1. HIV vẫn diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của Cục phòng chống HIV/AIDS, tính đến 30/9/2023, ước tính số nhiễm HIV trên toàn quốc là 249.000 người, trong đó số xét nghiệm được báo cáo nhiễm HIV là hơn 231.000. Số nhiễm HIV/AIDS tử vong tích lũy là 113.698 trường hợp.
Mặc dù số lượng ca nhiễm HIV có xu hướng giảm rõ ràng từ năm 2007 tới năm 2019. Tuy nhiên, từ năm 2020, tỉ lệ ca phát hiện mới tăng trở lại, mỗi năm đều phát hiện hơn 10.000 trường hợp. Cụ thể: Năm 2020 là 13.955, năm 2021 13.223, năm 2022 là 11.037 và 9 tháng đầu năm 2023 là 10.219 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện.
Trong số nhiễm mới được phát hiện năm 2023, hơn 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh. Người nhiễm HIV là nam giới giữ xu hướng tăng, từ năm 2020 trở lại đây chiếm hơn 80% tổng số nhiễm HIV mới được phát hiện hàng năm.
Đường lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, tập trung cao ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). HIV có xu hướng trẻ hóa, độ tuổi từ 16 -29 chiếm gần 50% số người nhiễm HIV được phát hiện.
Mỗi năm ở nước ta vẫn phát hiện hơn 10.000 ca nhiễm HIV mới…
Bên cạnh đó, ThS Bùi Hoàng Đức, Phó trưởng phòng, Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, do tiến bộ trong điều trị nên đã làm giảm tử vong và kéo dài tuổi thọ ở người nhiễm HIV. Do đó, số người nhiễm HIV còn sống cần được điều trị, chăm sóc thường xuyên, liên tục, suốt đời. Không chỉ HIV mà còn dự phòng, điều trị cả các bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan B, C… và các bệnh mạn tính khác.
Dựa trên phân loại của WHO, Việt Nam đang trong giai đoạn dịch tập trung ở các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao (tiêm chích ma túy, mại dâm, MSM…). Do đó, để hướng tới chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 cần tăng cường triển khai, duy trì hiệu quả các hoạt động dự phòng, chăm sóc và điều trị…
2. Tăng cường các biện pháp phát hiện phòng ngừa và điều trị
ThS Bùi Hoàng Đức cho biết, các văn bản pháp luật liên quan đến giám sát dịch, tư vấn xét nghiệm, điều trị… đã hoàn thiện theo Luật Phòng chống HIV/AIDS sửa đổi, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng chống HIV/AIDS.
Về tư vấn, xét nghiệm HIV, được triển khai ở hơn 1.300 cơ sở y tế và xét nghiệm dựa vào cộng đồng, qua website... Các cơ sở cung cấp xét nghiệm sàng lọc, khẳng định tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người có nhu cầu.
Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone tiếp tục được duy trì và đổi mới. Hiện có gần 51.000 bệnh nhân đang điều trị bằng methadone thường xuyên, mang lại hiệu quả cao. Mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án duy trì và mở rộng cấp thuốc methadone nhiều ngày, giúp người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn.
Những năm gần đây nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được xác định là nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV cao, do đó, 29/33 tỉnh, thành phố đã triển khai phân phát bao cao su và chất bôi trơn cho nhóm MSM. Mô hình triển khai đa dạng qua mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng, nhân viên y tế thôn bản, các CBO (nhóm cộng đồng), cấp phát qua mô hình CHEER, DEEP do dự án VUSTA triển khai và các địa điểm khác.
Với điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), Việt Nam là một điểm sáng được thế giới đánh giá cao. 9 tháng đầu năm 2023 kết quả điều trị PrEP đạt 109% kế hoạch đề ra. Điều trị ARV, đến tháng 9/2023 có 534 cơ sở điều trị HIV (với 506 cơ sở khám chữa bệnh BHYT). Hơn 177.000 bệnh nhân đang điều trị ARV với 174.261 người lớn và 2.748 trẻ em.
Trong thời gian tới, định hướng ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước các cấp sẽ tập trung cho các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại, giám sát dịch; mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả…
Bên cạnh đó tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn viện trợ quốc tế và tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS.
Mời độc giả xem thêm video:
Phát Huy Vai Trò Của Các Nhóm CBO Trong Phòng Chống HIV/AIDS Cho Nhóm MSM |SKĐS