Vừa căng sức cứu người, vừa lo lắng bị hành hung
Từ xưa tới nay, y bác sĩ luôn được xem là nghề có trách nhiệm cao cả, bởi liên quan trực tiếp tới tính mạng con người và đóng góp đáng kể vào sự phát triển của xã hội. Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua khi dịch COVID-19 hoành hành, vai trò của những người khoác lên mình chiếc áo blouse trắng lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Trong guồng quay của việc chống dịch, cứu người, có những người trong đội ngũ nhân viên y tế liên tiếp nhiều tháng không về nhà, có những cặp vợ chồng hoãn cưới 3 lần để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, có người thì không kịp về gặp mặt người thân lần cuối cũng bởi đang góp sức cho tuyến đầu chống dịch...
Bác sĩ, những người đặt lên vai lời thề y đức, cống hiến thanh xuân, sức lực, thậm chí cả tính mạng để bảo vệ mạng sống cho người khác. Thế nhưng, ai sẽ là người bảo vệ họ?
Liên tiếp hai bác sĩ tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đã bị người nhà bệnh nhân hành hung, tấn công trực tiếp trong vòng chưa đầy 10 ngày đã thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông đáng báo động về thực trạng bác sĩ bị tấn công, hành hung hiện nay.
Trước đó, tháng 2/2021 tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, một bệnh nhân hành hung bác sĩ chỉ vì bị nhắc nhở đeo khẩu trang, tuân thủ quy tắc phòng chống dịch.
Tháng 4/2018, tại Khoa Nội tổng hợp, BV Đa khoa Bắc Kạn, trong khi các bác sĩ đang thăm khám, giải thích thì chồng của bệnh nhân L.T.H.T chạy vào to tiếng lăng mạ, đánh bác sĩ Hoàng Thị Huế và điều dưỡng viên Hà Thị Hảo của khoa.
Chỉ vài ngày sau đó, bác sĩ Vũ Hồng Chiến, Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội cũng bị người nhà nạn nhân hành hung trong khi đang cấp cứu cho bệnh nhi lúc nửa đêm.
Hay việc một bác sĩ BV Đa khoa 115 Nghệ An bị một doanh nhân và cán bộ phường xông vào đánh ngày 18/8/2017.
Các bác sĩ ở BV Sản nhi Yên Bái bị hành hung khi không cho chồng nhìn vợ đẻ qua cửa kính.
Bác sĩ Lê Quang Dương ở BVĐK Thạch Thất (Hà Nội) bị Cấn Ngọc Giang đánh trọng thương khi đang cấp cứu cho con của anh này;...
Những vụ việc tương tự, lặp đi lặp lại trong những năm qua đã khiến nhiều người không khỏi lo lắng việc hành hung bác sĩ sẽ dần trở thành vấn nạn đáng báo động nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Rõ ràng, đây không chỉ là hành vi đe dọa tính mạng và sức khỏe người thầy thuốc, mà còn là sự thách thức lương tri, thách thức pháp luật vì nghề thầy thuốc là nghề cứu người. Dù bất cứ vì nguyên nhân gì thì việc tấn công bác sĩ trong lúc họ đang nỗ lực cứu chữa người bệnh là hành vi vô ơn, coi thường mạng sống người khác, đi ngược lại với truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
Cần xử lý nghiêm những kẻ côn đồ hành hung bác sĩ
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị nhận định, tình trạng ngày càng có nhiều vụ việc bác sĩ bị hành hung xảy ra liên tiếp cho thấy sự coi thường pháp luật của những đối tượng vi phạm. Điều này một phần tới từ chế tài xử lý đối với những kẻ hành hung nhân viên y tế chưa đủ sức răn đe.
Theo Luật sư Quách Thành Lực, với hành vi như trên, các đối tượng hành hung bác sĩ hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về "Vi phạm quy định về trật tự công cộng".
Ngoài ra, tùy từng tính chất sự việc thì cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội "Đe dọa giết người" theo Điều 133 (BLHS 2015). Trường hợp, nếu bác sĩ bị thương tích từ 11% trở lên, các đối tượng trên còn có thể bị xử lý hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Đơn cử như vụ việc xảy ra tại BVĐK 115 Nghệ An vào ngày 18/8/2017 khi một doanh nhân và cán bộ phường xông vào đánh bác sĩ, gây rối trật tự công cộng. Sự việc sau đó khiến dư luận rất bức xúc và lên án mạnh mẽ, thế nhưng người này đã không bị khởi tố, mà chỉ xử lý vi phạm hành chính.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc phát hiện, xử lý nghiêm minh những vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ là đặc biệt cần thiết. Đặc biệt, cần phải xử lý bằng chế tài hình sự thì mới đủ sức răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội và đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho đội ngũ nhân viên y tế.
Cùng nhìn lại một số sự việc được xử lý nghiêm, vụ Trương Văn Thanh hành hung bác sĩ Vũ Hồng Chiến ở BV Xanh Pôn (Hà Nội) đã bị Công an quận Ba Đình (Hà Nội) khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng; Cơ quan chức năng cũng đã khởi tố Lê Hồng Nam với hành vi đánh các bác sĩ ở Bệnh viện Sản nhi Yên Bái sau khi nhân viên y tế không cho người này nhìn vợ đẻ qua cửa sổ; Tòa án cũng xử 9 tháng tù giam về tội cố ý gây thương tích đối với Cấn Ngọc Giang với hành vi đánh trọng thương bác sĩ Lê Quang Dương ở BVĐK Thạch Thất (Hà Nội) khi đang cấp cứu cho con người này; Hay việc Tòa án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) tuyên phạt 16 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng với Nguyễn Tiến Dũng do hành hung bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai vào 7/2014.
Đây chỉ là số ít các vụ hành hung bác sĩ được xử lý nhưng những bản án này thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và đều nhận được sự ủng hộ của dư luận xã hội. Bởi dưới góc độ y đức, đạo đức xã hội sẽ không chấp nhận cho bất kỳ hành vi "tự vệ" nào của một bác sĩ dù cho đang bị kẻ khác tấn công. Và đạo đức nghề nghiệp những người mặc áo blouse trắng cũng không cho phép người bác sĩ được gây ra bất kỳ thương tích nào đối với người khác (nguyên tắc “do no harm first”). Vô tình, đội ngũ y bác sĩ đã bị tước đi quyền cơ bản nhất mà đáng ra mỗi công dân đều có, đó là "phòng vệ chính đáng".
Do đó, với sứ mệnh cao cả của mình, người bác sĩ cần được bảo vệ, tôn trọng hơn để những đôi tay, khối óc có thể toàn tâm toàn ý cho công việc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Để những người đang khoác lên mình chiếc áo blouse trắng không còn phải thấp thỏm lo sợ mỗi khi thực hiện công việc của mình. Và điều đó cũng sẽ góp phần giữ gìn chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục và nâng cao ý thức chung cho toàn xã hội.
Thiết nghĩ, nếu không có những chế tài răn đe đủ mạnh, sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng và sự lên tiếng của toàn xã hội thì chắc hẳn sẽ khó hạn chế được các hành vi côn đồ, khiến việc hành hung y bác sĩ ngay tại bệnh viện trở thành vấn nạn nhức nhối.
Theo số liệu của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), những vụ mất an ninh, trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh thì đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%) và điều dưỡng (15%).
Trong khi đó, có tới 90% số vụ việc xảy ra tại khuôn viên bệnh viện, trung tâm y tế, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh (chiếm 60%) và 30% số vụ việc xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích về bệnh lý cho người bệnh, người nhà người bệnh.
Các vụ hành hung nhân viên y tế chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60% số vụ việc), tiếp đến là bệnh viện tuyến trung ương (chiếm 20%).
Xem thêm video được quan tâm:
Gia đình luật sư bị chém tử vong ở TP.HCM muốn được hỗ trợ pháp lý và bảo vệ quyền lợi | SKĐS