Nhờ khám chữa bệnh từ xa, bệnh nhân ung bướu tuyến dưới được giáo sư nước ngoài hội chẩn điều trị

25-11-2022 16:49 | Y tế

SKĐS - Từ Bệnh viện K, qua ứng dụng telehealth - khám chữa bệnh từ xa, các chuyên gia của Bệnh viện K đã hội chẩn "vượt không gian" đưa ra phác đồ điều trị hàng trăm ca bệnh. Thậm chí có không ít ca bệnh tuyến dưới được kết nối hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị bởi chuyên gia hàng đầu của thế giới...

PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện K đã chia sẻ với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống xung quanh việc triển khai thực hiện khám chữa bệnh từ xa – telehealth tại đây.

- Ông có thể chia sẻ gì về kết quả triển khai thực hiện khám chữa bệnh từ xa – telehealth của Bệnh viện K?

PGS. TS Phạm Văn Bình: Trong giá trị mang lại của telehealth, chúng tôi xin chia sẻ thực tế của một trường hợp bệnh nhân hết sức đặc biệt, đó là trong giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19, chúng tôi có tiếp nhận ca bệnh ung thư cổ tử cung đang mang thai 28 tuần.

Nhờ khám chữa bệnh từ xa, bệnh nhân ung bướu tuyến dưới được giáo sư nước ngoài hội chẩn điều trị - Ảnh 1.

Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, một điểm nhấn trong thực hiện khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện K là đã kết nối hệ thống telehealth với chuyên gia nước ngoài, bệnh nhân ung bướu tuyến dưới được giáo sư nước ngoài hội chẩn điều trị.

Với mong muốn mang lại điều tốt nhất cho người mẹ ung thư này, các chuyên gia của Bệnh viện K đã quyết định hội chẩn trực tuyến qua telehealth với giáo sư hàng đầu về ung thư sản phụ khoa tại Pari và các chuyên gia sản khoa của Bệnh viện Phụ sản TW để cùng trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng, qua đó đã tìm ra một phác đồ điều trị tối ưu cho người bệnh.

Chúng tôi đã nỗ lực giữ bệnh nhân này tiếp tục cố gắng điều trị thêm 8 tuần trong bệnh viện với cách chăm sóc đầy đủ như nâng cao thể trạng, truyền máu, để đạt 2 mục tiêu là giữ thai nhi đến tầm tuổi có thể phẫu thuật được và xây dựng kế hoạch khi phẫu thuật "bắt con" thì tiến hành phẫu thuật điều trị ung thư cổ tử cung cho mẹ luôn…

Và chúng tôi đã làm được điều đó với kết quả đạt được hết sức vui mừng đó là cháu bé chào đời, phát triển khỏe mạnh; người mẹ được điều trị ung thư một cách triệt để sau đó được áp dụng các phương pháp điều trị bổ trợ, sức khỏe của mẹ tiến triển tốt.

Đây là một ví dụ điển hình là thành quả rất ngọt ngào của việc triển khai khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện K với các giáo sư đầu ngành ung thư sản phụ khoa của Trung tâm ung thư tại Pari.

- Ông hãy cho biết cụ thể hơn Bệnh viện K đã triển khai thực hiện khám chữa bệnh từ xa chuyên ngành ung bướu như thế nào?

PGS.TS Phạm Văn Bình: Từ cuối tháng 8/2020, Bệnh viện K triển khai đưa vào hoạt động hệ thống khám chữa bệnh từ xa - telehealth.

Việc triển khai khám chữa bệnh từ xa từ thời điểm đó là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, và có nhiều lợi ích cho người bệnh và các cơ sở y tế, cụ thể là:

Góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả khám chữa bệnh của các bệnh viện tuyến dưới; Hạn chế người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp;

Tăng cường công tác khám chữa bệnh ở tuyến dưới, không chuyển người bệnh lên tuyến trên trong trường hợp bệnh tuyến dưới điều trị được, giúp người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại chính địa phương của mình, góp phần giảm bớt chi phí điều trị, giảm gánh nặng bệnh tật, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh.

Với vai trò là bệnh viện chuyên khoa ung bướu tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật, Bệnh viện K đã tích cực hỗ trợ phát triển chuyên ngành ung bướu và nỗ lực để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị cho tuyến dưới thông qua hội chẩn khám chữa bệnh từ xa, đào tạo chuyên môn cho tuyến dưới.

Một điểm nhấn trong thực hiện khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện K là chúng tôi đã kết nối hệ thống telehealth với chuyên gia nước ngoài. Điều này có nghĩa là các chuyên gia hàng đầu về ung thư của Trung tâm ung thư Curie ở Pari (Pháp), các bệnh viện chuyên khoa ung thư khác của Pháp; Trung tâm ung thư ở Tokyo, ở Mỹ… có thể hội chẩn trực tuyến với bác sĩ và ca bệnh ở cơ sở điều trị tuyến dưới trong hệ thống khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện K.

Như vậy, rõ ràng bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa sẽ được hưởng những phác đồ điều trị ở những nơi có nền y học phát triển.

Nhờ khám chữa bệnh từ xa, bệnh nhân ung bướu tuyến dưới được giáo sư nước ngoài hội chẩn điều trị - Ảnh 2.

Kết nối hội chẩn khám chữa bệnh từ xa giữa Bệnh viện K với các điểm cầu.

Đến nay, Bệnh viện đã thực hiện kết nối hội chẩn từ xa hàng trăm trường hợp bệnh nhân, trong đó có những ca mà đồng nghiệp tuyến dưới gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán xác định ung thư giai đoạn nào nhưng nhờ telehealth giúp bác sĩ tuyến trên trao đổi về hình ảnh giải phẫu bệnh, chẩn đoán hình ảnh cũng như tâm tư nguyện vọng của bệnh nhân và khả năng điều trị của bệnh viện tuyến dưới.

Đối với nhiều ca bệnh phức tạp, Ban giám đốc Bệnh K và các chuyên gia đầu ngành cùng Lãnh đạo Bệnh viện và y bác sĩ tuyến dưới cùng trực tiếp hội chẩn để thống nhất đưa ra kết luận, hướng điều trị ca bệnh.

- Nhưng ông có cho rằng, trong thực tế hiện nay, khám chữa bệnh từ xa có thể bị "lãng quên" vì chúng ta không còn phải giãn cách phục vụ chống dịch?

PGS.TS Phạm Văn Bình: Có thể nói việc triển khai khám chữa bệnh từ xa chuyên ngành ung thư nói riêng và toàn ngành y tế nói chung, như tôi đã nói ở trên là có rất nhiều hiệu quả, điều này không chỉ trong giai đoạn phòng chống dịch mà ngay cả hiện nay vẫn phát huy giá trị về chẩn đoán, trao đổi và chia sẻ thông tin trong điều trị cho người bệnh ở tuyến dưới cũng như đào tạo, bổ sung kiến thức cho chính các y bác sĩ tại đó.

Việc này làm càng sát sao, càng thường quy sẽ góp phần giảm tải cho tuyến trên. Lúc đó, tuyến trên tập trung điều trị các ca bệnh khó, chuyên môn sâu còn các trung tâm ung bướu tuyến dưới hoàn toàn điều trị các trường hợp còn lại.

Bệnh viện K đã triển khai kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa với 64 điểm cầu, là các bệnh viện, trung tâm ung bướu trên cả nước. Trong suốt 2 năm qua, mối liên hệ này hết sức chặt chẽ, điều này không chỉ thể hiện trong giai đoạn dịch căng thẳng mà hiện nay việc giao ban chuyên môn, hội chẩn khám chữa bệnh từ xa với tuyến dưới vẫn được duy trì.

Chúng tôi triển khai duy trì khám chữa bệnh từ xa thông qua chương trình "tâm điểm ung thư" vào chiều các ngày thứ 6 hàng tuần với các chủ đề mà qua tổng hợp tuyến dưới và người dân cùng quan tâm như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tuyến giáp, ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày, đại trực tràng, ung thư máu hoặc các ung thư phần mềm khác.

Trong các chương trình này, chuyên gia của Bệnh viện K đã kết hợp chặt chẽ với bác sĩ tuyến dưới để thảo luận, cập nhật, trao đổi, tìm ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất với các ca bệnh cần hội chẩn.

Một vấn đề nữa là công tác đào, các bác sĩ tuyến dưới cũng thường xuyên được cập nhật các thông tin của Viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ, Trung tâm ung thư Châu Âu mà không cần phải lên tuyến trên để học hỏi vì những kiến thức mới này hoàn toàn được bác sĩ, chuyên gia của Bệnh viện K chuyển tải qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa qua các buổi tập huấn, đào tạo chuyên môn.

Nhờ khám chữa bệnh từ xa, bệnh nhân ung bướu tuyến dưới được giáo sư nước ngoài hội chẩn điều trị - Ảnh 4.

PGS.TS Phạm Văn Bình cùng các đồng nghiệp đang hỗ trợ chuyên môn điều trị một ca bệnh ung thư qua hội chẩn từ xa.

- Vậy theo ông, cần phải làm thế nào để khám chữa bệnh từ xa thêm phát huy hiệu quả?

PGS.TS Phạm Văn Bình: theo tôi, có 3 yếu tố, thứ nhất: Bản thân đơn vị y tế tuyến trên – tuyến cuối cũng như các bác sĩ, chuyên gia tại đây phải thường xuyên cập nhật các kiến thức mới nhất về khám, chẩn đoán, điều trị bệnh để không chỉ làm giàu thêm về kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn cho mình mà còn là để tiệm cận nhanh chóng với nền y tế tiên tiến trên thế giới.

Thứ hai, khám chữa bệnh từ xa không chỉ đơn thuần là hội chẩn ca bệnh, mà một vấn đề không kém phần quan trọng là đào tạo, do đó, chúng ta phải giữ liên lạc liên tục và trao đổi thường xuyên với các chuyên gia nước ngoài cũng như tuyến duới nhằm tạo nên sự gắn kết liên tục giữa các tuyến y tế trong hệ thống mạng lưới ung thư.

Thứ ba, yếu tố hạ tầng rất quan trọng, để khám chữa bệnh từ xa thực sự phát huy ý nghĩa, tại các cơ sở y tế cần được đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ về hạ tầng, nền công nghệ, đường truyền… để đảm bảo kết nối thông tin được xuyên suốt, thuận lợi cho khám, hội chẩn từ xa.

Trân trọng cảm ơn Ông!

Sáng 25/11: Có 82 ca COVID-19 nặng đang thở máy, oxy; Gần 600 bệnh nhân ung thư máu ghép tế bào gốc máu đồng loàiSáng 25/11: Có 82 ca COVID-19 nặng đang thở máy, oxy; Gần 600 bệnh nhân ung thư máu ghép tế bào gốc máu đồng loài

SKĐS - Thống kê của Bộ Y tế cho thấy hơn 10,6 triệu người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi; hiện có 82 ca nặng đang thở máy, oxy; Bệnh nhân ung thư máu nếu điều trị ghép tế bào gốc máu đồng loài, tỉ lệ sống trên 5 năm lên tới 50%; Cần sớm đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý...

Thái Bình (thực hiện)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn