Sáng kiến giúp tìm ca nhiễm HIV mới trong cộng đồng

08-11-2023 08:36 | Xã hội

SKĐS - Mỗi buổi truyền thông nhóm nhỏ tại khu trọ công nhân, các khu công nghiệp kéo dài khoảng 90 phút với nhóm 20-30 người, lồng ghép các kiến thức chuẩn về phòng, chống HIV, cung cấp sinh phẩm xét nghiệm cho công nhân.

Để ứng phó với tỷ lệ lây nhiễm HIV mới gia tăng nhanh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương đã có nhiều hoạt động triển khai. Với sự hỗ trợ của dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS (EPIC), trong hơn 10 năm qua, Bình Dương là một trong những tỉnh nhận hỗ trợ kinh phí cao nhất trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Bác sĩ Vương Thế Linh - Trưởng Khoa HIV, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, CDC tỉnh đã triển khai được 25 buổi truyền thông nhóm nhỏ tại khu trọ công nhân, các khu công nghiệp. Mỗi buổi truyền thông kéo dài khoảng 90 phút với nhóm 20-30 người, lồng ghép các kiến thức chuẩn về phòng, chống HIV, cung cấp sinh phẩm xét nghiệm cho công nhân.

CDC tỉnh cũng tổ chức buổi nói chuyện với cán bộ chủ chốt của khu công nghiệp để họ nhận thấy tầm quan trọng của việc phòng, chống HIV tại chính công ty mình để triển khai. Những đơn vị này sẽ đồng hành với CDC trong cung cấp các dịch vụ về điều trị điều trị dự phòng PrEP, điều trị ARV.

"Các hoạt động đáp ứng y tế công cộng tại Bình Dương được cung cấp gần như toàn diện, bảo đảm bí mật tuyệt đối cho người sử dụng dịch vụ. Các dịch vụ gì của dự án EPIC có thì Bình Dương triển khai hết, như tìm ca, tư vấn xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế; triển khai nhóm hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh về PNS/SNS; cấp phát sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua các kênh: VCT/OPC, trang web, nhà thuốc...

Sáng kiến truyền thông nhóm nhỏ, bám sát cộng đồng để tìm ca nhiễm HIV mới - Ảnh 1.

Hoạt động truyền thông tại khu công nghiệp. Ảnh: Bích Ngọc

Hiện Bình Dương đang có 8 phòng khám, và dự kiến có thêm 2 phòng khám nữa đi vào hoạt động từ tháng 8 tới đây. Song song đó, CDC triển khai điều trị cho 2 trại giam trực thuộc Bộ Công an, với số lượng phạm nhân lớn, có tỷ lệ nhiễm HIV cao", bác sĩ Linh cho biết.

Để có được những thành tựu này, CDC Bình Dương đã duy trì hoạt động giao ban để đánh giá từng phòng khám, xử lý số liệu rất sát sao. Từ những con số, CDC tỉnh sẽ nhận ra các vấn đề cần phải hỗ trợ các phòng khám trong tìm ca mới, kết nối điều trị dự phòng.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bình Dương hiện đang là tỉnh đóng góp cho tỷ lệ phát hiện ca nhiễm mới hàng năm rất cao trong dự án EPIC. Tính từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023, Bình Dương đóng góp 40% số ca HIV mới cho toàn dự án EPIC và cung cấp khoảng 10% số ca nhiễm mới cho toàn quốc. Các hoạt động duy trì chăm sóc, điều trị Prep đạt chỉ tiêu Trung ương giao.

Tỉnh có nhiều sáng kiến trong tìm ca (xét nghiệm cho bạn tình bạn chích-PNS, tiếp cận mạng lưới-SNS); luôn duy trì mối liên hệ với khách hàng (kể cả các khách hàng cũ), sẵn sàng mời khách hàng tham gia làm cộng tác viên tìm ca.

Đẩy mạnh truyền thông tạo cầu trên các ứng dụng mạng xã hội Khuyến khích các cộng tác viên tham gia (ứng tiền duy trì gói Blue X, Zalo Business; thanh toán nhanh nhất gói tìm ca,…); hỗ trợ trực tiếp/đưa khách hàng đi xét nghiệm khẳng định và điều trị ARV hoặc PrEP.

Là tỉnh có tới 4 "chợ tình" hoạt động thường xuyên, CDC tỉnh triển khai cử cộng tác viên cập nhật các khu "chợ tình" và lập kế hoạch tiếp cận phù hợp với nhóm khách hàng tại các địa điểm này. Thực hiện cấp phát sinh phẩm tự xét nghiệm chủ yếu theo hình thức "Tự xét nghiệm HIV có hỗ trợ"…

Sáng kiến truyền thông nhóm nhỏ, bám sát cộng đồng để tìm ca nhiễm HIV mới - Ảnh 2.

Nếu như trước đây, số ca nhiễm HIV được phát hiện qua ma túy, mại dâm, thì nay, chủ yếu qua đường tình dục, tập trung lớn trong nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM).

Bình Dương là tỉnh có tới 70-80% trường hợp nhiễm HIV là công nhân. Tính đến tháng 2/2023, toàn tỉnh Bình Dương đang quản lý 3.008 người nghiện ma tuý (trong đó người nghiện ngoài xã hội là 1.894; trại giam, nhà tạm giữ là 470 người; cơ sở cai nghiện là 644 người), phần lớn người nghiện ma tuý trong độ tuổi thanh niên.

Số ca nhiễm mới tăng nhanh tại Bình Dương trong những năm gần đây chủ yếu do tỉnh có nhiều khu công nghiệp, biến động dân cư lớn. Nếu như trước đây, số ca nhiễm HIV được phát hiện qua ma túy, mại dâm, thì nay, chủ yếu qua đường tình dục, tập trung lớn trong nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM).

"Toàn tỉnh hiện có khoảng 15.000 người trong nhóm MSM, chiếm 54,6% trong đó là độ tuổi từ 20 đến 29, độ tuổi 15-19 chiếm 10%; trên 30 tuổi chiếm 35,4%. Trước đây, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm này chỉ khoảng 1-2% thì nay đã tăng khoảng 10%. Nếu như năm 2014, tỷ lệ lây nhiễm qua tình dục đồng giới chỉ khoảng 6,2% thì con số này tăng mạnh vào năm 2021 với 80% số ca phát hiện. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh cũng đã ghi 67,3% số ca nhiễm HIV là nhóm MSM", bác sĩ Linh cho hay.

Về phát hiện ca nhiễm mới hàng năm, trong năm 2022, CDC tỉnh làm sàng lọc 322 ca nguy cơ cao thì chỉ phát hiện 12 ca dương. Trong tháng 5, 6 năm 2023, tỉnh sàng lọc 56 có 1 ca dương tải lượng virus cao. Như vậy, trong 2 năm, qua, tỉnh sàng lọc hơn 380 ca, có 13 ca dương tính mới, chỉ có 10 ca tải lượng virus trên 1.000, chiếm tỷ lệ 2,5%. Những trường hợp này có thể họ bị nhiễm ở địa phương khác, nhưng chuyển tới Bình Dương làm việc và khi đó mới khai báo nhiễm HIV.


Bích Ngọc
Ý kiến của bạn