Ngày 26/8, tại TP.HCM, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Một trong những điểm mới được đưa vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến xử lý nghiêm hành vi hành hung bác sĩ.
Theo đó, điều 104 của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) quy định về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở và an toàn cho người hành nghề, người làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh.
Trao đổi với phóng viên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, vấn đề hành hung bác sĩ hiện giờ mới tính toán đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh là muộn. Bởi lẽ, trong thời gian qua, tình trạng bác sĩ bị tấn công bởi người nhà bệnh nhân thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, sau đó sự việc hầu như không được xử lý thích đáng, chưa làm gương để cho các trường hợp khác nhìn vào đó để tránh đi.
Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, tình trạng này cũng tương tự với việc các bác sĩ và nhân viên y tế sai sót trong y khoa dẫn đến thiệt hại cho bệnh nhân.
"Về mặt pháp lý, chúng ta chưa có những hướng dẫn rõ ràng để cả bác sĩ và bệnh nhân đều được bảo vệ cho đúng. Chúng tôi thấy có một thực trạng, nếu như vào khám chữa bệnh ở bệnh viện tư nhân, giá tiền có cao hơn. Tuy nhiên, nếu như có sự cố gì xảy ra thì người ta sẵn sàng khiếu nại, khiếu kiện nhân viên y tế và đa số các bệnh viện tư nhân có hệ thống tương trợ về mặt pháp lý để bảo vệ cho nhân viên của mình.
Nhưng còn đối với các bệnh viện công lập thì hình như có một mặc định là khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, bệnh viện vẫn còn khó khăn..., nên đôi khi những tình trạng khiếu nại không được giải quyết một cách thỏa đáng và người bệnh cũng không biết thưa kiện ở đâu. Theo tôi, cái này vừa thiệt thòi cho bệnh nhân mà cũng thiệt thòi cho các bác sĩ bởi khi có vụ việc xảy ra, các bác sĩ cũng cần được phân tích, xử lý một cách thích đáng để tránh lặp lại sai lầm trong thời gian tới", bà Phạm Khánh Phong Lan nói.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho hay, các bác sĩ làm ở bệnh viện công lập rất cần được bảo vệ về mặt pháp lý. Luật Khám bệnh, chữa bệnh nên đưa quy định về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở và an toàn cho nhân viên y tế để phân tích đúng sai, xử lý theo đúng pháp luật, tránh tình trạng xử lý một cách cảm tính.
"Tôi thấy ở đây những đề xuất còn chung chung, cần phải coi hành vi tấn công bác sĩ là hành vi tấn công người thi hành công vụ. Tại sao đối với các chuyến bay, nếu như tấn công phi công, tiếp viên, người đó bị cấm bay. Nhưng vì lý do nhân đạo, chẳng nhẽ bây giờ tấn công nhân viên y tế thì lại cấm người đó không được khám, chữa bệnh? Nghe vậy rất là bất nhẫn nhưng mà chúng ta phải có những hình thức xử lý thích đáng cũng như giáo dục cộng đồng để cho mọi người hiểu, hành vi tấn công bác sĩ là hành vi không thể nào chấp nhận được", bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Trong buổi góp ý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ngày 26/8 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, đội ngũ y bác sĩ cần có một nghiệp đoàn bảo vệ người hành nghề y như nhiều nước trên thế giới.
Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, tại các bệnh viện liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc người bệnh, người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế làm mất trật tự, an ninh, an toàn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, tinh thần, tính mạng của nhân viên y tế, điển hình một số vụ việc sau:
- Ngày 27/7/2022 tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), bác sĩ P.H.T. bị cha của bệnh nhi đẩy vào tường, bóp cổ khi đang đợi gắp xương cá cho bé gái.
- Ngày 30/7/2022, tại khoa ngoại chấn thương - Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long, một bệnh nhân cầm dao rượt đuổi nhân viên y tế.
- Ngày 6/8/2022, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), có thêm một bác sĩ bị tấn công bởi một vật bằng sắt nhọn.
- Đáng chú ý là trường hợp bác sĩ P.H.T. bị cha của một bệnh nhi chửi mắng, dọa giết và bóp cổ. Cơ quan công an đã tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý.