Hà Nội

Ghép tạng Việt Nam ghi dấu ấn trở thành điểm sáng ghép tạng châu Á

10-11-2023 10:27 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Năm 2023, cả nước đã có thêm nhiều ca ghép tạng thành công trong đó có các ca được đánh giá là lịch sử. Đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về ghép tạng của khu vực Đông Nam Á, châu Á.

Những ca ghép tạng lập kỳ tích

Chiều 24/02/2023, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức buổi họp báo công bố ca ghép đa tạng gồm tim và thận cho một bệnh nhân bị mắc suy tim - thận giai đoạn cuối, từ một người hiến đa tạng chết não. Bệnh nhân là T.T.Q (37 tuổi ở Tây Nguyên) bị mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim, rối loạn nhịp nặng, dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Giữa năm 2022, anh Q được Bệnh viện thống nhất chỉ định thực hiện ghép đồng thời cả tim và thận với nguồn tạng hiến từ người cho chết não. Ca ghép được đánh giá là lịch sử với sự tham gia của rất nhiều đơn vị chuyên môn.

Cụ thể, ngày 15/2, tập thể thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã thực hiện ca ghép. Ca ghép kéo dài 10 tiếng đồng hồ, từ 9h sáng tới 7h tối. Sau 8 ngày, các chức năng của tim và thận của bệnh nhân đã phục hồi gần như bình thường. Bệnh nhân đã có thể ngồi dậy ăn uống và giao tiếp, không cần các phương tiện hỗ trợ đặc biệt về tim mạch và hô hấp. Đây là ca ghép đồng thời tim, thận thành công đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, đã có 3 ca được ghép đa tạng thành công ở các trung tâm khác, nhưng là các ca ghép gan, thận; tụy, thận.

Ghép tạng Việt Nam ghi dấu ấn trở thành điểm sáng ghép tạng châu Á- Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thực hiện ca ghép đa tạng tim - thận cho nam bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Kế tiếp đó, ngày 26/2, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã có sự phối hợp về ghép tạng xuyên Việt. Trước đó, ngày 24/2, bệnh nhân M. sinh năm 1988 (An Giang) bị bạo bệnh, sắp rơi vào tình trạng chết não, gia đình đã quyết định thực hiện di nguyện hiến tặng các tạng còn chức năng hoạt động của anh M. Trung tâm Điều phối quốc gia đã điều phối tim đến Bệnh viện Việt Đức, nhân sự của Bệnh viện Chợ Rẫy lên chuyến bay, mang mẫu máu của người hiến ra Hà Nội để thực hiện phản ứng chéo. Nhóm ghép tạng của bệnh viện Việt Đức cũng lên máy bay vào TP.HCM để tiếp nhận và vận chuyển "trái tim" về Hà Nội.

Đến 4h sáng ngày 26/2, nhóm ghép tạng của Bệnh viện Việt Đức đã rời Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức Bệnh viện Chợ Rẫy vận chuyển "quả tim" của người hiến ra sân bay về Hà Nội. Tại Bệnh viện Việt Đức, với sự tham gia của hơn 40 y, bác sĩ thuộc nhiều đơn vị, sau ca ghép 8 giờ, "trái tim" của người hiến đã đập trong lồng ngực người nhận. Sau ghép, bệnh nhân nhận tim ổn định đã được đưa đến phòng Hồi sức và tiếp tục theo dõi.

Ghép tạng Việt Nam ghi dấu ấn trở thành điểm sáng ghép tạng châu Á- Ảnh 2.

Sau 8 giờ ghép, "trái tim" đã được ghép thành công và đã đập trong lồng ngực người nhận. Ảnh: BVCC

Ghép tạng Việt Nam trở thành điểm sáng châu Á

Hội nghị Ghép tạng châu Á được tổ chức tại Seoul Hàn Quốc từ ngày 15-18/11/2023 với Chủ đề "Vượt qua Đại dịch - Nhiều Cơ hội mới". Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia với 12 báo cáo đặc sắc về ghép gan, ghép thận và điều phối ghép tạng. Hội nghị ưu tiên dành riêng một Hội thảo chuyên đề về Ghép tạng Việt Nam. Qua đó, thêm tự hào Việt Nam đang vươn lên trở thành Điểm sáng về Ghép tạng của khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, đến nay chúng ta đã ghép tạng được gần 8000 trường hợp ở 25 trung tâm trên cả nước, trong đó có hơn 7000 ca ghép thận, 500 trường hợp ghép gan. Trong số ghép thận hầu hết là lấy từ người cho sống và đối với ghép gan có tới 80% là từ người cho sống. Công tác tập huấn, tư vấn về lấy tạng từ bệnh nhân chết não có nhiều tiến bộ. Nhiều trung tâm ghép tạng hàng đầu của Việt Nam như: Bệnh viện TWQĐ 108, BV Việt Đức, BV Chợ Rẫy, BV Trung ương Huế, BV QY 103… đã ứng dụng nhiều tiến bộ mới với kết quả tốt.

Trong đó, tại Bệnh viện TƯ Quân đội 108 đã triển khai 5 ca ghép gan trong một tuần; Bệnh viện Việt Đức triển khai mạnh ghép gan lấy từ bệnh nhân chết não, triển khai kỹ thuật chia gan để ghép và ghép đồng thời nhiều tạng, Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng lấy thận ghép hầu hết bằng phẫu thuật nội soi và đã lấy thận bằng Robot, ghép thận ở nhóm bệnh nhân có bất đồng nhóm máu. Các bệnh viện: Vinmec, Nhi Trung ương, Nhi đồng 2 TP.HCM… đều có những bước tiến mới về ghép gan.

Theo Bộ Y tế, từ năm 2014 mới có 265 người đăng ký hiến tạng, đến nay đã có 73.213 người (tính tới 20/6/2023) đăng ký hiến tạng và đã có 7.498 ca ghép tạng thành công (tính tới 31/3/2023). Số ca ghép tạng tại Việt Nam cũng đã có sự gia tăng đáng kể từ 283 ca năm 2014 lên 1.004 ca vào năm 2022. Tuy nhiên, số lượng các ca ghép tạng từ người cho sống vẫn chiếm tới hơn 90%, vì vậy đòi hỏi nỗ lực trong việc thúc đẩy nguồn mô, tạng hiến tặng từ người chết não.

Giành sự sống cho bệnh nhi nhờ kỹ thuật khó bậc nhất trong ghép tạng.




Thanh Hằng (th)
Ý kiến của bạn