Hà Nội

Tại sao ‘ngựa vàng mã’ bị từ chối đưa lên máy bay dù không trong danh mục cấm?

04-08-2023 15:41 | Xã hội
google news

SKĐS - Mặc dù không phải hàng hóa nằm trong danh mục bị cấm nhưng "ngựa vàng mã" vẫn bị từ chối bay theo quy định của hãng hàng không.

"Ngựa vàng mã" bị từ chối lên máy bay

Ngày 3/8, cộng đồng mạng xôn xao trước sự xuất hiện của bức ảnh người đàn ông ngoại quốc ôm con ngựa vàng mã đứng tại sân bay Nội Bài.

Dưới sự chia sẻ nhanh chóng, hình ảnh hài hước trên đã nhận được nhiều lời bình luận, hầu hết mọi người đều cho rằng người đàn ông đã nhầm lẫn 1 món đồ lưu niệm với 1 món đồ dùng để đốt cho người đã khuất.

Từ chuyện "con ngựa vàng mã", những loại hàng hoá nào không được đưa lên máy bay? - Ảnh 1.

Bức ảnh chụp ông Arnaud Zein El Din và con ngựa vàng mã ở sân bay Nội Bài gây sốt cộng đồng mạng.

Được biết, người đàn ông trong ảnh tên là Arnaud Zein El Din (44 tuổi, đến từ Mexico), 1 kiến trúc sư đồng thời là blogger. Ông Arnaud vừa có lần đầu tiên đến Hà Nội và ở lại trong 3 tuần để khám phá thành phố.

Ông Arnaud chia sẻ, con ngựa vàng mã giá 100.000 đồng nằm trong kế hoạch "lượm lặt" một cách ngẫu hứng nhiều vật dụng mà ông bắt gặp tại Hà Nội. Ông cũng "khoe" bộ sưu tập của mình, gồm cả mũ cối, điếu cày, chiếu cói, cốc thủy tinh uống bia, mặt nạ mẹt, đó bắt cá... cả một cái bát đựng đầy gạo cũng nằm trong bộ sưu tập.

Từ chuyện "con ngựa vàng mã", những loại hàng hoá nào không được đưa lên máy bay? - Ảnh 2.

Ông Arnaud "khoe" bộ sưu tập những đồ vật ông mua tại Hà Nội trong chuyến đi 3 tuần của mình.

Đáng tiếc là con ngựa vàng mã đã không thể cùng ông Arnaud rời khỏi Việt Nam. Theo đó, khi nam du khách mang con ngựa qua quầy check-in và cửa kiểm soát an ninh thì đã bị từ chối vận chuyển.

Những loại hàng hóa không được đưa lên máy bay

Liên quan đến việc "ngựa vàng mã" không được lên máy bay, trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, đại diện Trung tâm An ninh hàng không - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết: "Những đồ vàng mã (ở đây ám chỉ ngựa vàng mã) không phải là vật phẩm bị cấm mang lên máy bay. Đơn vị an ninh của sân bay không coi ngựa vàng mã là đồ vật có nguy cơ, nguy hiểm ảnh hưởng tới an ninh sân bay và an toàn bay. Tuy nhiên, tiếp viên hàng không có thể từ chối theo quy định của từng hãng".

Hiện nay, việc quy định kích cỡ hành lý xách tay mang lên máy bay do từng hãng hàng không quy định, nhà chức trách hàng không Việt Nam không can thiệp. Kích thước hàng hóa có thể khác nhau tùy thuộc vào hạng vé và cấu hình của khoang chứa đồ.

Từ chuyện "con ngựa vàng mã", những loại hàng hoá nào không được đưa lên máy bay? - Ảnh 3.

Ngựa vàng mã có thể bị từ chối lên máy bay do kích thước hành lý xách tay quá to so với quy định, hoặc do tiếp viên hàng không của hãng coi đây là vật phẩm tâm linh, có thể ảnh hưởng tới các hành khách khác trên chuyến bay.

Như vậy có thể thấy, tùy theo tình hình thực tế, chính các hãng hàng không cũng có thể từ chối tiếp nhận 1 số vật phẩm nhất định dù vật đó không nằm trong danh mục hàng hóa bị cấm mang lên máy bay (ví dụ như trường hợp "ngựa vàng mã" của ông Arnaud). Những "ngoại lệ" khi không thuộc danh mục cấm mà hãng bay vẫn hạn chế thường liên quan đến yếu tố kích thước của vật (quá to so với quy định của hãng) hoặc những đồ vật khi mang lên máy bay có thể ảnh hưởng tới tâm lí của các hành khách khác.

Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay danh mục những đồ vật nguy hiểm bị cấm, hạn chế mang theo người, hành lý lên máy bay được liệt kê rất cụ thể tại Quyết định số 1531/QĐ-CHK ban hành năm 2017. Theo đó:

NHỮNG ĐỒ VẬT CẤM XÁCH TAY LÊN MÁY BAY

- Đồ uống có cồn

1

Đồ uống có trên 70 % nồng độ cồn.

- Các vật sắc, nhọn có thể sử dụng để gây thương tích nghiêm trọng

2

Dao lam, dao dọc giấy;

3

Kéo có lưỡi dài trên 06cm;

4

Các vật sắc, nhọn khác có thể sử dụng làm hung khí có chiều dài trên 10cm;

5

Chân máy ảnh, camera, gậy, cán ô có đầu nhọn bịt kim loại…

- Các dụng cụ lao động có thể gây thương tích hoặc đe dọa an toàn của máy bay

6

Các loại búa, cờ-lê, mỏ lết, kìm chiều dài trên 10cm;

7

Các loại cưa, lưỡi cưa bao gồm cả cưa bằng tay;

8

Các loại dụng cụ có lưỡi sắc hoặc mũi nhọn dài trên 06cm và có khả năng sử dụng làm vũ khí như tuốc-nơ-vít…

- Các đồ vật, dụng cụ đầu tù khi tấn công gây thương tích nghiêm trọng

9

Các loại gậy thể thao: Gậy đánh bóng chày, gậy đánh gôn, gây chơi bi-a, gậy trượt tuyết;

10

Các loại dùi cui;

11

Các dụng cụ, thiết bị tập luyện võ thuật có đầu tù, nhọn, sắc cạnh…

- Các đồ vật, vật cháy, nổ có thể sử dụng để gây thương tích nghiêm trọng

12

Mìn, đạn, thiết bị nổ quân dụng khác;

13

Các loại pháo: Pháo hoa, pháo bông, pháo sáng, pháo nổ, pháo hiệu, thuốc pháo;

14

Xăng, dầu, nhiên liệu nạp cho bật lửa, diêm không an toàn (quẹt đâu cũng cháy)…

- Vũ khí và những vật dễ bị nhầm lẫn là vũ khí

15

Súng, bao gồm cả súng cao su, súng la-de

16

Các loại dao găm, kiếm, gươm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu

17

Các vật dụng, đồ chơi giống vũ khí thật như súng, bom, mìn, lựu đạn, đạn…

NHỮNG ĐỒ VẬT CẤM MANG TRONG HÀNH LÝ KÝ GỬI

1

Đồ uống có trên 70 % nồng độ cồn

2

Đạn (Không áp dụng đối với các vật lưu niệm được chế tác từ vỏ đạn)

3

Các loại kíp nổ, dây cháy chậm

4

Mìn, lựu đạn, thiết bị nổ quân dụng khác

5

Các loại pháo như pháo nổ, pháo hoa, pháo bông, pháo sáng, pháo hiệu và thuốc pháo

6

Đạn khói, quả tạo khói

7

Các loại thuốc nổ, thuốc súng

8

Xăng, dầu, nhiên liệu nạp cho bật lửa, diêm không an toàn (quẹt đâu cũng cháy), vật có chứa ôxy lỏng.

Trên đây là danh mục 1 số đồ vật bị cấm mang lên máy bay theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam. Ngoài ra, các hãng hàng không khác nhau cũng có quy định riêng về điều này, do đó, hành khách có mang theo hành lý xách tay hay hành lý ký gửi cần tìm hiểu thêm thông tin cụ thể của các hãng hàng không.

Xem thêm video được quan tâm:

Cục Hàng Không Việt Nam Yêu Cầu Chấn Chỉnh Tình Trạng Phi Công “Bay Quá Tốc Độ” | SKĐS


Thành Long
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn