Các ảnh màu đáy mắt, chụp mạch huỳnh quang và chụp cắt lớp võng mạc giúp xác định chẩn đoán và điều trị. Điều trị bằng các thuốc bổ sung chế độ ăn, tiêm dịch kính các thuốc chống tăng trưởng nội mô mạch máu, quang đông laser, liệu pháp quang động và các thiết bị trợ thị.
THHĐ dạng khô gây ra những biến đổi của biểu mô sắc tố võng mạc. Biểu mô sắc tố võng mạc đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho các tế bào nón và tế bào que khỏe mạnh và hoạt động tốt. Sự tích tụ những sản phẩm thải loại từ các tế bào que và tế bào nón có thể làm xuất hiện những chấm màu vàng (gọi là drusen). Các vùng teo hắc - võng mạc (gọi là teo hình bản đồ) xảy ra trong các trường hợp nặng của THHĐ dạng khô. Không có sẹo hoàng điểm, phù, xuất huyết hoặc xuất tiết.
THHĐ dạng ướt xảy ra khi các tân mạch bất thường phát triển dưới võng mạc trong một quá trình gọi là sự hình thành tân mạch hắc mạc. Phù hoặc xuất huyết hoàng điểm khu trú có thể làm cho hoàng điểm lồi lên hoặc gây ra bong biểu mô sắc tố võng mạc. Nếu không được điều trị, các tân mạch này cuối cùng sẽ gây ra sẹo hình đĩa ở dưới hoàng điểm.
Thoái hóa hoàng điểm tuổi già là nguyên nhân phổ biến nhất của giảm thị lực.
Nguyên nhân do đâu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến THHĐ trong đó nguyên nhân hàng đầu là tuổi tác. Những biến đổi di truyền (thí dụ yếu tố bổ thể H bất thường). Nhiều nghiên cứu cho thấy tiền sử gia đình có người mắc bệnh THHĐ cũng là nguyên nhân dẫn đến THHĐ. Ngoài ra, hút thuốc lá, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, béo phì, tiếp xúc ánh nắng, chế độ ăn ít axit béo omega-3 và các loại rau xanh... cũng dễ dẫn đến mắc căn bệnh này.
Dấu hiệu nhận biết
Có 2 dạng khác nhau:
THHĐ dạng khô (còn gọi là không xuất tiết hoặc teo): Hầu hết những bệnh nhân THHĐ đều bắt đầu bằng dạng khô (khoảng 85%).
THHĐ dạng ướt (xuất tiết hoặc tân mạch): chiếm khoảng 15% số bệnh nhân. Mặc dù chỉ có 15% bệnh nhân THHĐ tuổi già có dạng ướt nhưng 80-90% các trường hợp giảm thị lực nặng là do dạng này.
THHĐ tuổi già thể khô, giảm thị lực trung tâm thường xảy ra sau nhiều năm và không có đau. Hầu hết bệnh nhân vẫn còn thị lực đủ để đọc sách và lái xe. Các điểm mù ở trung tâm thường xuất hiện ở giai đoạn muộn của bệnh, đôi khi có thể trở thành trầm trọng.
Các triệu chứng thường có ở cả 2 mắt. Các dấu hiệu soi đáy mắt bao gồm: Biến đổi ở biểu mô sắc tố võng mạc; Các vùng teo hắc võng mạc.
THHĐ tuổi già thể ướt: Điển hình là giảm thị lực nhanh, thường vài ngày đến vài tuần. Các triệu chứng đầu tiên thường là nhìn hình biến dạng, thí dụ thấy một điểm mù ở trung tâm hoặc các đường thẳng nhìn thấy cong queo. Thị trường và sắc giác thường không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thị lực có thể rất kém (dưới 1/10) nếu THHĐ tuổi già không được điều trị. THHĐ tuổi già thể ướt thường không bị ở 2 mắt đồng thời, do đó triệu chứng thường ở 1 mắt.
Những biến đổi ở đáy mắt bao gồm: Xuất tiết dưới võng mạc, biểu hiện bằng một vùng võng mạc lồi lên; Phù võng mạc; Hoàng điểm biến đổi màu sắc (có màu xanh xám); Xuất tiết ở trong hoặc quanh hoàng điểm; Bong biểu mô sắc tố võng mạc (biểu hiện bằng một vùng võng mạc lồi lên); Xuất huyết ở trong hoặc quanh hoàng điểm.
Chẩn đoán
Khi nghi ngờ, các bác sĩ sẽ soi đáy mắt, chụp ảnh màu đáy mắt, chụp mạch huỳnh quang, chụp cắt lớp võng mạc. Cả hai dạng THHĐ tuổi già đều được chẩn đoán bằng soi đáy mắt. Biến đổi thị lực thường được phát hiện bằng bảng Amsler. Chụp ảnh màu và chụp mạch huỳnh quang được thực hiện khi các dấu hiệu gợi ý THHĐ thể ướt. Chụp mạch cho thấy các đặc điểm của màng tân mạch hắc mạch ở dưới võng mạc và cho biết ranh giới của vùng teo hình địa đồ. Chụp cắt lớp võng mạc (OCT) giúp phát hiện dịch dưới và trong võng mạc và đánh giá đáp ứng với điều trị.
Phòng và chữa bệnh
Đeo kính râm bảo vệ mắt chống tia cực tím; ngừng hút thuốc lá, thuốc lào; ăn nhiều rau xanh, hoa quả chín và cá; dùng thuốc có chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho hoàng điểm, võng mạc như thuốc có chứa vitamin C, E, beta-caroten... khám mắt định kỳ mỗi năm 1-2 lần, nhất là người trên 50 tuổi.
Việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ và ngăn chặn các biến chứng của bệnh nhất là khi đã có sự xuất hiện của tân mạch. Đầu tiên là phải kiểm soát được huyết áp, mỡ trong máu, không hút thuốc... Dùng các thuốc hỗ trợ để cung cấp thêm dinh dưỡng cho mắt như các vitamin và protein cần thiết cho sự hoạt động của các tế bào thị giác. Dùng laser để phá hủy các tân mạch...