Hà Nội

Phẫu thuật glocom phối hợp lấy thể thủy tinh

27-09-2019 07:33 | Y học 360
google news

SKĐS - Với bệnh nhân, phẫu thuật 2 trong 1 trên nghe có vẻ phức tạp. Tại sao người khác chỉ cần 1 mà tôi phải cần những 2? Chuyện gì sẽ xảy ra? Kết quả sẽ ra sao?...

Bác sĩ thì có lý lẽ của riêng mình theo một trình tự rất ngắn và thẳng để đưa tới quyết định. Chúng ta hãy điểm lại phẫu thuật này trên quan điểm để bệnh nhân thấu hiểu và đặt hoàn toàn niềm tin vào quyết định của bác sĩ.

Trong trường hợp bệnh nhân có 2 bệnh cùng một lúc: Đục thể thủy tinh và glocom; để tìm ra phương thức điều trị tốt nhất cho ca bệnh này, các bác sĩ cần khám xét và đánh giá: Bệnh glocom đã trầm trọng tới đâu? Laser điều trị hay thuốc men có hạ được nhãn áp tới mức chấp nhận được? Đục thể thủy tinh đã thực sự ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân?

Bác sĩ mắt sẽ đưa ra phương án để bạn lựa chọn với phương châm “có được thị lực tốt nhất nhưng các biến chứng phải ở mức thấp nhất”.  Nếu phối hợp 2 phẫu thuật là cần thiết, bác sĩ cũng sẽ cùng bàn thảo với người bệnh cách thức phối hợp. Sau đây là những lý do tại sao bác sĩ đưa ra phương án phẫu thuật phối hợp:

Thuận lợi cho bệnh nhân: Chỉ một lần làm thủ tục, đỡ khó nhọc và mất thời gian hơn 2 lần làm thủ tục mổ.

Ít nguy cơ gây mê, gây tê: Bệnh nhân chỉ cần gây tê, gây mê 1 lần, giảm được các tai biến do vô cảm đi một nửa.

Phẫu thuật glocom phối hợp lấy thể thủy tinhMột ca phẫu thuật glocom phối hợp lấy thể thủy tinh.

Dừng được việc dùng thuốc: Nếu phẫu thuật glocom thành công, bạn sẽ có cơ may giảm được việc dùng thuốc điều trị glocom, thậm chí có thể ngừng hẳn. Rất nhiều người thấy việc dùng thuốc điều trị glocom là một gánh nặng.

Duy trì được nhãn áp ổn định sau phẫu thuật: Sau phẫu thuật thể thủy tinh đơn thuần, đôi khi nhãn áp bị tăng lên. Nếu bổ sung phẫu thuật glocom sẽ khống chế được việc tăng nhãn áp. Một công đôi việc là vậy.

Chi phí thấp: Chi phí tiến hành 2 phẫu thuật 1 lần sẽ thấp hơn 2 phẫu thuật riêng rẽ. Mặt khác, phẫu thuật glocom thành công cũng giúp bệnh nhân khỏi phải chi phí cho việc dùng thuốc điều trị glocom.

Có những dạng thức phối hợp phẫu thuật nào?

Phẫu thuật đục thể thủy tinh kết hợp với cắt bè

Chỉ định cho những trường hợp glocom nặng, cắt bè và lấy thể thủy tinh sẽ hạ được nhãn áp. Trong phẫu thuật cắt bè, phẫu thuật viên sẽ mở ra 1 lỗ nhỏ hoặc tạo 1 vạt tổ chức trên vùng củng mạc (màu trắng). Sau này, vùng đó sẽ thành tổ chức sẹo bọng giống như một túi bóng. Dịch thừa trong nội nhãn sẽ đi qua vạt tổ chức rồi khu trú ở sẹo bọng. Dịch sẽ được hấp thụ dần dần, nhãn áp cũng được hạ theo.

Phẫu thuật lấy thể thủy tinh kèm theo đặt valve điều trị glocom

Trong phẫu thuật này, phẫu thuật viên sẽ lấy thể thủy tinh bị đục thay bằng thể thủy tinh nhân tạo. Để hạ được nhãn áp, bệnh nhân sẽ được đặt một ống nhựa rất bé nhưng rắn chắc xuyên qua củng mạc (màu trắng), ống nằm dưới khoang kết mạc (màng trong suốt nằm sát củng mạc). Ống sẽ làm nhiệm vụ dẫn dịch bị ứ đọng trong nhãn cầu chảy tới buồng chứa dịch bằng plastic được phẫu thuật viên cố định sát thành nhãn cầu. Tại đây, dịch sẽ được hệ tĩnh mạch hấp phụ dần dần, kéo theo hiệu quả giảm áp.

Phẫu thuật lấy thể thủy tinh kèm phẫu thuật glocom kiểu mới

Một vài quy trình phẫu thuật glocom mới đây không cần thiết phải cắt rạch các mô của mắt, chúng có tên là MIGS hay phẫu thuật glocom không xâm lấn. Rất nhiều phẫu thuật viên lựa chọn kết hợp nhóm phẫu thuật trên với mổ lấy thể thủy tinh trên bệnh nhân bị glocom góc mở nhẹ hoặc trung bình. Đường mổ chung cho 2 phẫu thuật là đường rạch nhỏ, đi vào tiền phòng để lấy thể thủy tinh bị đục và đặt ống stent nhỏ vào tiền phòng sau đó. Ống tube này giúp giải phóng dịch ứ đọng ở trong mắt ra ngoài, làm hạ nhãn áp nhưng không chắc có dừng được thuốc điều trị glocom hay không.

Tuy ưu điểm là vậy nhưng mổ thể thủy tinh phối hợp không phải là giải pháp cho tất cả mọi người. Vì vậy, cần lưu ý:

Đôi khi đục thể thủy tinh không thực sự gây ra giảm thị lực mà chỉ cần điều trị glocom đơn thuần bằng thuốc men hoặc phẫu thuật glocom. Phẫu thuật thể thủy tinh có thể trì hoãn về sau.

Ngược lại trên, với những trường hợp glocom đã được kiểm soát bằng thuốc nhưng thị lực giảm sút nhiều do đục thể thủy tinh, lúc này, mổ thể thủy tinh đơn thuần là sự lựa chọn tốt nhất

Trên nhóm bệnh nhân bị glocom góc đóng, chân mống mắt bị nhô cao về phía trước làm nghẽn dòng thủy dịch không thoát được ra ngoài gây tăng nhãn áp. Đục thể thủy tinh làm glocom nặng thêm, do vậy, sau khi thể thủy tinh được lấy đi, nhãn áp sẽ hạ xuống mà không cần làm thêm phẫu thuật glocom. Mổ thể thủy tinh kèm theo tách dính hay mở vùng bè cũng được coi là một dạng thức củng cố thêm tác dụng hạ áp của phẫu thuật thể thủy tinh với bệnh cảnh trên.


TS.BS. Hoàng Cương
Ý kiến của bạn