Giải quyết ô nhiễm làng nghề: Thách thức không nhỏ

17-06-2019 06:29 | Xã hội
google news

SKĐS - Làng nghề truyền thống đã tồn tại và phát triển trong khắp cả nước, mang lại nhiều giá trị kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn.

Vấn đề đặt ra, từ cách làm nặng tính tự phát, quy hoạch yếu nên dần phá vỡ không gian sống, dẫn đến ô nhiễm môi trường. Điều quan ngại là cho đến nay, chưa có một phương án tổng thể đủ mạnh để bảo đảm cho làng nghề phát triển bền vững.

Người dân tự đầu độc?

Đến đầu làng Khoai (tên thường gọi của làng Minh Khai), thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên) chúng tôi như bị lạc vào giữa những “núi rác” khổng lồ. Chúng tôi và cả những vị khách đến làng vừa đeo khẩu trang, vừa dùng tay bịt mũi song cũng không ngăn được mùi hôi. Với gần 1.000 hộ, đa số làm nghề tái chế nhựa, làng Khoai đứng trong danh sách những ngôi làng ô nhiễm nhất cả nước. Theo tìm hiểu, mỗi ngày làng Khoai “nhập” khoảng 200 tấn rác phế liệu, rồi tái chế thành các loại đồ dùng mới như túi, túi nilon, dây buộc đến cả ống nhựa PVC, cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Điều dễ nhận thấy là sự giàu có hiện lên bằng những ngôi nhà cao tầng, song chúng lại phải chen với các “núi rác”. Đường, ngõ trong làng, chỗ chơi của trẻ em cũng bị rác “nuốt” gần hết!”.

Rác thải ngay trước cửa trụ sở UBND xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội).

Rác thải ngay trước cửa trụ sở UBND xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội).

Điều đáng nói, tại làng Khoai đến nay vẫn chưa có một sự kiểm định sức khỏe cụ thể, cũng chưa có đánh giá tác động của môi trường tới con người. Việc sản xuất vẫn tiếp diễn và cả làng vẫn đang tiếp tục tự đầu độc môi trường. Ông Nguyễn Ích Thăng, một người dân trong làng thốt lên: “Trong làng hiện nay có rất nhiều người đã mắc phải những bệnh về hô hấp, da liễu, bị giảm về thị lực và thính lực... Rồi sau đó, còn là ung thư nữa, nó sẽ đổ bộ về làng bất cứ lúc nào”.

Tìm đến các “điển hình” ô nhiễm khác như làng tái chế chì Đông Mai, cũng thuộc địa bàn huyện Văn Lâm; làng sản xuất tăm hương Quảng Phú Cầu thuộc huyện Ứng Hòa, làng chế biến nông sản, thực phẩm Dương Liễu thuộc huyện Hoài Đức (Hà Nội), làng đúc đồng Đại Bái thuộc huyện Gia Bình (Bắc Ninh), tái chế nhôm Vân Chàng, Bình Yên thuộc huyện Nam Trực (Nam Định)... chúng tôi cũng ghi nhận quá nhiều nỗi bức xúc. Ở đâu người dân cũng coi thường môi trường và tính mạng bản thân. Họ dầm mình lao động và “thụ hưởng” luôn bầu không khí ngột ngạt, khó chịu mình gây ra.

Vậy ý thức và trách nhiệm ở đâu? Với câu hỏi này, ở ngôi làng nào, câu trả lời nhận được sẽ là: “Cả làng này người ta đều thế. Cả làng gây ô nhiễm chứ đâu mình gia đình tôi?!” Hỏi chuyện người dân Dương Liễu (Hoài Đức), nhiều trong số họ cho biết, từ lâu đã chấp nhận sống chung với ô nhiễm. Chỉ các cụ già là không ngớt thở dài, lo lắng cho tương lai của thế hệ sau. “Làng nghề chế biến tinh bột Dương Liễu còn đang rất nhiều bức xúc về nước thải thì bã thải của sắn và dong riềng bị chính người dân đổ rải rác ở đường làng tiếp tục trở thành nỗi nhức nhối. Chính dân mình đầu độc dân mình chứ đâu!”, Anh Nguyễn P.T., sinh ra và lớn lên làng nghề nổi tiếng về sản xuất và chế biến thực phẩm Dương Liễu cho biết.  Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Bá Nhân - Trưởng phòng Quản lý đô thị Hoài Đức cho biết, hiện nay định hướng về quy hoạch cụm công nghiệp còn vướng, lúng túng giữa xây dựng cụm công nghiệp làng nghề và cụm công nghiệp. Các hộ dân vẫn sản xuất trong khu dân cư, điều đó gây ra ô nhiễm, bức xúc.

Làng đá mỹ nghệ Ninh Vân (Ninh Bình) đối mặt với không khí ô nhiễm nghiêm trọng.

Làng đá mỹ nghệ Ninh Vân (Ninh Bình) đối mặt với không khí ô nhiễm nghiêm trọng.

Tháo gỡ từng bước

Xuôi xuống Ninh Bình, làng đá Ninh Vân (huyện Hoa Lư) - đại bản doanh của các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ, cũng là “điểm đen” ô nhiễm của tỉnh. Nơi đây tập trung hàng nghìn người lao động, trong đó có nhiều người ngoại huyện, ngoại tỉnh, chấp nhận “chung sống với ô nhiễm” để kiếm tiền. Nhưng, cùng với sự chấp thuận một cách khiên cưỡng ấy, người dân phải đối mặt với bệnh tật. Anh Phạm Văn Khoa, một thợ đá trong làng ngậm ngùi: “Bởi làng có nghề, nên cũng theo nghề cha ông. Không có nghề này thì cũng chỉ biết làm thuê. Ai cũng biết là phải phơi mình cả ngày trong màn ô nhiễm, sẽ bệnh tật đấy, nhưng cả làng chẳng ai dừng sản xuất cả”. Nhìn cách anh Khoa và các đồng nghiệp anh lao động, giữa ở một không gian toàn bụi đá, rộng hơn là cả xã, hàng trăm khuôn mặt phạc phờ và lấm lem, cổ họng tôi nghẹn ứ. Chợt anh Khoa đứng vuốt bụi, rồi thở hắt: “Chúng em còn khỏe nên cứ làm thôi, sau này hẵng hay. Mấy ông thợ đi trước cũng cảnh báo về bệnh tật và ung thư rồi. Nhưng em vẫn làm. Nếu sợ bẩn, sợ bệnh thì sao nuôi được vợ con”. Để kiểm chứng, chúng tôi tìm đến Trạm Y tế xã Ninh Vân. Lật giở cuốn sổ theo dõi của Trạm Y tế xã, chúng tôi quặn lòng. Chỉ trong 10 năm gần đây đã có hơn 100 người thí mạng cho tử thần vì ung thư. Đa số họ có tuổi đời còn khá trẻ, từ 35 - 50.

Rộng ra trong cả nước, cách đây 4 năm, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên - Môi trường) đã khảo sát và đưa ra con số trên cả nước có 37 làng ung thư, phần lớn là những làng nghề có mức độ ô nhiễm cao. Mỗi năm, tử thần lại cướp đi mạng sống của hàng trăm lao động, là những trụ cột của gia đình. Danh sách những làng ung thư, số người chết vì ung thư sẽ tiếp tục tăng lên.

Điều đó khiến mỗi chúng ta không thể bình tâm. Hiện TP. Hà Nội tập trung 1.350 làng nghề và làng có nghề. Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường chính là cơ chế quản lý chồng chéo, từ cấp xã, huyện đến các sở, ngành. Mỗi cơ quan kiểm soát một phần, cuối cùng chẳng rõ trách nhiệm thuộc về ai. Các cơ quan chức năng Hà Nội đang tích cực tháo gỡ, phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng sản xuất làng nghề sẽ chiếm khoảng 8,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Hà  Nội; tiến hành xử lý ô nhiễm môi trường cho 50 làng nghề đang có mức ô nhiễm nghiêm trọng; nâng cấp  hạ tầng cho 50 làng nghề; tạo việc làm ổn định từ 800 nghìn đến 1 triệu lao động nông thôn với thu nhập đạt từ 35-40 triệu đồng/người/năm.

Để làm được, TP. Hà Nội sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề và xây dựng nông thôn mới, chú trọng khuyến khích áp dụng công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làng nghề; Liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học để đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao các công nghệ mới cho làng nghề nhằm giảm thiểu ô nhiễm; hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo lao động, mở rộng mặt bằng... để các hộ sản xuất, doanh nghiệp có điều kiện hoạt động tốt nhất.

Ở cấp quản lý ngành dọc, hiện nay Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) là cơ quan có trách nhiệm theo dõi, quản lý chung môi trường tại các làng nghề, đã có nhiều đánh giá về những thiếu sót trong công tác này. Cơ quan quản lý môi trường vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, phổ biến. Đó là chưa kể đến thiếu sự đồng thuận, chung sức của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và quản lý làng nghề. Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng - Tổng cục Môi trường nhấn mạnh: “Chuyện đùn đẩy trách nhiệm cũng phổ biến. Tệ hơn, có dự án kiểm soát ô nhiễm về tỉnh mà không có lợi cá nhân thì cán bộ địa phương cũng chẳng mặn mà”.

Bàn về một giải pháp thật sự hiệu quả, ông Hoàng Dương Tùng cho rằng, hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa làm rõ định nghĩa thế nào là làng nghề và thống nhất trong cả nước có bao nhiêu làng nghề truyền thống. Điều đó đã gây rắc rối cho công tác quản lý. “Những làng tái chế rác, nhôm, thép không thuộc làng nghề truyền thống. Nhưng họ cứ vịn vào đó để đòi nhà nước ưu đãi. Chỉ khi phân định rạch ròi, đâu là làng có nghề, làng nghề truyền thống, làng nghề mới, thì việc quản lý mới đi vào quy củ. Đã là cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoạt động trong làng thì phải có cam kết và quy chuẩn, chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường, làm sai thì phải chịu phạt. Không thể để họ ở lẫn khu dân cư, kiếm lợi và bỏ mặc môi trường chung”, ông Tùng nhấn mạnh.

Rõ ràng ô nhiễm môi trường làng nghề đang là thách thức lớn. Một loạt những khuyết thiếu trong công tác cải thiện môi trường đang đòi hỏi hệ thống biện pháp có tính chất tổng hợp, từ việc nâng cao ý thức người dân, hoàn thiện chính sách pháp luật, cơ chế, tài chính cho đến nâng cao trách nhiệm của những người có trách nhiệm.

Hiện có hai cơ quan có trách nhiệm trực tiếp trong thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất thuộc làng nghề là cơ quan chuyên ngành thanh tra môi trường các cấp và lực lượng cảnh sát môi trường. Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện còn nhiều bất cập.


Nguyễn Văn Học
Ý kiến của bạn