Chắp cánh ước mơ cho trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh

25-07-2022 15:13 | Nhịp cầu Nhân ái
google news

SKĐS - Những đứa trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh vẫn luôn ao ước bản thân mình được sinh sống, học tập bình thường như bao đứa trẻ khác.

Lớp học "Chắp cánh ước mơ" được khai giảng từ năm 2021. Lớp học có gần 20 học sinh, độ tuổi từ 5-15 tuổi được các "Thầy giáo" là những Thầy thuốc của Trung tâm HH-TM Nghệ An giảng dạy.
Lớp học “Chắp cánh ước mơ” cho trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh - Ảnh 1.

Lớp học "Chắp cánh ước mơ" được khai giảng từ năm 2021. Lớp học có gần 20 học sinh, độ tuổi từ 5-15 tuổi được các "Thầy giáo" là những Thầy thuốc của Trung tâm HH-TM Nghệ An giảng dạy.

Lớp học tình thương ở nhà thương

Từ 19 giờ đến 21 giờ 30 phút vào các tối thứ 3, thứ 5 và thứ 7 hàng tuần, căn phòng nhỏ 30m2 ở Khoa Bệnh máu Tổng hợp 2, Trung tâm Huyết học - Truyền máu (HH-TM) tỉnh Nghệ An lại sáng đèn. Từ căn phòng đặc biệt đó, tiếng ê a đánh vần, tiếng cười trẻ thơ nắc nẻ lại rộn rã vang lên… Thời khắc này, sự bình yên lạ kỳ lại đến, bao phủ và thay thế sự u ám, nặng nề vốn có của một cơ sở y tế chuyên khoa điều trị bệnh hiểm nghèo về máu.

Căn phòng tuy nhỏ nhưng đầy đủ điện đèn, quạt, điều hòa và bàn ghế học sinh. Trên bức tường phòng có những bích họa mang gam màu tươi sáng; có kệ, tủ sách được sắp đặt gọn gàng. Căn phòng này là địa điểm đặt lớp học miễn phí "chắp cánh ước mơ"… Lớp học có nhiều điều đặc biệt.

Gần 20 học sinh trong lớp đều là những đứa trẻ còi cọc, ốm yếu, gương mặt vàng vọt, xanh xao, mệt mỏi; có độ tuổi từ 5-15 tuổi. Là những bệnh nhân đang điều trị bệnh Tan máu bẩm sinh ở trung tâm, nên những học sinh khi tham gia lớp học còn đang mặc áo bệnh nhân, có cháu đến lớp trên tay vẫn nguyên kim truyền máu.

Lớp học “Chắp cánh ước mơ” cho trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh - Ảnh 2.

Học sinh ở lớp đều là trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh, có những em đến lớp trên tay vẫn nguyên kim truyền.

Học sinh đặc biệt nên giáo viên cũng vậy. Giáo viên chủ nhiệm đứng lớp là bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Khoa Bệnh máu Tổng hợp 2; trợ giảng là các điều dưỡng trong khoa và các sinh viên tình nguyện đang theo học tại những trường đại học trên địa bàn thành phố Vinh… Tham gia lớp học, ngoài giáo viên và học trò, còn có phụ huynh học sinh. Họ đứng ngoài cửa sổ, ngân ngấn nước mắt, nhìn con mình học bài với cảm xúc yêu thương trào dâng.

Những học sinh bước vào giờ học vẫn còn mang theo di chứng mệt mỏi khi vừa hoàn thành đợt trị liệu trong ngày. 

Tuy nhiên, tất cả đều rất hào hứng lắng nghe, tích cực tham gia vào bài học. Ở lớp, học sinh ở các lứa tuổi và trình độ khác nhau nên đã được phân thành các nhóm. Mỗi giáo viên phụ trách một nhóm riêng…

Góc này, nhóm học sinh được dạy đánh vần, tô màu và học các phép tính cơ bản. Bàn kia, giáo viên hướng dẫn học trò mình giải toán phương trình, cân bằng hóa trị.

Lớp học “Chắp cánh ước mơ” cho trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh - Ảnh 3.

Giảng viên ở lớp là các bác sĩ, điều dưỡng và sinh viên tình nguyện

Mỗi buổi học diễn ra vẻn vẹn trong hơn 2 giờ đồng hồ. Dẫu vậy, trong chừng ấy thời gian, các em học sinh đã được truyền đạt rất nhiều điều bổ ích.

Các em ở lớp không chỉ được tiếp nhận những bài học theo chương trình phổ thông mà còn tham gia giao lưu, chuyện trò với các giáo viên; được hát, múa, vẽ … tùy theo sở thích và khả năng của bản thân. Một bài học lớn mà buổi học nào các giáo viên cũng nhắc đi, nhắc lại là "Các em cần phải lạc quan, tự tin hơn về bản thân để chiến thắng bệnh tật".

Bài học này được chuyển tải một cách sinh động bằng các câu chuyện ngụ ngôn và tích xưa.

BS Nguyễn Tuấn Anh cho biết: "Lớp học "Chắp cánh ước mơ" được khai giảng từ năm 2021. Trong những tháng đầu, lớp học được duy trì cả tuần, mỗi tối đều tổ chức dạy học. 

Nhưng khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thì lớp được duy trì một tuần 3 buổi. Điều chúng tôi muốn mang đến cho các em là sự thư giãn, vừa học vừa chơi sau một ngày dài nằm trên chiếc giường bệnh của mình. Chúng tôi muốn dạy cho các em các kĩ năng sống bên ngoài căn phòng bệnh, muốn các em giao tiếp nhiều hơn, hiểu nhiều hơn về cuộc sống xung quanh. 

Vì thế mỗi buổi học, chúng tôi đều cố gắng dành ra 30 phút để các em vui chơi, ca múa hát để các em mạnh dạn hơn".

Lớp học “Chắp cánh ước mơ” cho trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh - Ảnh 4.

"Giáo viên chủ nhiệm" do bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh đảm nhiệm

Vì một ngày mai tươi sáng hơn

Chia sẻ về lớp học đặc biệt này, bác sĩ CKII Nguyễn Đình Khuê – Giám đốc Trung tâm HH-TM tỉnh Nghệ An cho hay: Vào dịp Trung Thu năm 2020, Trung tâm đã tổ chức Đêm hội Trằng Rằm cho hơn 40 cháu bệnh nhân tan máu bẩm sinh đang điều trị ở đây.

Khi được hỏi về ước nguyện của mình, 90% các cháu đều bày tỏ mong muốn được đi học giống như các bạn có sức khỏe bình thường khác… Nước mắt của các bác sĩ, điều dưỡng đã rơi vì ước nguyện đó. Lâu nay, bản thân các cháu mắc bệnh tan máu bẩm sinh đã mất rất nhiều thời gian để điều trị bệnh tật của mình.  Mỗi đợt truyền máu – thải sắt thường phải mất 2 tuần. Điều này đồng nghĩa các cháu đã mất đi 2 tuần ở trường, ở lớp. 

Sau đợt điều trị, khi trở nhà đi học trở lại thì rất khó có thể theo kịp tiến độ học tập dẫu cho các thầy cô có phụ đạo, dạy bù hay các bạn học hướng dẫn thêm. 

Chính vì sự không theo kịp đó, cộng thêm sức khỏe đi xuống không đảm bảo nên có cháu đã bỏ ngang việc học. Có một số bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh lớn tuổi bị mù chữ cũng vì nguyên nhân này.

Lớp học “Chắp cánh ước mơ” cho trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh - Ảnh 5.

Học sinh ở lớp học "Chắp cánh ước mơ" đều là trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh

Thấu cảm trước khát khao của các cháu, trên cơ sở đề xuất của người nhà bệnh nhân và các bác sĩ, lãnh đạo Trung tâm HH-TM tỉnh Nghệ An đã quyết định mở một lớp học "chắp cánh ước mơ" dành riêng cho trẻ bị tan máu bẩm sinh. 

BS Nguyễn Tuấn Anh được giao nhiệm vụ làm chủ nhiệm lớp… Từ ý định đến khi lớp được khai giảng cũng là một quá trình dài với nhiều sự cố gắng của các bác sĩ, điều dưỡng của trung tâm. 

Họ đã đứng ra vận động các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở, dụng cụ, bàn ghế học tập cho các cháu…

Nghĩ là đơn giản nhưng để đưa lớp đi vào hoạt động thì còn rất nhiều việc phải làm. Các bác sĩ, điều dưỡng trong vai trò giáo viên đã phải học tập nghiêm túc một chuyên ngành hoàn toàn khác để có kỹ năng sư phạm dạy cho các em. 

"Dạy như thế nào cho đúng phương pháp, đúng trình tự, các em dễ hiểu đó là một một câu chuyện không dễ, nhất là đối với các em chưa được đến lớp một ngày nào. Tuy nhiên, khi nhìn thấy niềm vui, sự hạnh phúc của các em khi được đến lớp đã thôi thúc chúng tôi thêm cố gắng". – điều dưỡng Phạm Thị Ái, một giáo viên của lớp cho hay.

Lớp học “Chắp cánh ước mơ” cho trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh - Ảnh 6.

Các em ở lớp không chỉ được tiếp nhận những bài học theo chương trình phổ thông mà còn tham gia giao lưu, chuyện trò với các giáo viên; được hát, múa, vẽ …

Lớp đi vào hoạt động, bệnh nhân Vi Thị Hiền (13 tuổi, xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) vốn không được đến trường từ khi hết tuổi mẫu giáo nay đã được thỏa nguyện được học và biết chữ. Cậu bé Vi Tuấn Khanh (7 tuổi, Trường Tiểu học Châu Hội 1, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) không còn lo sợ quá thua kém bạn bè ở lớp khi vẫn được ôn luyện, học tập ngay cả khi đang điều trị. Về trường, kết quả học tập của Khanh vẫn thường được cô giáo khen.

Chị Lữ Thị Huệ (mẹ của Khanh) vui mừng chia sẻ: "Trước đó, mỗi lần nhắc đến việc xuống viện là cháu sợ, chỉ thích ở nhà đi lớp. Có lớp học "chắp cánh ước mơ" này, cháu không còn sợ bệnh viện nữa. Trước khi xuống viện, dù rất mệt nhưng vẫn nhắc mẹ mang theo sách vở để xuống viện cùng học với các bạn"… 

Qua mỗi tiết học, các học sinh đã chuyển từ từ rụt rè trở nên vui vẻ, mạnh dạn hơn. Cuộc sống ở Trung tâm trở nên có ý nghĩa, không còn sự buồn chán với lịch trình lặp đi, lặp lại "truyền máu, tiêm thuốc, uống thuốc và ngủ".

Lớp học “Chắp cánh ước mơ” cho trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh - Ảnh 7.

Tham gia lớp học, ngoài giáo viên và học trò, còn có phụ huynh học sinh. Họ đứng ngoài cửa sổ, ngân ngấn nước mắt, nhìn con mình học bài với cảm xúc yêu thương trào dâng.

Sau một thời gian hoạt động, nhận thấy các em học sinh cần lượng khiến thức chuyên môn cao hơn, Trung tâm HH-TM Nghệ An đã liên hệ các trường đại học trên địa bàn thành phố để tìm các sinh viên tình nguyện giúp đỡ. 

Đã có rất nhiều sinh viên đã tình nguyện đăng ký đến lớp học giúp đỡ cho các em. Sinh viên Cao Khánh Huyền (Khoa sư phạm tiểu học, Trường Đại học Vinh) là một trong số đó.

Mỗi tuần, Khánh Huyền đến trung tâm lên lớp 2 buổi. Cô giáo tương lai này tâm sự: " Các học sinh đều là bệnh nhân nên vẫn có sự rụt rè, mặc cảm. Vì vậy, bản thân các giáo viên và chúng em phải thật sự ân cần, có tấm lòng yêu thương, đồng cảm… Có như vậy, các em mới dễ hiểu bài. 

Mong rằng, các em ngày càng nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hơn từ cộng đồng để có sức khỏe và một ngày mai tươi sáng hơn".

Được biết, lớp học miễn phí nên các giảng viên và tình nguyện viên đều tham gia tự nguyện, không nhận bất cứ một phụ cấp, chi phí bồi dưỡng đứng lớp nào.

Với họ, lớp học "Chắp cánh ước mơ" đã là đứa con tinh thần, là niềm vui cuộc sống… Lớp học "Chắp cánh ước mơ" không đủ rộng lớn, chỉ vỏn vẹn 30m2 nhưng tràn ngập tình yêu thương.

Lớp học “Chắp cánh ước mơ” cho trẻ mắc bệnh tan máu bẩm sinh - Ảnh 8.

Các học sinh ở lớp học "Chắp cánh ước mơ" được các "thầy giáo" Thầy thuốc xem như người thân ruột thịt của mình

BS CKII Nguyễn Đình Khuê, Giám đốc Trung tâm HH-TM tỉnh Nghệ An tâm tình: "Người bệnh tan máu bẩm sinh từ trước tới nay vẫn phải sống trong vòng luẩn quẩn khi họ phải sống với căn bệnh này cả đời.

Càng về sau, nhu cầu truyền máu càng lớn, lượng sắt tồn đọng càng nhiều, ảnh hướng xấu đến sức khoẻ, sự phát triển thể chất. Bệnh nhân mất dần sức lao động, đời sống vật chất và tinh thần càng trở nên khó khăn hơn. Lớp học được hình thành với mong muốn giúp bệnh nhân phần nào thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó. Có tri thức đồng nghĩa với việc bệnh nhân có thêm cơ hội tự kiếm sống, phát triển bản thân mình!".

Cậu bé mắc bệnh tan máu bẩm sinh nhận tiền bạn đọc hỗ trợCậu bé mắc bệnh tan máu bẩm sinh nhận tiền bạn đọc hỗ trợ

SKĐS - Sau khi đăng tải các bài viết về hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Tĩnh, chuyên mục Vòng tay nhân ái của chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) đã nhận được nhiều sự quan tâm, đồng cảm của bạn đọc cũng như các nhà hảo tâm.


Từ Thành - Thuỷ Thuỷ
Ý kiến của bạn