Bác sĩ mang nụ cười trở lại

TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền

TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền

Chuyên gia về Sức khỏe tâm thần

15-03-2023 16:10 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Cái ngày chị đến gặp tôi, đó là vào một chiều mùa đông, trời u ám, chị khoác một chiếc áo khoác dày mà vẫn không tránh khỏi cái rét buốt của mùa đông Hà nội.

Đi cùng chị là anh - người đã đồng hành cùng chị nhiều năm, cùng chị vào Nam ra Bắc để tìm cách chữa bệnh cho mình. Khi nói chuyện với tôi, gương mặt chị luôn buồn bã, cúi xuống và giọng nói nhỏ, run rẩy, không nhìn thẳng vào người đối diện.

Cả buổi khám bệnh của tôi, chị không nói được gì mà anh là người nói thay chị. Anh kể rất cụ thể từng ngày từng giờ bệnh của chị ra sao, đã bao lâu nay chị không ra khỏi nhà, thậm chí là ra khỏi cái giường của mình, mọi việc đều phải anh phục vụ, và có những lúc anh giường như tuyệt vọng bỏ mặc cho số phận.

Cũng có những lúc một tia hy vọng nhen nhóm lên, anh đưa chị đi khắp nơi từ Bắc vào Nam, cứ ai bảo đâu là anh đưa chị đi đó, thậm chí là anh đã không ngại đi cúng lễ rồi chữa bệnh bằng nhiều cách không khoa học. Những tia hy vọng vụt lên rối lại tắt đi, bệnh của chị vẫn rơi vào bế tắc. Ngôi nhà anh chị đang xây phải bỏ dở, công việc của chị, một PGS.TS của một ngành nghệ thuật (điều mà mãi sau này khi chị khỏi bệnh tôi mới biết) cũng phải dừng lại vì căn bệnh c Cái ngày anh đưa chị đến gặp tôi, anh chị suy nghĩ rằng thôi cứ đi chứ cũng không hy vọng gì nhiều.

Tôi đã chẩn đoán chị mắc chứng bệnh Trầm cảm, một căn bệnh không dễ nhận biết và thậm chí còn bị kỳ thị khi đó là một căn bệnh cần phải đến điều trị tại chuyên khoa tâm thần. Khi mắc căn bệnh trầm cảm, người bệnh thường buồn chán bi quan tiêu cực, không muốn tiếp xúc với mọi người xung quanh, không muốn làm việc và mệt mỏi, tự ti, thậm chí cho mình có nhiều tội lỗi, không xứng đáng với mọi người xung quanh, nhiều trường hợp đã tìm đến cái chết. Người bệnh thường gặp khó khăn trong việc điều trị căn bệnh này bởi đặc điểm của bệnh khiến họ không muốn điều trị, không thích điều trị hoặc từ chối điều trị. Và cũng có nhiều trường hợp, người thân trong gia đình cũng chưa hiểu về bệnh cho là bệnh nhân giả vờ bệnh, không có bệnh gì cả, không đưa người bệnh đi khám hoặc đi khám chưa đúng chuyên khoa dẫn đến tình trạng bệnh càng nặng hơn, và chậm được điều trị đúng chuyên khoa.

Bác sĩ mang nụ cười trở lại - Ảnh 1.

Bác sĩ mang nụ cười niềm tin ấm áp cho bệnh nhân

Người bệnh không tìm được sự chia sẻ động viên từ những người thân và xã hội như những bệnh khác mà còn bị kỳ thị xa lánh và khiến cho tình trạng của họ càng thêm tuyệt vọng. Nhưng với chị, đã thật may mắn khi chị có anh, người đã đồng hành và chia sẻ với chị trên con đường chữa bệnh. Và một điều kỳ diệu đã đến với chị, sức khỏe của chị dần dần phục hồi, chị đã ăn được ngủ được hơn, làm được công việc trong nhà. Sau một thời gian không thấy chị liên lạc, tôi bỗng nhiên nhận được tin nhắn và chị muốn đến thăm tôi vào dịp tết.

Tôi gặp lại chị sau hai năm kể từ cái ngày đầu tiên gặp ấy. Trước mắt tôi là một người hoàn toàn khác. Chị cười rất tươi, một nụ cười hồn nhiên làm tôi thật sự vui. Lần đầu tôi nhìn thấy một nụ cười tươi và đẹp như thế. Nụ cười ấm áp xua tan cái lạnh giá mùa đông. Chị kể rằng chị đã không uống thuốc từ hơn một năm nay rồi chị cũng đã trở lại làm việc như bình thường, công việc tốt hơn xưa. Chị đã quay trở lại công việc viết kịch bản đạo diễn về sân khấu điện ảnh, công trình ngôi nhà của chị cũng đã hoàn thành nốt những gì còn dang dở… chúng tôi rất vui vì đã mang nụ cười trở lại cho người bệnh, mang niềm vui trở lại cho những người thân yêu của họ.



TS.BS.Trịnh Thị Bích Huyền
Ý kiến của bạn