức khỏe người dân của Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ không được toàn thể nhân dân biết và không thể phát huy hiệu quả thiết thực nếu không thông qua hoạt động truyền thông. Nhờ làm tốt công tác truyền thông nên những chính sách về BHYT toàn dân, hoặc chính sách chủ trương về nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh... được người dân biết đến và thực hiện theo.
Không chỉ dừng lại ở đó, công tác truyền thông y tế trong những năm qua được thực hiện chuyên nghiệp hơn, khi những đầu mối cung cấp thông tin cho báo chí đã được xử lý bài bản và khoa học hơn. Điều này thể hiện ở việc, hàng năm Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn công tác truyền thông y tế cho các địa phương. Các hoạt động truyền thông được triển khai thực hiện rộng khắp và bám sát các hoạt động trọng tâm của ngành trên các lĩnh vực...Từ bản kế hoạch hướng dẫn chung đó các địa phương áp dụng thực hiện phù hợp với điều kiện của mình. Việc này, giúp vấn đề truyền thông y tế được nhất quán, không còn tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Bên cạnh đó, một trong những điểm nổi bật và đặc thù của truyền thông y tế là truyền thông phòng chống dịch bệnh. Như chúng ta đã biết, hàng năm các loại dịch bệnh xảy ra có ảnh hưởng đến diện rộng và đa số quần chúng nhân dân. Nếu không có những định hướng, chỉ dẫn của ngành y tế về cách phòng bệnh, cách phát hiện bệnh theo từng mùa và những hướng dẫn cụ thể chi tiết về cách thức phòng bệnh, thì dịch bệnh lây lan nhanh và hậu quả là rất khủng khiếp, có thể làm suy sụp hệ thống y tế, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.
Thanh niên tham gia Ngày sức khỏe Việt Nam. Ảnh: TM
Truyền thông y tế từng bước chuyên nghiệp, chủ động, đa chiều
Thời gian qua, ngành y tế đã tổ chức nhiều chương trình chăm sóc, nâng cao sức khỏe dài hơi như: 10.000 bước chân mỗi ngày, Sức khỏe Việt Nam... với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực cho người dân.
Ngoài ra, hàng loạt các chương trình đã được thực hiện tốt, được nhân dân hưởng ứng và góp phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt ngành y tế, giảm tiêu cực trong ngành y như: đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, nói không với những tiêu cực trong ngành y tế; điều chỉnh giá dịch vụ y tế, tăng cường y tế cơ sở, giảm quá tải bệnh viện; chuyển trọng tâm công tác dân số kế hoạch hóa gia đình trong thời kỳ mới sang dân số và phát triển hội nhập y tế quốc tế... Xuất phát điểm của các hoạt động truyền thông này là ngành y tế chủ động tạo ra những giá trị thật của ngành, từ đó tiến hành các hoạt động truyền thông chủ động, bài bản và chuyên nghiệp để đảm bảo sự tồn tại bền vững của những giá trị đó trong cuộc sống.
Một trong những thành công lớn nhất của công tác truyền thông y tế trong thời gian gần đây là truyền thông về dịch COVID-19. Kết hợp một cách sáng tạo những nguyên tắc lý thuyết về truyền thông nguy cơ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, truyền thông chống dịch COVID-19 đã tạo được niềm tin của người dân và huy động người dân tham gia vào chiến dịch phòng chống COVID-19 cùng với toàn Đảng, Chính phủ và chính quyền các cấp.
Truyền thông phòng chống dịch COVID-19 cho thấy rõ hiệu quả của việc truyền thông chính thống với việc các cơ quan thông tấn, báo chí tạo nên dòng thông tin chủ đạo chính xác, khách quan và minh bạch, giúp người dân hiểu rõ và hưởng ứng cách thức chống dịch của Chính phủ. Bên cạnh đó, dựa vào lợi thế của công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng 4.0 mà nhiều doanh nghiệp và chuyên gia của Việt Nam đang làm chủ, chúng ta đã kịp thời tung ra những ứng dụng (app) để cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân phòng chống dịch; giúp người dân khai báo y tế và cập nhật tình trạng sức khỏe của mình. Truyền thông chủ động đã tạo được niềm tin của công chúng, mở ra một mặt trận truyền thông toàn dân chống dịch trên mạng xã hội, kêu gọi toàn dân đoàn kết chống dịch, cổ vũ, động viên những lực lượng ở tuyến đầu chống dịch.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, cùng với nguy cơ từ các dịch bệnh đang lưu hành, thì bài học truyền thông từ dịch COVID-19 vẫn còn nguyên tính giá trị. Hoạt động truyền thông phòng chống dịch COVID-19 trở thành mô hình truyền thông có thể ứng dụng hiệu quả trong tương lai khi có các sự kiện y tế công cộng.
Cần ưu tiên đối với truyền thông
Từ thực tế công tác truyền thông trong những năm qua cho thấy, truyền thông đi trước một bước, truyền thông định hướng dư luận sẽ tạo thế chủ động, thậm chí “chắc thắng” khi đấu tranh với các thông tin sai trái trong dư luận, giảm những bức xúc không đáng có với ngành y tế. Do đó việc ưu tiên đối với công tác truyền thông là đặc biệt cần thiết, nhất là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, báo chí chính thống phải cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội.
Công tác truyền thông y tế đến người dân trong những năm qua đã được Bộ Y tế quan tâm, được đầu tư và mở rộng. Mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Y tế với các cơ quan báo chí cũng được mở rộng với định hướng rõ ràng vì lợi ích sức khỏe của nhân dân. Nhờ vậy, người dân hiểu biết nhiều hơn về ngành y tế, những khó khăn, thách thức của ngành, từ đó thấu hiểu và cảm thông hơn.
Truyền thông y tế khác với truyền thông doanh nghiệp và các mô hình truyền thông khác. Bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của người dân. Truyền thông y tế không chỉ là những khuyến cáo phòng chống dịch bệnh, không chỉ là những lời khuyên chăm sóc sức khỏe, tạo ra những thói quen có lợi cho sức khỏe, mà còn góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực y tế. Do vậy rất cần sự ưu tiên về chính sách và nguồn lực để truyền thông y tế song hành và phản ánh những giá trị tốt đẹp của ngành. Đó cũng chính là sự nhấn mạnh và làm tăng thêm những nét đẹp nhân văn của xã hội nói chung và ngành y nói riêng.