Tôi và một số đồng nghiệp được trở về nhà trước. Chúng tôi được cách ly tại Bệnh viện điều trị Covid 19 mới xây xong của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Rất hiện đại, đầy ắp trang thiết bị mới nhất, sẵn sàng chống dịch.
Ngồi đây, tôi cũng có dịp hồi tưởng lại những tháng ngày ở Bình Dương của một anh "lính già".
Thế là, với tôi cuộc chiến liên tục hơn 30 ngày không nghỉ đã kết thúc. Trong khoảng thời gian đó có lúc căng thẳng, có lúc mệt mỏi và tôi đã sụt 6kg. Thế nhưng, mỗi ngày làm việc tôi luôn tự tìm cho mình niềm vui. Khi thì vào buồng bệnh xem các bệnh nhân đang thở máy có khá hơn chút nào không, bệnh nhân suy thận có nước tiểu chưa, bệnh nhân tràn khí dưới da có giảm chút nào không.
Công việc quay cuồng và tôi luôn tìm những mốc thời gian ngắn hạn để ngày ngày vượt qua. Buổi sáng vừa làm việc tôi cũng thường hay tự nhủ t cố lên, sắp tới giờ nghỉ trưa rồi. Buổi chiều tôi cũng cố lên sắp tới giờ về rồi. Cứ từng nấc, từng nấc tôi nhủ lòng mình phải cố lên.
Tuần cuối, tôi biết mình sức đã yếu, thường xuyên bị cảm lạnh, sáng dậy rất mệt mỏi, tim luôn đập nhanh, như hụt hơi. Phải chia tay thôi, phải về nghỉ vì nếu để bệnh ra thì khổ mọi người phải phục vụ mình. Nhưng mà nghĩ khi dịch chưa hết thì trong lòng áy náy.
Dù vậy, tôi vẫn được ưu tiên về trước. Tôi biết, cuộc chiến ở tầng bệnh nặng nhất vẫn đang tiếp diễn. Ở các tầng dưới bệnh nhẹ hơn bệnh nhân đang ra viện, quy mô giảm dần. Còn ở bệnh viện tầng ba bệnh nhân nặng càng nặng hơn. Các đồng đội của tôi còn vất vả nhiều hơn. Nhưng tôi vẫn phải lùi về hậu phương do điều kiện sức khoẻ.
Buổi chia tay nhiều bịn rịn. Tôi sẽ nhớ mãi những khuôn mặt những hình ảnh của cậu bác sĩ trẻ trưởng khoa tài năng Lê Minh Ngọc, các bác sĩ cọc 1 trưởng tua, Bs Hùng, Bs Chính, Bs Thanh, rồi Bs Huyền, Bs Tú, Bs Long, Bs Giang, Bs Tiến, Bs Tuấn Anh, các bác sĩ nội trú trẻ năm nhất, rồi Bs Lê Văn Tiến, giảng viên trẻ của Đại học Y Hà Nội, Bs Trịnh Văn Lâm trưởng đoàn Thanh Hóa. Các điều dưỡng trưởng Chị Ánh, chị Oanh, anh Nam, các điều dưỡng Mai, Tuyền, Nhi, K' Thương… và còn nhiều người nữa tôi chưa kịp biết tên các bạn từ các đoàn Đà Nẵng, Thanh Hóa, tình nguyện viên từ TP. HCM, BS Phạm Minh Dân… Đủ cả giọng nói ba miền Bắc Trung Nam. Chúc các bạn ở lại mạnh khoẻ và tiếp tục chiến đấu
Trong hơn một tháng qua tôi đã thu nhận được rất nhiều. Cái được lớn nhất là cái cảm giác được hòa mình vào việc chung, được đóng góp chút sức lực nhỏ bé vào việc nghĩa. Cái cảm giác này nó hạnh phúc vô cùng. Nhiều người cũng muốn đi, nhưng mỗi người một hoàn cảnh, không phải ai cũng được toại nguyện. Nên tôi thấy mình là người may mắn.
Điều may mắn nữa là chúng tôi ở ngay tâm dịch nhưng vẫn an toàn. Cái cách tổ chức bệnh viện của Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội rất khoa học. Phân chia vùng nhiễm khuẩn rõ ràng, hợp lý. Thực hiện các nguyên tắc khử khuẩn chặt chẽ. Đồ bảo hộ đầy đủ, chất lượng đảm bảo. Ý thức nhân viên tự giác cao. Cùng với đó là cơ sở vật chất của Bệnh viện Quốc tế Becamex: hệ thống thông gió tốt, cửa kính lớn khử khuẩn bằng tia nắng, hệ thống toilet rất nhiều và cực kỳ sạch sẽ, hệ thống buồng tắm khử trùng rất đầy đủ, luôn có nước nóng, đội ngũ vệ sinh rất chuyên nghiệp… Tất cả đã bảo vệ nhân viên chúng tôi không bị lây nhiễm.
Cái được thứ hai là tôi đã vượt qua nỗi sợ của bản thân. Sợ chứ. Khi biết tin tôi định đi vào vùng dịch, một người bạn gửi cho tôi một thống kê về tử vong do Covid của WHO, trong đó cho thấy so với người ở độ tuổi 20, thì những người trên 60 như tôi, nếu mắc Covid thì tỷ lệ nhập viện cao hơn gấp 4 lần, tỷ lệ tử vong cao gấp 35 lần.
Các cháu ở khoa khi biết tin tôi xin tình nguyện đi thì chúng nó trầm hẳn xuống, có đứa nói: người ta tránh không được, bác đi làm gì. Còn vợ con thì ngay từ đầu đã ngăn cản rồi. Nhưng tự tôi biết nếu mình không đi thì cũng rất "khó ở" với cái tình hay "bao đồng" của mình, hơn nữa còn là một cảm giác dấm dứt, dằn vặt khó tả của một kẻ danh là bác sĩ mà phải đứng ngoài cuộc khi các đồng nghiệp của mình đang vất vả nơi tâm dịch. Vì thế tôi quyết tâm đi.
Dịch bệnh khốc liệt. Số người ra đi nhiều quá, rất ám ảnh. Tôi phải cố tìm trong bức tranh u ám ấy chút ánh sáng ấm áp. Tôi nhớ buồng bệnh nặng, buồng số 8. Những bệnh nhân này là bệnh nhân đầu tiên của tôi, được tôi chăm chút tỷ mỉ, tự tay ghi chép cho thuốc hàng ngày. Sau này khi lực lượng tăng cường nhiều hơn, thì tôi tự lui lại, nhường cho các bác sĩ nội trú trẻ thể hiện. Trong số các bệnh nhân của tôi tưởng như họ không thể qua khỏi vì bệnh quá nặng, vậy mà có 3 người sống sót. Quá vui mừng tôi đã chia sẻ câu chuyện này trên facabook cá nhân. Có lẽ do đồng thuận và là cái người dân cần biết nên khi tôi đưa câu chuyện trên trên facebook cá nhân của mình thì bài viết nhanh chóng được chia sẻ, lan truyền, tôi trở thành người "nổi tiếng" bất đắc dĩ. Tuy nhiên, điều ấy đã đem lại phiền toái cho tôi. Bệnh viện yêu cầu tôi gỡ bài. Tôi buồn vì bị hiểu lầm. Tôi vượt 2000 km, mạo hiểm mạng sống vào đây không phải cốt để tìm mấy cái nổi tiếng ảo như vậy. Tôi chỉ muốn chia vui cùng mọi người thôi.
Dịch bệnh đau thương này rồi sẽ qua đi, nhưng những tổn thương về vật chất và tinh thần sẽ còn lâu mới khắc phục hoàn toàn. Bản thân tôi cũng vậy. Cái cảm giác buồn, day dứt, áy náy có lẽ sẽ khó nguôi ngoai trong một sớm một chiều mà nó sẽ theo tôi, nhắc nhở tôi trong những ngày tháng sau này.
Biết ngày tôi sắp xa Bình Dương trở về Hà Nội, điều dưỡng Mai, người suốt ngày lảnh lót trả lời điện thoại, người luôn quay cuồng với các loại thuốc men vật tư khổng lồ của bệnh phòng dã chiến, thỏ thẻ bảo tôi: Hôm nào bác ra, bác chụp chung với con kiểu ảnh nhé, con thích các bài viết của bác. Và thế là hai bác cháu tôi đã chụp chung kiểu ảnh…Còn nhiều nữa những kỷ niệm với người dân, với những bệnh nhân được trở về từ cõi chết của các đồng nghiệp ở bệnh viện khác…mà tất cả những thứ đó tôi chỉ có thể gọi được là tình nghĩa đồng bào.
Những kỷ niệm như thế sẽ giúp tôi nhớ về vụ dịch - nơi không chỉ có đau thương mà ở đó còn có nhiều ân tình mà đã rất lâu rồi dường như ta đã quên để đến bây giờ mới lại dành cho nhau.