Tết đến, thị trường bia rượu nhộn nhịp hẳn lên. Nghị định của Chính phủ đã nêu rõ việc cấm bán rượu bia cho trẻ em, Luật giao thông xử lý rất ngặt những ai uống rượu bia rồi lái xe. Hai năm của dịch COVID-19 trầm buồn liệu có hạn chế được những tại họa do rượu bia quá độ, tệ rượu giả?… Tôi không chắc, và có lẽ bạn đọc cũng vậy. Thôi thì cứ nhắc lại cũng không thừa?
1. Thế nào là say rượu?
Tiêu thụ rượu là việc uống đồ uống có chứa cồn etylic. Theo định nghĩa của Hoa Kỳ, khoảng 14g cồn nguyên chất trong bất kỳ loại đồ uống nào được coi là đồ uống có cồn tiêu chuẩn. Đó có thể là bia thông thường, rượu mạch nha, rượu vang hoặc rượu chưng cất.
Say rượu là do ảnh hưởng của việc uống rượu cấp tập đối với các quá trình sinh lý khác nhau trong cơ thể. Không chỉ sau khi uống một lượng rượu lớn mà thậm chí có thể xảy ra sau khi uống lượng rượu trung bình hoặc ít.
Đặc điểm chính của say rượu là ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên, sự thay đổi các chức năng thị giác luôn được chú trọng trong các cơn say rượu.
2. Khi say rượu, mắt có biến đổi gì?
Rối loạn thị giác thứ phát sau say rượu có thể biểu hiện ở suy giảm nhận thức màu sắc, giảm độ nhạy tương phản hoặc chuyển động mắt bất thường. Suy giảm khả năng xử lý nhận thức ở thần kinh trung ương có thể gây ra các thay đổi cận lâm sàng trong chuyển động của mắt. Những thay đổi này có thể bao gồm: Độ trễ cao để định thị, tăng thời gian định thị và tăng tần suất rung giật nhãn cầu.
Tác hại của rượu rởm hoặc rượu tự chưng cất tới mắt
Đây là nguyên nhân mù lòa và đáng sợ ở chỗ thường xảy ra trên số đông, phạm vi gia đình hay các cuộc liên hoan, rượu đã bị lẫn một lượng lớn methanol do công nghệ chưng cất không đảm bảo hoặc mua phải rượu rởm.
Methanol là một loại cồn độc hại có trong các tác nhân công nghiệp. Ngộ độc Methanol có thể xảy ra qua đường hô hấp, nuốt phải hoặc hấp thụ qua da. Nó được hấp thu qua đường tiêu hóa trong vòng chưa đầy 10 phút. Methanol được chuyển hóa thành axit formic, được biết là chất trung gian chính gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn sau khi ngộ độc methanol.
Methanol có thể dẫn đến tổn thương mắt thông qua hai con đường độc lập: tổn thương võng mạc và bệnh thần kinh thị giác.
Con đường võng mạc đề cập đến tổn thương tế bào Muller và tế bào thụ cảm ánh sáng. Tổn thương của tế bào cảm thụ ánh sáng võng mạc biểu hiện bằng nhìn mờ, ảo giác, ám điểm trung tâm và giảm thị lực.
Các dấu hiệu của tổn thương thần kinh bao gồm: Rung giật nhãn cầu, đồng tử giãn, sưng đĩa thị và xung huyết đĩa thị. Sự tiêu hủy Myeline của dây thần kinh thị giác đoạn sau nhãn cầu là một dấu hiệu mô bệnh học của tình trạng này. Axit formic được cho là làm hỏng các con đường oxy hóa thông qua sự ức chế cytochrome C oxidase của ty thể, chủ yếu ảnh hưởng đến các vùng nhạy cảm bao gồm hệ thống thần kinh trung ương và đầu thần kinh thị giác.
Ngoài ra, sự dẫn truyền axoplasmic bị gián đoạn thứ phát sau bơm natri-kali ATP bị ức chế gây ra sưng sợi trục thần kinh thị giác. Cuối cùng là tăng sản xuất các chất trung gian oxy hóa dẫn đến ly giải tế bào thần kinh gây mù lòa.
Nhiễm độc rượu methanol là một tình trạng đe dọa tính mạng, trong đó bệnh thần kinh thị giác cấp tính là mối quan tâm thứ hai. Tuy nhiên, sự hiện diện của các dấu hiệu ở mắt có thể giúp chẩn đoán sớm, do đó tạo cơ hội cho các biện pháp điều trị kịp thời hơn.
3. Nghiện rượu qua tháng năm sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe thị giác như thế nào?
- Bệnh thần kinh thị giác liên quan đến rượu
Bệnh thần kinh thị giác nhiễm độc, rối loạn dinh dưỡng thứ phát do nghiện rượu mãn tính được đặc trưng bởi ám điểm trung tâm hoặc cạnh trung tâm do tổn thương bó gai thị hoàng điểm, tổn hại và rối loạn sắc giác.
Người nghiện rượu cần phải được khai thác tiền sử chi tiết và khám mắt, kiểm tra thị lực đều đặn cũng như định lượng trong labo về lượng vitamine B12 và folate trong huyết thanh để có được chẩn đoán sớm.
Giảm hoặc bỏ rượu, dùng vitamin B12 và Axit Folic bổ sung là lời khuyên đối với người nghiện rượu.
- Rượu gây khô mắt ( DES)
Ethanol có thể được phát hiện trong nước mắt vào lúc nửa đêm ở người nghiện rượu. Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ các triệu chứng khô mắt cao hơn ở những người có tiền sử uống nhiều rượu ( hơn 4 ly/ngày). Kết quả của một phân tích tổng hợp gần đây chỉ ra rằng uống rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc khô mắt, không phân biệt tuổi tác và giới tính.
Ethanol gây ảnh hưởng tới các tế bào bề mặt nhãn cầu. Theo một cơ chế khác, nghiện rượu mãn tính có thể gây ra sự thiếu hụt vitamin A dẫn tới tăng sừng hóa biểu bì và đây là nguyên nhân chính của DES.
- Một loạt các bệnh lý đáy mắt được quy kết do rượu
Bệnh võng mạc trung tâm thanh dịch (CSCR): Rượu là một yếu tố nguy cơ với bệnh CSCR. Nó có thể góp phần gây ra những bất thường trong quá trình tự điều hòa của các mạch máu màng mạch, có thể làm tăng tính thấm của mạch cũng như tích tụ và rò rỉ chất lỏng. Hơn nữa, bệnh gan giai đoạn cuối thứ phát sau nghiện rượu có thể là căn nguyên của CSCR. Tăng độ nhớt và mất nước nghiêm trọng do uống nhiều rượu có liên quan đến tắc tĩnh mạch võng mạc trung tâm võng mạc (RVO) ở bệnh nhân trẻ. Vẩn đục dịch kính dạng thể óng ánh cũng dễ tìm thấy hơn trên người nghiện rượu, từ tuổi rất trẻ.
Thoái hóa hoàng điểm người già (AMD) là nguyên nhân phổ biến gây mù lòa ở người cao tuổi ở các nước phát triển. Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh mối liên hệ có thể xảy ra giữa việc uống rượu và AMD. Tuy nhiên, cơ chế sinh lý bệnh vẫn chưa rõ ràng. Rượu được coi là chất độc thần kinh gây tổn thương não. Do đó, võng mạc có thể bị ảnh hưởng tương tự.
Ngoài ra, stress oxy hóa gia tăng liên quan đến việc uống quá nhiều rượu đã gây ra tổn thương mô ở các cơ quan khác nhau. Thêm nữa, do chế độ dinh dưỡng kém ở những người nghiện rượu nặng, lượng carotene và chất chống oxy hóa hấp thụ vào cơ thể dễ xảy ra hơn. Một số chất dinh dưỡng bảo vệ chống lại AMD, chẳng hạn như kẽm và vitamin, cũng thấp hơn ở những người nghiện rượu nặng so với những người không uống rượu.
Cuối cùng, rượu có liên quan đến sự hình thành các mạch mới và sự tiến triển của tân mạch máu màng mạch trong các nghiên cứu trên động vật.
- Uống rượu nhiều có gây ra đục thể thủy tinh?
Một đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp gần đây cho thấy uống nhiều rượu làm tăng đáng kể nguy cơ đục thủy tinh thể do tuổi tác. Thế nhưng trong tổng hợp trên 10 nghiên cứu, mối tương quan của việc uống rượu vừa phải và đục thủy tinh thể do tuổi già là không đáng kể.
- Còn với bệnh thiên đầu thống, tăng nhãn áp?
Kết quả của Nghiên cứu Mắt Framingham mâu thuẫn với các nghiên cứu khác vì họ cho rằng uống nhiều rượu có thể liên quan đến bệnh tăng nhãn áp. Các nghiên cứu khác, uống rượu cấp tập được báo cáo làm giảm IOP ở cả mắt khỏe mạnh và mắt bị glôcôm, sau khi đã loại yếu tố nhiễu là giới, màu da, cao huyết áp và béo phì.
- Dị tật bẩm sinh cũng là nguy cơ đáng sợ
Lạm dụng rượu ảnh hưởng đến sự hình thành dị tật bẩm sinh. Các dị thường ở mắt ở thai nhi có thể gặp phải bao gồm: Hẹp khe mi, lồi mắt, hai mắt xa nhau, còn nếp quạt mi, khuyết mi, sụp mi, đục thể thủy tinh, glocom bẩm sinh, các bất thưởng ở đáy mắt như thiểu sản gai thị và mạch máu xoắn vặn.
4. Kết luận
Nhiều quá trình sinh lý bệnh do ảnh hưởng xấu của việc uống rượu đối với cấu trúc mắt đã được chứng minh. Tuy nhiên, cần có các nghiên cứu bổ sung được thiết kế tốt để đưa ra kết luận chắc chắn.
Theo các tài liệu y học hiện nay, cùng với tác hại đối với nhiều cơ quan khác của cơ thể, uống rượu có thể làm tổn thương các mô của mắt từ giác mạc, kết mạc đến võng mạc và thần kinh thị giác. Trong số đó, khả năng gây quái thai do rượu và bệnh thần kinh thị giác liên quan đến rượu rõ ràng hơn và dường như là những tình trạng mắt nghiêm trọng nhất liên quan đến uống rượu.
Chúng tôi, những bác sĩ mắt luôn coi uống rượu là yếu tố nguy cơ gây hại cho mắt cũng như cơ thể có thể điều chỉnh hay giảm thiểu được nhờ bản thân bệnh nhân.
Mong mọi người có Tết vui, an toàn và đừng nên nghiện bất cứ thứ gì!
Phân loại tiêu thụ rượu | Định mức |
Nguy cơ thấp, dùng rượu ngắt quãng | Không quá 3–4 ly mỗi ngày và không quá 7–14 ly mỗi tuần |
Uống rượu vừa phải | Tối đa 1–2 ly mỗi ngày |
Uống tới say | 4-5 ly trong khung thời gian 2 giờ |
Nghiện nặng | Uống cho tới say từ 5 ngày trở lên trong 30 ngày qua |
Mời xem thêm video được quan tâm:
Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng