Bây giờ nghĩ lại thì buồn cười thật. Cả trai cả gái cứ nhất thiết phải quần ống loe, phần trên thì hơi bó còn dưới lại thụng, mới là mốt. Tóc nữa, con trai cũng phải dài quá mang tai, lả lướt sang một bên cho giống các ngôi sao đầu thập niên 90s mới hút mắt. Và những trẻ quê mùa biết vá vết thủng trên quần áo bằng mấy miếng decal hình bông hồng, trái bóng càng khiến "thời trang" ngày đó huy hoàng làm sao.
Nhưng ở trường thì không cần thời trang. Anh phụ trách đội sẽ là "người phán xử". Những đường kéo lạnh ngắt xẻo mấy chỏm tóc trên đầu lũ bạn tôi, xẻo một vạt gấu quần của tôi. Lũ chúng tôi, đứa phải sửa thành đầu cua, đứa phải nhờ mẹ may lại gấu quần, đứa không có mẹ thì bố phải mang quần đến tiệm may. Nói chung là tốn tiền cả. Nhưng ức là chính. Không có đứa nào phản kháng được. Vì xét cho cùng, thầy cô hay anh phụ trách đội cũng vì muốn tốt cho chúng tôi cơ mà. Và chúng tôi vẫn lớn lên.
Những đường kéo lạnh ngắt kia sau vài chục năm tưởng đã biến mất, nhưng không, nó thi thoảng vẫn tái hiện, không bởi anh phụ trách đội, mà đích thân thầy cô.
Tháng 3 năm 2021 ở Nam Định, một cô giáo chủ nhiệm lấy kéo cắt đi một phần tóc dài của nam sinh lớp 8 vì "trông như đầu gấu". Tháng 3 năm nay ở Vĩnh Phúc, một cô giáo cũng tự cầm kéo cắt đi phần tóc vàng của một nữ sinh lớp 10 với cảnh cáo "cắt lem nhem cho các bạn biết".
Mỗi lần thấy tin như vậy tôi lại nhớ kết cục của mình và lũ bạn cách đây mấy chục năm.
Bây giờ, việc làm của các cô sẽ lập tức "có clip", sẽ được đưa lên báo chí để phân tích, mổ xẻ dưới mọi góc độ, thậm chí luật pháp cũng được lôi vào. Ngày đó, chúng tôi chỉ có sự ấm ức. Hoặc đứa nào còn không biết đường mà ấm ức thì vẫn cứ cười tươi thôi, chứ không có thầy cô nào bị chỉ trích.
Như vậy là tiến bộ hay thụt lùi về nhận thức xã hội?
Sẽ có rất nhiều quan điểm cho rằng chính kỷ luật và đòn roi của cha mẹ và thầy cô khi xưa là những điều giúp chúng ta khôn lớn trưởng thành; chính sự nuông chiều, mặc sức cho cái tôi thể hiện của thế hệ trẻ bây giờ là tác nhân khiến nhiều đứa hư đốn.
Nhưng thực tế chưa hề có một điều tra xã hội học nào chứng minh được điều đó, không có một công trình nghiên cứu nào so sánh được xưa – nay. Và quý vị để ý mà xem, những người gây hại cho xã hội nhiều nhất ở thời điểm hiện tại không phải là thế hệ được nuôi dưỡng từ hàng chục năm trước hay sao? Để ý mà xem, ra đường cũng đa phần là người lớn vi phạm giao thông, người lớn phóng uế bừa bãi, người lớn chen chúc – giằng giật… Vậy mà chúng ta cứ nhất thiết phải thở dài, phải tỏ ra ngao ngán, lo lắng cho tương lai vì những bồng bột, ương bướng của những đứa trẻ chưa đủ 18 tuổi.
Sự khắt khe ấy đến từ đâu vậy?
Khoan bàn đến phạm trù luật pháp nghiêm cấm xâm phạm thân thể người khác, chính sự áp chế tinh thần, tâm lý của một số bậc cha mẹ, thầy cô lên con trẻ từ nhà đến lớp đã cướp mất phần nào sự tự tin của không ít thế hệ học sinh. Không ít đứa trẻ đánh mất cái tôi của mình vì lúc nào cũng phải khép nép với bề trên, răm rắp tuân lệnh người lớn, không được phép nghĩ khác, làm khác, phải nhìn người khác làm mà lấy làm chuẩn…
Những đứa trẻ ấy dần thành người lớn và tiếp tục áp đặt tư tưởng của mình với thế hệ tiếp theo. Và người lớn ấy lại lắc đầu ngán ngẩm, lại lo lắng cho tương lai khi thấy những đứa trẻ tóc vàng tóc đỏ, nói tục cửa miệng và học trend nhanh hơn học bài.
Nhưng thật may, những quan niệm dần thay đổi, những chuẩn giá trị cũng ngày càng khác. Sự "kế thừa" kia dần mờ nhạt đi để những đường kéo lạnh ngắt không còn xuất hiện nhiều, nếu có cũng khiến thầy cô ân hận mà thay đổi. Và bây giờ, quý vị để ý mà xem, trẻ con thời nay rất tự tin, hoạt bát, được trải nghiệm nhiều giá trị của đời sống hiện đại, được phát huy cái tôi của mình. Thầy cô cũng đổi mới, coi học sinh là trung tâm, tôn trọng năng lực cá nhân thay vì soi chiếu vào một quy chuẩn chung.
Dĩ nhiên, trẻ đi học chứ không phải đi chơi. Nhà trường ngoài dạy kiến thức còn là nơi rèn giũa về đạo đức, văn hóa và những nguyên tắc ứng xử cộng đồng. Việc cấm mặc váy ngắn, thậm chí cấm nhuộm tóc, cấm đi dép lê… cũng là những biện pháp tốt kiềm chế phần nào cái tôi trong mỗi con người khi đứng giữa tập thể, để những đứa trẻ lớn lên biết sống vì cộng đồng, biết sống có trách nhiệm chứ không làm mình làm mẩy, coi bản thân là rốn vũ trụ. Nhưng việc áp dụng các biện pháp cực đoan, xâm phạm đến thân thể trẻ em là đồng nghĩa với sự bế tắc trong giải pháp.
Trẻ em phải được giáo dục, nhưng chúng cũng cần được để mặc cho tự giáo dục bản thân (Abbé Dimnet). Dẫu theo khuôn phép nào thì môi trường giáo dục chưa bao giờ là môi trường quân đội.
Đầu năm nay, khi thay vợ đón cậu con trai "mẫu giáo năm cuối" tan học, tôi thấy bé khoanh tay chào cô, ra khỏi lớp tiếp tục khoanh tay chào bố. Hình ảnh xưa cũ của mình thoáng xuất hiện trong đầu, tôi tế nhị dặn cô không bắt con khoanh tay chào như vậy nữa và nói với bé rằng hãy cứ "hi-five" (đập tay) với bố là rất ngoan rồi.
Tôi cho rằng, một đứa trẻ giơ tay "hi-five" thì chắc chắn nó đang vui, còn một đứa trẻ khoanh tay trước ngực thì chưa chắc nó đang ngoan.
(*bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)