Bộ TT&TT vừa ban hành hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 (Phiên bản 1.1).
Theo hướng dẫn, mỗi cá nhân sử dụng các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 được cấp một mã QR cá nhân. Mã QR cá nhân có thể được sử dụng để cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đọc và truy vấn dữ liệu liên quan phục vụ công tác phòng, chống dịch, bệnh COVID-19.
Các nền tảng, ứng dụng khi triển khai phục vụ công tác phòng, chống dịch cần đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong tài liệu hướng dẫn về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19.
Việc này sẽ đáp ứng yêu cầu khi người dân ra đường, đến các điểm công cộng, nơi tập trung đông người cần quét mã QR. Các công sở, doanh nghiệp, cửa hàng, các nơi cung cấp dịch vụ... khi mở cửa phải đảm bảo việc giám sát ra vào bằng mã QR. Do đó, hướng dẫn hiển thị và sử dụng một mã QR cá nhân thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng sẽ tạo thuận lợi tối đa cho mỗi người dân và các cơ quan, tổ chức khi thực hiện các nghiệp vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Ngày 11/9, Trung tâm phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia cũng chính thức ra mắt Nền tảng hỗ trợ truy vết F0 cùng một chiến lược bình thường mới với các module bao gồm: Xét nghiệm chốt chặn, Ghi nhận tiếp xúc gần, Kiểm soát vào ra bằng mã QR và Truy vết thần tốc. Chiến lược này được xem như cánh cửa để mở ra giai đoạn "bình thường mới" trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, mà chìa khóa là công nghệ.
Đại diện Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia cho biết: Mỗi người dân sẽ đều có một mã QR cá nhân. Việc ra vào các nơi như cơ quan, công sở, quán ăn, nhà hàng hay các tụ điểm công cộng… đều được kiểm soát bằng mã QR này. Các tiếp xúc gần của từng người cũng được ghi nhận bởi ứng dụng Bluezone trên điện thoại. Tất cả được mã hóa và lưu lại trên hệ thống của Nền tảng hỗ trợ truy vết F0.
Cùng với đó, xét nghiệm chốt chặn tại các bệnh viện trở thành điều kiện bắt buộc khi người dân có biểu hiện ho, sốt và đến khám tại các cơ sở y tế. Dữ liệu xét nghiệm của mỗi người đều được cập nhật lên hệ thống truy vết. Khi phát hiện F0, hệ thống sẽ lập tức tự tìm ra F0 này đã tiếp xúc với những ai, đã đến mốc dịch tễ (nơi F0 từng đến) nào, tại mốc dịch tễ đó có những ai từng có mặt… rồi tự động chuyển những thông tin này về đội truy vết tại các địa phương liên quan.
Quy trình này chỉ mất vài chục giây và hoàn toàn tự động thay vì các nhân viên y tế mất thời gian gọi điện thông báo đến các nơi một cách thủ công. Đối mặt với COVID-19, làm chủ thời gian chính là điều kiện tiên quyết để dập tắt mầm mống của dịch bệnh.
Không chỉ hỗ trợ truy vết thần tốc, sự "chỉ điểm" của hệ thống còn giúp việc khoanh vùng hiệu quả, giúp xác định rõ đối tượng đã tiếp xúc trực tiếp với F0 cần được cách ly, thay vì phải gom hết kiểu "bắt nhầm hơn bỏ sót".
Ông Nguyễn Tử Quảng, Kiến trúc sư trưởng của Trung tâm phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia, cho biết: "Khi một ca F0 vừa xuất hiện, ổ dịch khi đó chỉ mới vài ca cho đến vài chục ca, như các đốm lửa nhỏ. Mấu chốt của vấn đề sống chung với COVID là chúng ta cần lập tức phát hiện ra các ca F0 chỉ điểm để truy vết, gom triệt để các F1, F2, không để các đốm lửa nhỏ bùng lên thành đám cháy lớn. Nền tảng truy vết F0 giúp chúng ta làm được điều đó. Và như vậy, giải pháp 5K + Vaccine + Công nghệ sẽ giúp Việt Nam có được cuộc sống bình thường mới. Dịch thi thoảng vẫn tồn tại chỗ này, chỗ kia, nhưng ở mức thấp, mọi sinh hoạt của chúng ta vẫn có thể diễn ra bình thường".
Mời bạn đọc xem video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T - Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội.