Viêm dây thần kinh thị giác: Dễ giảm thị lực không phục hồi

11-02-2020 07:20 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm dây thần kinh thị giác còn được gọi là viêm thị thần kinh. Viêm thị thần kinh là hiện tượng viêm, nhiễm khuẩn cấp tính hoặc mạn tính xảy ra trên dây thần kinh thị giác (có thể chỉ ở một phần hoặc toàn bộ, tại một điểm nào đó hay toàn bộ chiều dài của dây thần kinh).

Bệnh thường gặp ở nữ, trẻ tuổi, mất thị lực bán cấp kèm theo đau khi chuyển động nhãn cầu.

Viêm dây thần kinh thị giác thường gặp ở những người trưởng thành dưới tuổi 45, phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới. Bệnh có thể khởi phát sau nhiễm virut hoặc do viêm, nhiễm khuẩn, virut, nấm, u, chấn thương, tự miễn...

Tuy nhiên, bệnh xuất hiện nhiều ở những người mắc bệnh đa xơ cứng, xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công “nhầm” và tiêu diệt lớp vỏ bọc bảo vệ của dây thần kinh (bao myelin). Ngoài ảnh hưởng đến thị lực, tổn thương thần kinh do bệnh đa xơ cứng còn khiến bệnh nhân bị mất dần chức năng vận động và cảm giác, cơ thể suy nhược.

Viêm dây thần kinh thị giác là một nguyên nhân giảm thị lực.

Viêm dây thần kinh thị giác là một nguyên nhân giảm thị lực.

Dấu hiệu nhận biết

Ở giai đoạn cấp tính: Bệnh nhân bị suy giảm thị lực một mắt tiến triển nhanh, có thể gặp ở cả 2 mắt. Bệnh nhân bị xơ hóa mảng có thể bị viêm thị thần kinh tái phát, tức là có thể đã có giai đoạn bị giảm thị lực mắt cùng bên hoặc đối bên. Bệnh nhân bị viêm tủy thị thần kinh thường đặc trưng bởi viêm thị thần kinh và viêm tủy nặng, hai bên. Tuy nhiên, viêm thị thần kinh đôi khi xuất hiện trước bệnh tủy sống.

Rối loạn sắc giác (sự thay đổi trong nhận biết màu sắc) ở mắt bệnh, đôi khi rối loạn này quan trọng hơn giảm thị lực.

Đau nhãn cầu hoặc sau hốc mắt: Thường liên quan đến sự thay đổi thị lực và tăng lên khi chuyển động mắt; đau có thể xuất hiện trước khi mất thị lực.

Dấu hiệu Ulthoff: Giảm thị lực khi nhiệt độ cơ thể tăng như sau vận động hoặc sốt.

Dấu hiệu Pulfrich: Nhìn vật thể di chuyển theo đường thẳng thành đường cong, hiện tượng này là do sự dẫn truyền không cân xứng giữa 2 dây thần kinh thị giác.

Các triệu chứng thực thể là giảm phản xạ đồng tử với ánh sáng ở mắt bị tổn hại: Thường thấy tổn hại đồng tử hướng tâm tương đối (RAPD) hoặc đồng tử Marcus Gunn. Bệnh nhân giảm thị lực từ nhẹ đến mất thị lực hoàn toàn, thường xảy ra ở một mắt, nhưng có thể là cả hai mắt. Ngoài ra còn có các biểu hiện bất thường thị giác màu và sự nhạy cảm tương phản xảy ra ở hầu hết các bệnh nhân viêm thị thần kinh có giảm thị lực. Tổn khuyết thị trường, có thể bao gồm ám điểm trung tâm, cạnh trung tâm, hình cung, bước nhảy phía mũi hoặc khuyết nửa ngang của thị trường.

Khi khám các bác sĩ soi đáy mắt thấy 1/3 trường hợp bệnh nhân viêm thị thần kinh là viêm đĩa thị với biểu hiện: phù, cương tụ đĩa thị, bờ hơi mờ, lồi lên, có thể xuất huyết quanh đĩa thị. 2/3 trường hợp còn lại viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu không phát hiện tổn thương đầu thị thần kinh trên soi đáy mắt.

Chẩn đoán bệnh

Chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng.

Hình ảnh cộng hưởng từ có độ nhạy và độ đặc hiệu trong đánh giá viêm thị thần kinh và phát hiện tổn thương chất trắng của hệ thống thần kinh trung ương. Hình ảnh cộng hưởng từ cũng giúp để loại trừ những tổn thương khác.

Điện thể gợi thị giác (VEPs) có thể được xem xét ở những bệnh nhân nghi ngờ viêm thị thần kinh. Xét nghiệm này có thể bất thường ngay cả khi hình ảnh cộng hưởng từ bình thường. Ngoài ra, để loại trừ bệnh các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm những xét nghiệm máu như: máu lắng, xét nghiệm chức năng tuyến giáp, kháng thể kháng nhân, Enzyme ACE, phản ứng huyết tương nhanh, nghiên cứu đột biến acid nhân.

Điều trị thế nào?

Do có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm thị thần kinh nên người bệnh cần được khám bệnh toàn diện và điều trị theo các chuyên khoa khác nhau như: tai-mũi-họng, thần kinh, truyền nhiễm, dị ứng... Ngay khi có nghi ngờ viêm thị thần kinh, cần ngừng ngay việc sử dụng các chất gây nhiễm độc thị thần kinh. Tại mắt, cần giải quyết rối loạn tuần hoàn, dinh dưỡng tại dây thần kinh, chống viêm, chống nhiễm trùng... Nói chung, việc điều trị viêm thị thần kinh chủ yếu là loại trừ nguyên nhân mới khỏi bệnh hoàn toàn. Ngay sau khi có chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân nhập viện, điều trị bằng corticoid. Thuốc corticoid có thể được chỉ định với liều rất cao, dùng cả đường uống lẫn đường tiêm, truyền tĩnh mạch.

Với kháng sinh, tùy theo tác nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ cho kháng sinh phù hợp. Trong một số trường hợp đặc biệt có thể người bệnh phải dùng tới thuốc ức chế miễn dịch (bệnh Behcet). Các loại thuốc giãn mạch dùng theo đường uống và tiêm cạnh nhãn cầu cùng các vitamin nhóm B như B1, B6, B12 cũng có thể được sử dụng. Viêm thị thần kinh là bệnh mắt nặng, có khả năng tái phát, biến chứng và di chứng nặng nề. Việc phát hiện bệnh sớm, điều trị tích cực rất có ý nghĩa trong phục hồi chức năng thị giác, tránh tái phát và biến chứng.

Thị lực có thể bắt đầu cải thiện sau khi điều trị corticoid, bệnh nhân phục hồi sau từ 2-3 tuần đến 1-2 tháng, tuy nhiên phục hồi hoàn toàn là ít có khả năng. Hậu quả cuối cùng của viêm thị thần kinh, đặc biệt ở những bệnh nhân tái phát nhiều lần là teo gai thị.


BS. Lê Đình Anh
Ý kiến của bạn