Quản lý theo dõi bệnh nhân sau ghép tạng bằng ứng dụng điện thoại

05-12-2023 22:04 | Y tế

SKĐS - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (UMC) vừa đưa vào triển khai Chương trình "Quản lý và giáo dục toàn diện bệnh nhân ghép tạng" tích hợp trong ứng dụng di động UMC Care, giúp chăm sóc và theo dõi lâu dài sau ghép tạng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến cuối tháng 3/2023, Việt Nam đã thực hiện được khoảng 7.500 ca ghép tạng. Số ca ghép tạng tại Việt Nam có sự gia tăng đáng kể, từ 283 ca (năm 2014) lên 1.004 ca (năm 2022). Tỉ lệ thành công ghép tạng tại Việt Nam tương đương với các nước trong khu vực với tỉ lệ thành công sau ghép tức thì đạt trên 95% và thời gian bệnh nhân sống sau 5 năm đạt 85-90%. Trong đó 90% các ca ghép thận và 10% còn lại là ghép tim, gan, phổi, tụy…

Mặc dù đạt được những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực ghép tạng trong 30 năm qua, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm thiếu nguồn cung nội tạng, khả năng phối hợp ghép tạng hạn chế... Bệnh nhân cũng phải đối mặt với việc thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe hậu phẫu ghép tạng, nguồn cung cấp thuốc ức chế miễn dịch không ổn định và thiếu nền tảng tương tác hiệu quả giữa bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế.

TS.BS Phạm Văn Tấn – Phó Giám đốc Bệnh viện ĐHYD TPHCM cho biết, việc quản lý chặt chẽ ghép tạng vô cùng quan trọng, từ trước khi ghép là quản lý nguồn tạng hiến, đến sau ghép là chống thải ghép, tăng cường miễn dịch, kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân…

Quản lý theo dõi bệnh nhân sau ghép tạng bằng ứng dụng điện thoại- Ảnh 1.

Ê-kip bác sĩ thực hiện ca ghép gan tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.

Từ năm 2018, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM bắt đầu triển khai ghép tạng. Đến nay, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đang quản lý khoảng 200 bệnh nhân ghép thận và 50 bệnh nhân ghép gan. Bệnh viện đặt mục tiêu ghép tạng là ưu tiên hàng đầu của bệnh viện trong 3 -5 năm tới, bao gồm ghép thận, ghép gan và mở rộng ghép tim.

Ông Trần Văn Đức - Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, trước đó, bệnh viện đã quản lý quá trình bệnh nhân điều trị bệnh, đến ghép tạng, thường xuyên giữ liên lạc thông tin để tư vấn và giải đáp, hỗ trợ bệnh nhân qua các nhóm Zalo.

Tuy nhiên, chương trình "Quản lý và giáo dục toàn diện bệnh nhân ghép tạng" tích hợp vào ứng dụng di động lần này sẽ như một hệ sinh thái với nhiều thành phần thông tin cho bệnh nhân về vấn đề ghép tạng. Từ đó, công tác giáo dục và quản lý bệnh nhân được thuận tiện, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ giảm tải được công việc quản lý, theo dõi bệnh nhân so với thủ công trước đây để tập trung giải đáp, chăm sóc cho bệnh nhân:

"Người bệnh đăng nhập vào app đó là xem được tất cả. Bao gồm trước ghép tạng, trong và sau thời gian ghép tạng, những nhu cầu thông tin về luật, sự chuẩn bị cũng như chế độ sử dụng thuốc men, dinh dưỡng và nhiều thắc mắc cần giải đáp khác. Tức là app là cái cầu nối thông tin giữa người bệnh và bác sĩ trao đổi với nhau. Người bệnh cũng có thể theo dõi được sức khỏe của mình qua app này. Còn đơn vị dược cũng có thể theo dõi được quá trình đáp ứng điều trị của bệnh nhân, từ đó có những cải tiến về thuốc, hỗ trợ kéo dài cuộc sống người bệnh", ông Trần Văn Đức cho biết.

Được biết, ứng dụng di động UMC Care đã được Đại học Y Dược TPHCM phát triển từ năm 2021 và đã có khoảng 80.000 người dùng.

Truyền hình trực tuyến: Ghép tạng ở Việt Nam - Hành trình nối dài sự sống hàng nghìn ngườiTruyền hình trực tuyến: Ghép tạng ở Việt Nam - Hành trình nối dài sự sống hàng nghìn người

SKĐS - Đi sau thế giới gần nửa thế kỷ và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm thế nhưng trình độ ghép tạng của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc ngang bằng với các nước… Đó là một trong những thành tựu rất đáng tự hào của ngành y tế Việt Nam.


Vân Nhi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn