"Thủ phủ" nồi đất xứ Nghệ
Làng nồi đất ở xã Trù Sơn đã có lịch sử hàng trăm năm. Trước đây, nghề này chỉ dành cho người phụ nữ vì cần sự khéo léo và chịu khó. Nhưng giờ tại các tổ làm nghề đều xuất hiện người đàn ông ngồi tỉ mỉ hoàn thiện sản phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Thanh (63 tuổi, xóm 6, xã Trù Sơn) đang ngồi "gọt" lại sản phẩm cười nói, đàn ông cũng phải sắn tay vào làm vì nghề này vất vả, cực khổ lại đòi hỏi phải có sức khỏe, dẻo dai. Mọi công đoạn nhào, nặn, tạo hình sản phẩm đều làm bằng tay. Đặc biệt là việc thồ đất sét vất vả, nguy hiểm vô cùng.
Vất vả khi người dân phải đến xã Nghi Văn (Nghi Lộc), xã Sơn Thành (Yên Thành) cách làng hơn 10 km chọn đất rồi thồ bằng xe đạp đẩy về. Nguy hiểm khi đã có nhiều người chết vì sập hầm khi lấy đất.
Ông Thanh kể: "Ngày trước, để có đất tốt người dân phải đào sâu xuống lút đầu người mới có đất sét. Sau đó, người dân phải đào ngang thành những đường hầm để có những mẻ đất tốt. Sập hầm, chết người cũng từ việc này. Giờ thì việc mua đất đã dễ dàng hơn rất nhiều khi mình đến chọn đất sẽ được ship tận nhà".
Đất sét đưa về được người dân xén nhỏ rồi đưa vào nhồi nhuyễn đến khi đất trở thành 1 màu vàng nâu đặc trưng. Từ đó, các bộ phận của nồi, niêu…sẽ được các bàn tay điêu luyện của người dân tạo thành.
Bà Phạm Thị Hoàng (81 tuổi) – là một trong ít người trong làng làm ra những vung nồi chuẩn nhất. Tuy chỉ làm bằng tay nhưng hàng nghìn chiếc vung bà làm ra đều vừa y với hàng nghìn chiếc nồi.
"Nhìn thì đơn giản nhưng để có được chiếc vung chuẩn thì không phải dễ. Đất phải dẻo vừa phải và khi tạo hình vung phải có độ cong nhất định. Khi đưa đi phơi, vung vẫn giữ được độ cong nhất định" – bà Hoàng nói.
Vung, thân nồi… sau khi được tạo hình sẽ mang đi phơi khoảng 10 phút. Sau đó, người thợ dùng dao làm từ vỏ cây nứa khéo léo, tỉ mỉ để cắt gọt những chỗ nhấp nhô, đánh bóng mặt ngoài của sản phẩm. Xong công đoạn này, các sản phẩm được đưa đi phơi từ 1-3 ngày đến khi có màu trắng thì người dân xếp vào lò để nung.
Làng nghề dần khởi sắc
Các sản phẩm đưa vào lò nung xây bằng đất cao hơn 1m, rộng khoảng 2m. Tùy vào từng sản phẩm mà mỗi lò có thể nung từ 300-700 sản phẩm. Để sản phẩm của làng có nét riêng thì ngoài đất, bàn tay khéo léo của người thợ thì kỹ thuật đốt lò cũng là một khâu quan trọng.
Làng nồi đất xứ Nghệ.
Khi lò nung được khoảng 1,5 tiếng thì người thợ bắt đầu phủ kín các sản phẩm bằng rơm thêm 1,5 tiếng nữa. Sau khi phủ rơm, thì khâu cuối người dân gọi là "vô lửa trận". Bà Nguyễn Thị Nga (trú xóm 6) cho biết, "vô lửa trận" là công đoạn vất vả nhất. Lúc này, cạnh lò luôn túc trực 2-3 người để "tiếp lửa" – cho các loại lá vào lò liên tục.
"Tùy loại lá để sản phẩm có một màu riêng biệt. Lá tràm sản phẩm sẽ có màu đen, lá thông màu sẽ trắng. Riêng lá bạch đàn sản phẩm sẽ có màu đen lẫn màu cánh gián. Nung 4 giờ đồng hồ và xuất hiện lửa trên đỉnh lò thì sản phẩm đã "chín". Đợi khi sản phẩm nguội hẳn, rơm thành tro trắng thì dỡ sản phẩm ra đưa đi tiêu thụ" – bà Ngà nói.
Ngày trước để bán được hàng, người dân ở xã Trù Sơn đi từng đoàn 6-7 người đẩy xe đạp để thồ hàng. Không chỉ đến TP Vinh, người dân vào tận Quảng Bình, Quảng Trị đi cả tháng trời để bán.
Những năm gần đây việc buôn bán ở làng nghề thuận lợi hơn rất nhiều. Nhiều nhà hàng, khách sạn và làng nghề nấu, kho cá truyền thống phát triển nên sản phẩm nồi đất Trù Sơn được nhiều nơi ưa chuộng. Không chỉ trong nước mà sản phẩm còn xuất sang Lào, Campuchia… Làng nghề dần khởi sắc.
Thời điểm này, làng nghề nồi đất ở xã Trù Sơn mù mịt khỏi bởi hàng chục hộ dân đang đỏ lửa cho ra lò những nồi đất chất lượng. Sản phẩm của làng có nét riêng đặc biệt khi sản phẩm nhẹ nhưng cứng và bền. Ngoài ra, nồi của làng đun nấu bất cứ thứ gì cũng giữ nguyên được hương vị vốn có của nó.
Ông Nguyễn Thụy Chính - Chủ tịch UBND xã Trù Sơn cho biết, hiện làng nghề có khoảng 60 hộ dân với gần 200 lao động đang duy trì nghề truyền thống này. Làng nghề cho thu nhập ổn định với 6-7 triệu đồng/lao động/tháng. Chúng tôi đang lên kế hoạch trưng bày giới thiệu sản phẩm để người dân biết đến làng nghề nhiều hơn.
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19