Theo TS.BS. Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW, tan máu bẩm sinh (thalassemia) là bệnh lý di truyền và hiện nay đang gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn tới chất lượng dân số, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Có thể coi đây là "quả bom nổ chậm" làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số và nguồn tài chính quốc gia.
Việt Nam có tới 13,8% dân số mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Mỗi năm, cần trên 2.000 tỷ đồng để tất cả bệnh nhân được điều trị ở mức tối thiểu và cần khoảng 500.000 đơn vị máu an toàn.
Các chuyên gia của Viện Huyết học - Truyền máu TW cho biết, hoạt động truyền thông, tư vấn, sàng lọc và chẩn đoán trước sinh bệnh thalassemia tại các khu vực có tỷ lệ gen bệnh cao nhằm hỗ trợ người dân chủ động phòng tránh bệnh an máu bẩm sinh, đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh trên toàn quốc không chỉ có giá trị về mặt y tế mà còn có hiệu quả rất lớn về mặt kinh tế, xã hội và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Mới đây, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ (TP. Hà Nội) phối hợp với Trường THPT Chương Mỹ B tổ chức chương trình truyền thông giáo dục sức khoẻ sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho giáo viên, học sinh của nhà trường.
Đây là hoạt động nhằm nâng cao kiến thức về sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho giáo viên, học sinh các trường THPT trên địa bàn Hà Nội. Buổi truyền thông cho hơn 1.200 giáo viên và học sinh của trường THPT Chương Mỹ B dưới sự giảng dạy và tư vấn của BS Phạm Thị Kim Chung - Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế.
Tại buổi truyền thông thầy cô giáo và các em học sinh đã được các chuyên gia y tế cung cấp những thông tin, kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh để có hiểu biết đầy đủ về bệnh này, nguyên nhân, hệ lụy ảnh hưởng của bệnh đến chất lượng giống nòi, ngoài ra thầy cô và các em học sinh còn được cung cấp những nội dung cơ bản của bệnh tan máu bẩm sinh, các biểu hiện điển hình của bệnh, cách phòng tránh và điều trị, chăm sóc cho người bệnh.
Cũng tại buổi truyền thông về bệnh tan máu bẩm sinh, các chuyên gia y tế dân số - kế hoạch hoá gia đình đã lồng ghép nội dung nói chuyện, trao đổi, chia sẻ với các em học sinh một số nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Việc này góp phần trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản và kỹ năng xử lý khi thấy sự phát triển và thay đổi về sức khỏe sinh sản cũng như biết cách xây dựng quan hệ tình bạn, tình yêu học đường đúng đắn, giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ.