Làng nghề Trường Sơn giữa lòng Nha Trang

02-05-2020 09:33 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ngay trong thành phố du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) tồn tại một không gian đậm tính văn hóa và nghệ thuật đó là Làng nghề Trường Sơn (số 8 Trường Sơn, Nha Trang). Các loại hình nghệ thuật như: Tranh cát, thư họa, đan thêu, chế tác gỗ lũa…thỏa sức được sáng tạo với những đôi tay cần mẫn giữa ngạt ngào trăm hoa đua sắc.

Làng nghề Trường Sơn mà trước kia mọi người hay gọi là Vườn Mai Trường Sơn. Được Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Khánh Hòa cấp chứng nhận đầu từ ngày 7 tháng 6 năm 2011, thay đổi lần đầu vào ngày 15/07/ 2013 với tổng diện tích gần 19.400 m2 với mục đích sản xuất gỗ mỹ nghệ,  bảo tồn các ngành nghề truyền thống, vườn tượng nghệ thuật, cây cảnh, bảo tồn gen giống hoa mai đẹp mà hiếm nơi nào có được.

Nhiều loại hoa quý được bảo tồn

Ngay từ cổng đi vào, giữa hàng trăm loài hoa quý là khúc gỗ xoan nhập khẩu nặng 20 tấn, chiều dài 8 mét và đường kính trung bình là 1,7 m được các nghệ nhân chế tác nghệ thuật ấn tượng như một sự chào mời. Tiếp đó bức tranh cát lớn với chữ “Làng nghề Trường Sơn” do nghệ nhân Trần Thị Thu,  chủ nhân phòng tranh Hồng Châu Sa, Nha Trang đã tạo thành, tô thêm sự đa dạng cho làng nghề. Với hơn 16 năm kiên trì với bộ môn nghệ thuật tranh cát, phòng tranh Hồng Châu Sa đã tạo được tên tuổi của riêng mình. Thời gian trước đây, công chúng đã từng biết đến những bộ tranh về 12 con giáp được đều đặn ra đời mỗi dịp năm mới; những tác phẩm về chủ quyền biển đảo hay chân dung về các nhân vật nổi tiếng…Nhìn các nghệ nhân tỉ mỉ xúc từng muỗng cát nhỏ, chỉnh sửa từng họa tiết li ti mới hiểu hết được sự kỳ công của các nghệ nhân.

Bên cạnh đó là khu thư họa và thư pháp của họa sĩ Lê Vũ. Nhắc đến họa sĩ Lê Vũ, ai cũng biết ông sinh năm 1949 tại Quảng Nam, là con trai duy nhất trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật tuồng cổ nhưng Lê Vũ không đi theo nghiệp nhà. Hiện ông là Hội viên Hội Mỹ Thuật Việt Nam. Trong những năm gần đây, ông gắn bó với làng nghề Trường Sơn với những bức thư họa thư pháp. Đặc biệt, tại đây ông vừa thực hiện 8 bức thư họa tâm linh và  thư họa về các dạnh nhân trên Thế giới và Việt Nam.

Không gian nghệ thuật truyền thống trong Làng nghề Trường Sơn

Nghê thuật Chúc Chỉ cũng được tái hiện độc đáo. Nghệ thuật Trúc chỉ là một loại hình nghệ thuật mới của Huế, Việt nam do Họa sỹ Phan Hải Bằng, giảng viên ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế cùng cộng sự nghiên cứu, sáng tạo nên. Bằng cách kết hợp nghề giấy thủ công truyền thống và nguyên lý của nghệ thuật Đồ họa; thuật ngữ kỹ thuật “trucchigraphy” đã ra đời và được sử dụng chính cho nghệ thuật Trúc Chỉ.

Nghề làm gốm Lư Cấm cũng được bảo tồn, giới thiệu như cách níu giữ vẻ đẹp của nghệ thuật. Làng nghề ấy ra đời từ lúc nào người ta cũng không hay, không rõ, chỉ có thể ước tính được rằng qua bao thăng trầm của thời gian, vượt qua bao biến thiên của thời gian, ngôi làng ấy, nghề truyền thống ấy đã tồn tại được hơn 200 năm.

Không gian nghệ thuật tranh cát trong Làng nghề Trường Sơn

Trong không gian của làng nghề còn bảo tồn, phát huy các nghề mang đậm tính nghệ thuật khác như: Nghề đan trống đồng bằng sợi tổng hợp (Trống đồng Đông sơn được tạo nên bởi những sợi tổng hợp bởi bàn tay khéo léo của công nhân Làng nghề Trường Sơn. Trước kia, mây tự nhiên là nguyên liệu chính, nhưng hiện nay nguồn nguyên liệu này khan hiếm nên sợi tổng hợp đã được chọn để tạo ra những sản phẩm của làng nghề). Nghề làm hoa đất; Chế tác đá cảnh; Tò he nghệ thuật…cũng được bảo tồn, gìn giữ.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, với khát vọng lan tỏa những loại hình nghệ thuật, nghành nghề truyền thống, các loài hoa và rau quý, Làng nghề Trường Sơn vừa tổ chức buổi giới thiệu trực tuyến đến khan giả đầy ấn tượng. Dự kiến cuối năm 2020, Tết 2021, làng nghề sẽ rộng cửa đón khách thưởng lãm. Theo kế hoạch, vào dịp tết 2021 tại Làng nghề Trường Sơn sẽ trồng  2.000 cây hoa hướng dương, 500 chậu hoa hồng, 2.000 gốc mai gen đẹp và tạo một không gian mở với đa dạng các loài hoa khác.

 


HÀ VĂN ĐẠO
Ý kiến của bạn