Nữ đồng đẳng viên băng rừng giúp đỡ những người nhiễm HIV

17-11-2023 16:13 | Xã hội
google news

SKĐS - Đó là chị Lô Thị L. – thành viên của nhóm đồng đẳng Sao Va (huyện rẻo cao Quế Phong, Nghệ An). Chị từng là người nghiện, nhiễm HIV được nhóm đồng đẳng thức tỉnh và trở thành một thành viên tích cực, phụ trách địa bàn với nhiều người mắc bệnh nhất của huyện.

Tuổi trẻ lầm lỗi

L. sinh năm 1995, nhưng trên gương mặt đã hằn lên sự già dặn, từng trải. Đó cũng là những vết tích còn sót lại của chị sau nhiều năm dài chìm trong nghiện ngập, ma túy và cả HIV. "Tôi mất mẹ năm 19 tuổi và sau đó bị trượt dài" – Lô Thị L. bắt đầu câu chuyện của mình như vậy.

Nữ đồng đẳng viên băng rừng giúp đỡ những người nhiễm HIV- Ảnh 1.

Chị L. đi test nhanh HIV cho người có nguy cơ cao.

Thời điểm đó, hoàn cảnh của L. không đến nỗi bi đát vì dù mất mẹ nhưng chị vẫn còn cậu, còn ông bà. Nhưng cơn lốc ma túy cuốn đến bản làng khiến chị bị cuốn vào chất nghiện này lúc nào không biết.

Trải qua hơn 4 năm chìm trong nghiện ngập, L. thấm thía nỗi khổ của những người lỡ dính vào chất gây nghiện nguy hiểm này. Đó là loại độc dược mà mỗi khi lên cơn, dù nắng gắt hay mưa bão dầm dề, L. vẫn phải lao ra đường, tìm thuốc để thỏa mãn cơn nghiện.

Cuộc sống của L. mới bắt đầu trở lại vào năm 2018, khi L. được các thành viên trong nhóm đồng đẳng Sao Va tư vấn và hướng dẫn sử dụng thuốc Methadone. Nhờ uống thuốc ổn định nên L. đã dần cắt được cơn nghiện, xa dần với ma túy. L. cũng bảo mình may mắn bởi khi cuộc sống đã trở nên cùng cực, nghiện ngập rồi bị lây nhiễm HIV từ bạn tình, nhưng sau đó L. vẫn tìm được một người yêu thương để tiến tới xây dựng gia đình. Giờ đây, dù cả hai vẫn bị bệnh, đang uống Methadone và điều trị ARV nhưng sức khỏe cả hai hoàn toàn bình thường và sinh sống hòa nhập với mọi người.

Nữ đồng đẳng viên băng rừng giúp đỡ những người nhiễm HIV- Ảnh 2.

Buổi tư vấn cho người nguy cơ cao của nhóm đồng đẳng Sao Va.

Kể về điều này, Lô Thị L. tâm sự: "Tôi nhận được lời gợi ý tham gia nhóm đồng đẳng viên từ trưởng nhóm Sao Va vào cuối tháng 9/2022 và chính thức làm việc từ tháng 10/2022. Trong thời gian đưa ra quyết định, tôi đã từng lo ngại vì sợ mình không thể đảm nhận được. Nhưng mẹ chồng tôi đã động viên và bảo tôi hãy mạnh dạn vì nếu làm tốt có thể giúp đỡ được nhiều người. Thế là tôi đồng ý".

Là người từng trải và có cách nói chuyện khéo léo nên L. được phân công cùng anh Ngân Văn Un phụ trách địa bàn xã Tiền Phong – một xã có nhiều người nghiện, nhiễm HIV nhiều nhất huyện. Nói đến xã Tiền Phong, bác sĩ Vi Văn Kim - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tiền Phong, huyện Quế Phong cho biết, người dân trong xã bị HIV từ khoảng năm 2010. Đó là năm thủy điện Hủa Na trên địa bàn được xây dựng.

Nhắc đến mốc này vì thời điểm đó, người dân ở xã Đồng Văn được đền bù từ dự án thủy điện. Họ có tiền rồi lao vào ăn chơi, chích hút. Ngoài ra, hơn 300 gia đình ở một số xã khác được đền bù giải phóng mặt bằng đã tái định cư tại xã Tiền Phong. Trong số này, họ sử dụng ma túy chung bơm kim tiêm nên bệnh dịch ngày càng lây lan.

Là xã đông dân với 2344 hộ (hơn 10.282 nhân khẩu) nên người có HIV cũng đông nhất huyện, hơn 400 người mắc bệnh. Hầu hết các bản của xã đều có người mắc. Nhiều nhất là bản Tạng, bản Ná Sành….

Chúng tôi sững sờ hỏi, với số lượng người bị HIV có tạo nên "ổ dịch" ở vùng cao này thì bác sĩ Kim tỏ vẻ lo lắng không kém bởi số người nghiện do công an xã quản lý là hơn 20 người nhưng số nghiện "ngầm" (nghi nghiện) thì nhiều gấp nhiều lần. Dịch HIV phần lớn phát sinh từ những người nghiện này.

Giở cuốn sổ theo dõi những người có HIV, bác sĩ Kim trầm ngâm, trong số những bệnh nhân nhiễm H có rất nhiều hoàn cảnh thương tâm nhưng cũng chỉ biết cầu cứu những liều thuốc do Trung tâm y tế huyện cấp phát mỗi tháng một lần. Đó là chị Moong Thị K. (52 tuổi, ở bản Ná Cày) chỉ sống lủi thủi một mình, không chồng, không con.

Rồi chị chị C.T.M (18 tuổi), chồng là L.V.T (19 tuổi) là người Khơ mú, trú ở bản Na Nhắng cưới nhau xong vẫn không biết mình bị H. Họ chỉ biết mình mang căn bệnh nguy hiểm khi được tình nguyện viên đồng đẳng vận động đi khám. Đáng thương nhất là em T.Q.A (10 tuổi, bản Tạng) bố mẹ đã mất vì H. giờ em sống cùng bà nội trong căn nhà dột nát.

Vượt khó ngăn dịch bệnh

Nghiện thường đi kèm với nghèo đói, bệnh tật. Đặc biệt, bệnh HIV khiến người mắc càng thu mình, cuộc sống của họ như chìm trong bóng tối. Nhắc đến việc này, bác sĩ Kim cho hay, trước đây thì người dân rất sợ và sống thu mình khi biết mình mắc bệnh. Nhưng giờ thì khác rồi khi chúng tôi thường xuyên tuyên truyền đến tận từng bản, từng người dân nên họ dần hiểu rõ về căn bệnh cũng như cách phòng tránh.

Nữ đồng đẳng viên băng rừng giúp đỡ những người nhiễm HIV- Ảnh 3.

Chị L. hỗ trợ bệnh nhân mới điều trị ARV.

Nói đến nỗ lực ngăn chặn mối nguy bệnh HIV trên địa bàn trọng điểm này, anh Un nói: "Mỗi tháng, chúng tôi sẽ chăm sóc, tiếp cận 40-50 người nghi mắc HIV. Với địa bàn rộng nên hầu như các thành viên ít có ngày nghỉ. Chưa kể những lúc mưa gió, nước ở các khe suối lên cao thì việc ở lại nhà dân bản là chuyện thường ngày".

Đi làm những lúc mưa gió thì vợ con ở nhà lo lắm nên chúng tôi thường gọi điện động viên vợ con. Ở lại trong bản chúng tôi được chia sẻ nhiều hơn với bà con. Đặc biệt, là những người nhiễm HIV bởi họ cần những người như chúng tôi để nói chuyện, sẻ chia. .

Phụ trách xã Tiền Phong với những bản rất xa như Ná Sành, Xốp Sành… cách Trạm y tế xã hơn 15km, đường sá đi lại rất cheo leo. Người nhiễm bệnh ở đây hầu hết cuộc sống đang rất khó khăn nên công việc của anh Un, chị L. vất vả bội phần. "Có vất vả thì mình phải càng cố gắng. Nếu lơ là một ngày thì rất nguy hiểm vì địa phương đang là "điểm nóng" về người nhiễm HIV với hơn 400 người mắc ở hầu hết các bản. Nhiều nhất là bản Tạng, bản Ná Sành…." – anh Un nói.

Nữ đồng đẳng viên băng rừng giúp đỡ những người nhiễm HIV- Ảnh 4.

Các thành viên nỗ lực đến từng bản làng ở huyện vùng biên để tiếp cận người nhiễm HIV.

Chia sẻ thêm về công việc trên địa bàn này, chị L. tâm sự, nhiều người rất sợ bệnh HIV cũng như sợ người khác biết mình mắc bệnh nên họ ngại đến các cơ sở y tế. Bởi vậy, khi đến gặp những người nghi nhiễm, chúng tôi thường có cách tiếp cận riêng. Quan trọng nhất là có được lòng tin của những người này. Đây cũng là kỹ năng rất quan trọng trong mỗi thành viên. Có được lòng tin thì công việc coi như hoàn thành đến 70%. Việc lấy test cũng sẽ dễ dàng hơn. Đặc biệt, khi chờ kết quả test, các thành viên chủ động nói chuyện vui để người bệnh vơi bớt lo lắng.

Ông Thái Văn Nhàn - Phó khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, với vai trò của các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua có thể khẳng định nhóm cộng đồng đã có đóng góp quan trọng trong kiểm soát dịch HIV tại Nghệ An.

Do vậy việc huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới cũng như cần có một cơ chế chính sách để duy trì sự tham gia của các tổ chức cộng đồng bằng nguồn ngân sách địa phương là hết sức quan trọng.

Cải thiện sức khỏe tâm thần cho người nhiễm HIVCải thiện sức khỏe tâm thần cho người nhiễm HIV

SKĐS - Nói với người khác khi được chẩn đoán bệnh hay đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV… có thể gây ra những căng thẳng lớn cho người nhiễm HIV, khiến người bệnh dễ gặp các rối loạn tâm thần.

Đừng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.


V. Đồng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn