Hà Nội

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: Góp ý của các đại biểu về Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi rất trách nhiệm, chính đáng và thực tiễn

26-08-2022 16:18 | Xã hội
google news

SKĐS - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) xây dựng trong bối cảnh rất nhiều khó khăn của ngành y bộc lộ. Các góp ý của các đại biểu khi tham gia luật này rất là trách nhiệm, chính đáng và thực tiễn.

Ngày 26/8, tại TP.HCM, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tham dự có: ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; bà Đào Hồng Lan - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dự thảo lần này đã có những thay đổi tích cực, tiếp thu nhiều ý kiến tham gia đóng góp của các chuyên gia, tổ chức, nhà khoa học, nhà quản lý, chú trọng xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra. 

Quá trình xây dựng dự án luật đã bám sát theo định hướng lấy người bệnh làm trung tâm. Các giải pháp chính sách của dự thảo cơ bản phù hợp thể chế về đường lối, chủ trương của đảng trong lĩnh vực khám chữa bệnh. Đến thời điểm này, dự thảo còn nhiều ý kiến khác nhau vì vậy cần sự phân tích, đóng góp tích cực của các chuyên gia, nhà quản lý.

"Góp ý của các đại biểu về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) rất trách nhiệm, chính đáng và thực tiễn" - Ảnh 1.

Các đại biểu chủ trì hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: Kim Vân

Góp ý đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), BS.CK II Nguyễn Ngọc Việt Nga - Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cho hay, cần bổ sung nội dung có chính sách ưu đãi đối với người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Hiện nay nếu chỉ sử dụng nguồn quỹ của đơn vị thì rất khó phát triển kỹ thuật cao. Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ khi đào tạo chuyên môn kỹ thuật cao xong, nếu không có chính sách ưu đãi để giữ chân, rất dễ rời bỏ bệnh viện công ra bệnh viện tư.

Cũng theo bà Việt Nga, về thẩm quyền quyết định giá cần thống nhất áp dụng chung toàn quốc, không giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh thành ban hành theo nghị quyết.

Tham dự hội thảo, GS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa XV cho hay, quy định về giá khám chữa bệnh hiện nay rất rối, rối trong sử dụng ngôn ngữ, rối trong điều hành. Lần sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh này là rất quan trọng, hiện thực hoá cho được chủ trương đúng đắn của Đảng. Theo GS Nguyễn Anh Trí, điều 101, khoản 1, tính đúng tính đủ là cần quy định rõ giá khám chữa bệnh bao gồm những gì.

"Chi phí thuốc, hóa chất, vật tư, máu dịch truyền chưa được tính trong giá khám bênh, tại sao không đưa vào khoản 1? Thuốc men, hoá chất, sinh phẩm, dịch truyền là quan trọng nhất. Vì vậy, tôi đề nghị phải sửa lại trong khoản 1 là phải tính đủ. Trong trường hợp làm dịch vụ, làm tự chủ đặc biệt là tự chủ toàn diện phải liệt kê đầy đủ", đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị.

"Góp ý của các đại biểu về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) rất trách nhiệm, chính đáng và thực tiễn" - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội khóa XV Nguyễn Anh Trí góp ý cho dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) . Ảnh: Kim Vân

Về thẩm quyền quy định giá, GS Nguyễn Anh Trí cho rằng nội dung này do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định là đúng. Cần chú ý tính đúng, tính đủ để các bệnh viện tham khảo để xây dựng bảng giá cho chính bệnh viện của mình. Bệnh viện tự xây dựng mức giá rồi căn cứ theo mức độ tự chủ để đề xuất lên Bộ Y tế. Ví dụ tự chủ một phần, tự chủ toàn phần, tự chủ toàn diện, đặc biệt là thuế.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn các đại biểu đã có ý kiến tham gia tích cực.

Theo Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Luật Khám bệnh, chữa bệnh thu hút được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo các Bộ, ngành, Chính phủ, các đại biểu, nhân dân, đặc biệt là các đại biểu quốc hội tham gia rất tích cực trước đây. Luật được xây dựng trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, các địa phương.

"Với tư cách là cơ quan soạn thảo, chủ trì liên quan đến xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), chúng tôi cố gắng làm sao chắt lọc, tiếp thu tối đa những ý kiến tham gia góp ý trong quá trình xây dựng luật này", Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết rất trân trọng ý kiến của các đại biểu đặc biệt là những người trực tiếp tham gia ngày hôm nay. Theo đó, các đại biểu một là người trong ngành, hai là người liên quan đến hoạt đồng ngành. Do đó, đây đều là các ý kiến có tính thực tiễn rất cao để làm sao ban soạn thảo trong quá trình xây dựng tiếp thu và khi trình Luật Khám bệnh, chữa bệnh ra thì đưa luật vào cuộc sống phù hợp.

"Với vai trò là cơ quan soạn thảo, chúng tôi xin tiếp thu các ý kiến của đại biểu trong quá trình cùng Ủy ban Xã hội của Quốc hội hoàn thiện nội dung luật này trong thời gian tới", Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

"Góp ý của các đại biểu về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) rất trách nhiệm, chính đáng và thực tiễn" - Ảnh 4.

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) xây dựng trong bối cảnh rất nhiều khó khăn của ngành y bộc lộ. Ảnh: Kim Vân

Theo bà Đào Hồng Lan, quá trình xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh phải đặt trong tổng thể pháp luật chung của nhà nước và luật này đang được xây dựng. Bà mong muốn tháo gỡ được những khó khăn của ngành y hiện nay bằng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tuy nhiên, cũng theo Quyền Bộ trưởng, không thể giải quyết triệt để được những khó khăn, vướng mắc của ngành y ngay trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) mà nó phải đảm bảo tương thích và đồng bộ. Hiện nay có 2 luật mà Chính phủ đang chỉ đạo trình Quốc hội, đó là Luật Giá sửa đổi và Luật Đấu thầu sửa đổi. Ngày 24/8 vừa qua, Chính phủ có họp phiên liên quan đến chuyên đề pháp luật, trong đó có rất nhiều nội dung vướng mắc về hoạt động của ngành y đã được Chính phủ tổng hợp và đưa vào hai luật đó.

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) làm sao phải đảm bảo tương thích với những hệ thống pháp luật đang làm. Rất nhiều nội dung liên quan đến đấu thầu và đấu thầu ngành y đã được đưa vào dự thảo Luật Đấu thầu. Do vậy, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng cần khoanh lại phạm vi, nội dung đưa vào để làm sao các luật chuyên ngành có những hướng dẫn cụ thể.


Quyển Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
"Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) xây dựng trong bối cảnh rất nhiều khó khăn của ngành y bộc lộ. Mong muốn của các đại biểu ngày hôm nay khi tham gia luật này rất là trách nhiệm, chính đáng và thực tiễn. Đây là cơ hội tiếp thu và khắc phục được những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh của ngành y một cách hiệu quả"

Tại cuộc hội thảo, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng tiếp thu ý kiến của các đại biểu về vấn đề liên quan đến khám, chữa bệnh có cần tiếng Việt hay không. Ví dụ ý kiến của một luật sư cho hay, Luật Khám bệnh, chữa bệnh yêu cầu người bệnh biết tiếng Việt nhưng đối với người Việt khám cho người nước ngoài thì yêu cầu như thế nào để cho tương thích và phù hợp.

Về vai trò của hội đồng y khoa, theo Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Hội đồng Y khoa đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập nhưng thể hiện trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh mức độ như thế nào và vai trò và nhiệm vụ đến đâu thì cần đảm bảo tương thích với quy định của Đảng và pháp luật nhà nước.

Về hệ thống khám chữa bệnh, Quyền Bộ trưởng tiếp thu các ý kiến của các đại biểu. Hiện nay cơ bản các đại biểu thống nhất là 3 cấp. 3 cấp đó cũng đã được thể hiện trong dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh tuy nhiên các nội hàm trong đó cần nêu rõ sao cho phù hợp.

"Góp ý của các đại biểu về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) rất trách nhiệm, chính đáng và thực tiễn" - Ảnh 6.

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, những tồn tại, vướng mắc của ngành y tế không thể riêng một ngày xem xét, điều chỉnh được. Ảnh: Kim Vân

Liên quan đến việc thăng cấp, thăng tiến như thế nào để đảm bảo cho sự phát triển hệ thống y tế tuyến dưới và các cơ sở để khám chữa bệnh cho nhân dân, Quyền Bộ trưởng tiếp thu ý kiến của các bệnh viện.

Về vấn đề khám, chữa bệnh, theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, nội dung này là chuyên ngành và phải tuân thủ quy định về luật chuyên ngành. Về phương pháp tính giá, các nguyên tắc tính giá phải đảm bảo.

Bên cạnh đó, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, những tồn tại, vướng mắc của ngành y tế không thể riêng một ngày xem xét, điều chỉnh được.

"Mong các đại biểu tham gia góp ý để ban dự thảo và Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiếp thu ý kiến. Chúng ta cố gắng đảm bảo tiến độ tháng 10 tới hoàn thành để trình Quốc hội", bà Đào Hồng Lan đề nghị.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 gồm 12 chương và 106 điều, được xây dựng theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm".

Trong đó tập trung vào các nhóm chính sách lớn gồm: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi):  Khắc phục những tồn tại, vướng mắc để phục vụ người bệnh tốt hơnXây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Khắc phục những tồn tại, vướng mắc để phục vụ người bệnh tốt hơn

SKĐS - Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) do Bộ Y tế soạn thảo đang được Quốc hội khóa XV thảo luận, góp ý, chỉnh sửa và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp sắp tới.


Kim Vân
Ý kiến của bạn