Và có lẽ những ngày nằm viện sẽ trở thành ấn tượng không bao giờ quên của những người may mắn ấy. Khi hàng ngày phải chứng kiến những người xung quanh mình lần lượt ngưng thở, lần lượt được chuyển đi trên những chiếc xe cáng trong chiếc túi trắng. Rồi những đêm thức trắng không dám ngủ vì khó thở, vì sợ.
Với họ, sau này, nếu cuộc đời còn dài họ sẽ có dịp để kể lại những câu chuyện xứng đáng được chôn chặt trong ký ức, hoặc giả như cần phải chia sẻ cũng là điều nên làm. Cho nhẹ lòng.
Chiếc máy monitor hiện lên đồ thị điện tim đều đều chạy từ trái qua phải với một điểm dẫn đường, xuất hiện từ bên này rồi biến mất ở bờ bên kia màn hình, kéo theo những đồ hình loằng ngoằng đằng sau.
Thế rồi nó ngừng lại, tất cả biến thành 1 đường thẳng tắp không gập ghềnh, không một tiếng kêu ồn ã nào cả.
Ông bác tổn thương phổi chưa đến nỗi nặng chỉ phải thở oxy dòng cao, ngồi co mình trên giường bàng hoàng nhìn sang phía đối diện, nơi các bóng áo trắng đang hì hục ép tim, rồi khóc.
Khóc vì nỗi ám ảnh liệu rằng mình có phải nằm ở vị trí đó hay không. Khóc vì nỗi cô đơn không có người thân nào bên cạnh lúc này. Và khóc thương cho 1 số phận kém may mắn đã không còn chống chịu được nữa.
Mỗi ngày, công việc lặp đi lặp lại như vậy khiến mỗi người đều trở nên căng thẳng. Để tiết kiệm đồ bảo hộ, mọi người đều cố gắng làm việc xuyên ca không ăn, không uống. Bởi chỉ cần tháo chiếc khẩu trang ra uống 1 hớp nước đã phí mất cả bộ bảo hộ lẫn chiếc khẩu trang giá vài trăm nghìn đồng. Nhưng những điều đó đâu có đáng gì với những cảm xúc mà họ chịu đựng khi liên tiếp đối mặt với những nỗi ám ảnh, mà với người bình thường cả đời chỉ gặp có một đôi lần.
Trước đây, đã có lúc mình ngồi thấp thỏm chờ đợi cuộc gọi báo tin xấu đã được biết trước. Lúc ấy chỉ muốn thời gian kéo dài mãi ra, con người ta đâm ra cáu kỉnh và sợ hãi mọi thứ âm thanh phát ra ở bên ngoài. Chỉ một tiếng động nhỏ ngoài ngõ thôi cũng khiến con mắt liếc về phía chiếc điện thoại đang lặng yên trên bàn. Khi yên tĩnh quá độ, bên tai lại vang lên ảo giác tiếng chuông reo mơ hồ đâu đó. Nghề và nghiệp của người thầy thuốc là đem lại sự hi vọng. Bỗng nhiên lúc này tiếng nói của họ được đổi thành kẻ mang đến sự bi thương và tuyệt vọng.
Chiếc xe cáng chở những chiếc túi trắng hàng ngày lóc cóc ra khỏi khu điều trị đi về phía chiếc container đang xếp hàng dưới cây phượng vĩ đã hết mùa hoa. Cây phượng chỉ còn tán lá xanh phất phơ, lùa đám nắng xuyên xuống nền đất nhảy nhót. Mấy con chim sẻ đang đậu ngẩn ngơ gần đó nghe thấy tiếng ken két cùng những làn sương trắng ùa ra liền cất cánh bay vụt đi, bỏ lại cả buổi chiều trống hoác.
Các sơ ở tu viện gần đó xin vào làm tình nguyện viên chăm sóc những người nhiễm Covid, giúp họ ăn uống, vệ sinh và chải tóc. Mỗi lần chiếc cáng đi qua, họ lại thẫn thờ đưa tay làm dấu thánh rồi cắm cúi làm việc tiếp.
Họ đút cho bệnh nhân từng thìa cháo rồi kiên nhẫn chờ họ nuốt hết rồi bón tiếp, cứ thế nhẩn nha ít một cho đến khi xong việc. Xung quanh những chiếc máy đôi lúc kêu ré lên báo động, lại một người nữa ra đi…
Lọ mọ đi buồng hàng ngày, len qua những chiếc máy thở nhấp nháy cật lực cùng những lá phổi đông đặc bắt đầu xơ hóa không còn khả năng co giãn. Thứ không khí hít thở hàng ngày không đủ lượng oxy để gánh được sức nặng của phần cơ thể còn lại, trở nên thiếu thốn và vô dụng. Các bác sĩ cố gắng tìm ra 1 lý do cho người bệnh sống, để họ được sống.
Bác bệnh nhân buồng bên phổi trắng xóa, ấy vậy mà bỏ được máy thở, giảm dần oxy mỗi ngày một ít. Lần nào thấy các bác sĩ đi qua cũng thều thào hỏi bà nhà tôi có đỡ không bác sĩ. Và bất kể nhân viên nào đi qua đó, không ai bảo ai cũng đều trả lời bác gái ấy đỡ rồi, bỏ lại tiếng vaaaang thế tôi yên tâm rồi kéo dài mệt nhọc.
Mỗi lần vậy, các sơ lại mở to mắt ra chậm lại một nhịp, rồi tiếp tục lặng yên công việc của mình. Lời nói dối đôi khi sẽ là động lực cho con người ta tiếp tục tồn tại.
Nhiều người bệnh cùng một gia đình, cùng nặng, được chuyển đến trong các thời điểm khác nhau. Mọi người cố gắng sắp xếp nằm tại các phòng khác nhau để họ khỏi phải chứng kiến những cảnh tượng đau lòng nếu còn đủ tỉnh táo.
Cứ thế sự chia tay diễn ra trong lặng lẽ, không biết những bộ não được các bác sĩ làm ngủ sâu thật sâu ấy sau này có còn nhớ đến người nhà mình nằm trên xe cáng phủ trắng lóc cóc đi qua hay không?
Nếu có một ngày, bạn bước ra khỏi nhà như một cuộc dạo chơi, rồi từ đó người thân sẽ không bao giờ còn nhìn thấy bạn trở về nữa, liệu có nỗi đau nào hơn thế hay không?
Chuyến xe nhẹ tênh chở đầy những tâm tư trĩu nặng. Làm việc lâu năm nhưng lần đầu tiên và nhiều lần sau đó chứng kiến cảnh bà chị đồng nghiệp với mệnh danh là "thát chơ" chảy nước mắt. Ai buồn thì cứ khóc đi, rồi hôm sau vào ca lại khua khoắng nhau hùng hục làm, lại gào thét như không có chuyện gì xảy ra cả.
Ông anh mình cũng là đồng nghiệp gọi điện đến nhà thờ, nhờ các cha đến làm lễ cho những người không may ấy. Buổi lễ diễn ra trong chiều mưa lất phất, các cha hỏi họ có theo tôn giáo nào khác không. Ông anh bảo thôi đạo gì cũng là đạo, lúc này chỉ có các thầy gần đây nhất nên cháu nhờ giúp họ vậy thôi...
*****
15 năm làm hồi sức cấp cứu, ngày ngày đối mặt với nhiều cái chết và đủ loại cái chết cũng không thể tưởng tượng được sự khắc nghiệt và chứng kiến nỗi đau chạm đến phần sâu nhất trong mỗi con người như thế.
Cơn mưa mùa hạ dội xuống mái tôn tạo ra thứ âm thanh ồn ào xóa mờ hết toàn bộ âm thanh đều đều của những chiếc máy bên dưới. Nhiệt độ không khí giảm xuống khiến những con người bên trong bộ bảo hộ nuôi ong kín mít bớt đi đôi chút ngột ngạt.
Mong bình yên, chúng ta sẽ về nhà, về với "Chị Hà Nội".