"Thẻ xanh COVID" sẽ gắn với mã QR cá nhân
Trong văn bản về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM từ 16/9 đến ngày 30/9, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch là Quận 7, huyện Cần Giờ và Huyện Củ Chi; các khu chế xuất, khu công nghiệp trên đại bàn các huyện này và Khu công nghệ cao được thí điểm triển khai thực hiện "thẻ xanh COVID" gắn với mã QR Cá nhân.
Theo đó việc thực hiện cấp "thẻ xanh COVID" sẽ được triển khai theo lộ trình, trong những nhóm đơn vị cụ thể, chứ không triển khai cho toàn đơn vị.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM chỉ rõ, ví dụ tại Quận 7 sẽ triển khai thí điểm thẻ xanh COVID cho 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thiết yếu; ở H.Củ Chi, H.Cần Giờ sẽ thí điểm thẻ xanh COVID tại cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm, cung cấp sản phẩm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, du lịch tại địa phương…
Ngoải ra, việc thí điểm được yêu cầu phải đảm bảo thực hiện nguyên tắc 5K, xét nghiệm kháng nguyên định kỳ.
Các đơn vị còn lại không thực hiện thí điểm vẫn áp dụng các phương thức đi lại như hiện nay theo các công văn cho phép của UBND TP.HCM.
Sau ngày 30/9, Sở Thông tin – Truyền thông sẽ phối hợp với các sở, ngành các địa phương đề xuất giải pháp chính thức tham mưu UBND Thành phố.
F0 tại nhà vẫn có thể được cấp "Thẻ xanh COVID"
Theo dự thảo, điều kiện để được cấp "thẻ xanh COVID-19" chứng nhận "đã tiêm chủng" hoặc F0 "đã khỏi bệnh.
Chia sẻ từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), để có chứng nhận nhiễm COVID-19 "đã khỏi bệnh", người từng nhiễm (F0) phải được xác nhận bằng giấy chứng nhận như giấy xuất viện hoặc giấy xác nhận hoàn thành cách ly của Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn.
Thực tế ghi nhận trong giai đoạn tháng 7, 8 khi số ca bệnh gia tăng, ngành y tế thành phố quá tải, có nhiều trường hợp người dân tự test nhanh dương tính, báo với y tế địa phương nhưng không được nhân viên y tế đến nhà ghi nhận. Những người này sau đó tự điều trị khỏi bệnh. Họ đang gặp khó trong việc chứng minh từng mắc bệnh với địa phương để được cấp giấy chứng nhận.
HCDC chia sẻ, các F0 tự xét nghiệm, tự cách ly tại nhà mà không có giấy xác nhận hoàn thành cách ly của Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn, thì cần giấy xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, tổ nhân dân hoặc của các tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà. Tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà bao gồm nhân sự do các trường đại học y khoa, do các tổ chức thiện nguyện (ATM oxy, các tình nguyện viên là các bác sĩ nghỉ hưu...) đảm trách.
Theo quy định của Bộ Y tế, người có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng. Các trường hợp mắc COVID-19 khỏi bệnh đã có kháng thể tự nhiên bảo vệ cơ thể trong một khoảng thời gian. Do đó, để bảo đảm an toàn cho bản thân, các trường hợp không thể xác nhận đã từng mắc COVID-19 thì cần phải tiêm vaccine. Dù đã tiêm vaccine, người dân vẫn cần tuân thủ phòng bệnh theo nguyên tắc 5K.
Dự kiến, "thẻ xanh COVID" được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử thể hiện cá nhân đó đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Đối với loại vaccine tiêm 2 mũi (AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik V...): 14 ngày sau mũi thứ 2 và xét nghiệm kháng nguyên định kỳ đối với một số môi trường làm việc.
- Đối với vaccine chỉ cần tiêm 1 mũi (Johnson & Johnson's Janssen...): 14 ngày sau khi tiêm và xét nghiệm kháng nguyên định kỳ đối với một số môi trường làm việc.
- Người nhiễm SARS-CoV-2 khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly, trong vòng 180 ngày tính từ khi khỏi bệnh.
- Người nhiễm SARS-CoV-2, tự làm xét nghiệm, tự cách ly sau đó khỏi bệnh thì phải xét nghiệm chứng minh có kháng thể.
Mời xem thêm nội dung video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T: Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội