Vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã thực hiện thành công ca lấy, ghép tạng từ người hiến chết não. Đây là bước tiến lớn về chuyên môn kỹ thuật của một bệnh viện tại địa phương.
PGS.TS Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Chủ tịch Hội đồng Điều phối ghép tạng của Bệnh viện, chia sẻ: "Bệnh nhân chết não là một thanh niên 18 tuổi ở thị xã Hoàng Mai. Khi em mất, gia đình đã đề nghị tình nguyện hiến tạng. Tâm nguyện của gia đình có ý nghĩa nhân văn hết sức to lớn, bởi từ những bộ phận cơ thể của em cho mà nhiều bệnh nhân khác sẽ được cứu sống".
Ở Việt Nam, kể từ ca ghép tạng đầu tiên vào năm 1992, đến nay, các cơ sở y tế ở Việt Nam đã thực hiện được khoảng 7.000 ca ghép tạng trên toàn quốc. Hiện nay, số người bệnh chờ được ghép tạng ở Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn tạng lại rất giới hạn, bởi người cho là người thân trong gia đình, họ hàng và phụ thuộc vào tính tương thích, điều kiện kinh tế.
Nhìn chung, người dân vẫn còn e dè trong việc hiến xác, hiến tạng sau khi người cho bị chết, chết não bởi các yếu tố văn hóa, quan niệm như "chết phải toàn thây". Bởi vậy, việc gia đình người cho đăng ký hiến bộ phận cơ thể sau khi người cho chết não là vô cùng quý báu, rất đáng trân trọng. Điều này nên được duy trì và phổ biến trong văn hóa hiến tạng ở Việt Nam.
Được biết, đây là lần thứ 2, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An nhận được đơn tình nguyện xin được hiến tạng, hiến mô từ gia đình của người chết não. Trường hợp đầu tiên là một gia đình ở huyện Tân Kỳ. Đây là trường hợp sau khi người thân "mất" ở trong miền Nam, gia đình đã vận chuyển về Nghệ An, khi đến Thừa Thiên Huế thì các chỉ số của người cho không còn đảm bảo tốt nên ca lấy, ghép tạng buộc phải thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Hương, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã được Bộ Y tế cấp phép thực hiện ghép tạng từ năm 2019. Việc triển khai kỹ thuật lấy, ghép tạng của bệnh viện nằm trong chiến lược phát triển tỉnh Nghệ An trở thành Trung tâm y tế kỹ thuật cao, chuyên sâu của khu vực Bắc Trung Bộ theo Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị nay là Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức và Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều ca ghép tạng từ người cho là người sống. Riêng đối với ghép tạng từ người cho chết não thì đây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện.
Trong ca lấy, ghép tạng này, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã huy động 6 ê-kíp với gần 200 nhân viên y tế phối hợp cùng các chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cùng tham gia thực hiện.
Việc triển khai thành công kỹ thuật không những khẳng định vai trò, vị trí của ngành Y tế Nghệ An mà còn giúp cho người dân trong khu vực có cơ hội ghép tạng mà không phải di chuyển xa, tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị, đồng thời giảm tải cho tuyến trên.
15h30 ngày 7/9, ca lấy, ghép tạng từ người hiến chết não đã diễn ra. Các bác sĩ đã tiến hành lấy đa tạng gồm: gan, thận, giác mạc, van tim, mạch máu... từ người hiến chết não. Sau khi lấy, các bác sĩ đã triển khai ghép thận cho 2 bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối ở Huế và Bình Định. Các bộ phận (tạng) còn lại được chuyển ngay ra Hà Nội để triển khai ghép cho các bệnh nhân khác.
Tối 7/9, chuyến bay đặc biệt mang số hiệu VN1718 của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines khởi hành từ Sân bay Vinh đã hạ cánh an toàn xuống Sân bay Nội Bài (Hà Nội) lúc 19h30, chở theo lá gan của người hiến tạng.
Được biết, chuyến bay này đã phải lùi giờ cất cánh 11 phút để chờ đón 5 bác sĩ cùng lá gan của người hiến được vận chuyển từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An ra Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức cứu người.
Khâu làm thủ tục và việc bố trí chỗ ngồi cho đoàn bác sĩ "hộ tống" lá gan được sân bay và phi hành đoàn ưu tiên thực hiện một cách nhanh gọn, an toàn nhất. Các hành khách trên chuyến bay VN1718 đều vui lòng, đồng tình với sự lùi giờ cất cánh này.
Còn tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, 2 ca ghép thận đã thành công tốt đẹp. 5 giờ sau khi được ghép, các chỉ số của 2 bệnh nhân nhận thận từ người hiến (chết não) dần ổn định.
Cả hai bệnh nhân đều được chăm sóc đặc biệt. Ở thời điểm này (ngày 19/8), sức khỏe của 2 bệnh nhân được ghép thận đã tiến triển tốt, hồi phục và ra viện.
2 bệnh nhân được ghép thận lần này ở Thừa Thiên Huế và Bình Định đều có hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn. Do bị suy thận giai đoạn cuối, sức khỏe kiệt quệ, họ không thể làm việc mưu sinh như bình thường.
Bao nhiêu tiền của đều đổ vào công cuộc chạy chữa. Sau khi được ghép thận, trở lại thành người bình thường, 2 bệnh nhân chính thức được thoát "án tử", cuộc đời hứa hẹn tiến đến một trang mới tốt đẹp hơn.
Cả 2 bệnh nhân đều rất xúc động, gửi lời cảm ơn tới người hiến và gia đình người hiến đã giúp họ được tái sinh lần thứ 2, được sống một cuộc sống mới.
Bệnh nhân Nguyễn Đức Quân ở xã Cát Thành, huyện Vũ Cát (Bình Định) xúc động cho biết: "Gia đình tôi rất nghèo, không có tiền để ghép thận. Anh em, họ hàng cũng đều khó khăn nên không thể hiến thận giúp mình. Trong sự đau đớn của bệnh tật, sự tuyệt vọng, tôi đã được cứu vớt. Được ghép thận, tôi rất vui bởi sức khỏe mình tốt lên, tình trạng suy thận sẽ suy giảm hoặc hết hẳn, trở thành người bình thường. Tôi thấy mình rất may mắn. Cảm ơn người hiến, gia đình người hiến và các y, bác sĩ rất nhiều".
Bệnh nhân Lưu Tuấn Thành ở thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) bày tỏ sự cảm kích: "Tôi bị suy thận giai đoạn cuối nên sức khỏe rất kém. Tôi rất may mắn khi được chọn là người được ghép tạng. Sau ghép sức khỏe của tôi tốt dần lên. Tôi rất cảm ơn gia đình bệnh nhân hiến tạng và các bác sĩ quan tâm hỗ trợ. Mặc dù chưa biết mặt của người hiến tạng nhưng tôi biết ơn anh ấy, gia đình anh ấy rất nhiều. Một phần cơ thể của anh ấy đang ở trong tôi. Tôi nguyện sống tốt để nối tiếp cuộc đời anh ấy".