Telehealth - 'Cơ hội' cho thầy thuốc và bệnh nhân

10-12-2021 14:27 | Tin nóng y tế

SKĐS - Chương trình khám chữa bệnh từ xa - Teleheath đã được triển khai thí điểm đầu tiên tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào ngày 18/4/2020. Sau hơn 1 năm triển khai, chương trình Teleheath đã được xã hội ghi nhận.

Teleheath - thay đổi phương thức khám chữa bệnh

Lợi ích đầu tiên mà các chương trình khám chữa bệnh từ xa mang lại chính là các ca bệnh khó từ tuyến cơ sở sẽ được hội chẩn kịp thời, hạn chế di chuyển người bệnh chuyển tuyến có thể gây nguy hiểm cho người bệnh, bỏ qua mất thời gian vàng để cấp cứu cho người bệnh.

Thêm vào đó, sự chênh lệch về trình độ khám chữa bệnh giữa tuyến trên và tuyến dưới trước nay vẫn là bài toán khó của ngành y tế Việt Nam.

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Telehealth – 'cơ hội' cho thầy thuốc và bệnh nhân - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội (góc ảnh trên) chủ trì một buổi khám chữa bệnh từ xa.

Bệnh viện tuyến trên luôn rơi vào tình trạng quá tải, còn bác sĩ ở địa phương ít có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn vì thiếu bệnh nhân, đặc biệt là ít kinh nghiệm đối phó với các ca bệnh khó. Do đó, về lâu dài, phương thức khám chữa bệnh từ xa, sẽ là giải pháp giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trung ương.

Trong giai đoạn 2, tại các bệnh viện tuyến cơ sở sẽ xây dựng phòng khám Telehealth, tại đây bác sĩ tuyến trên và bác sĩ tuyến dưới cùng khám cho 1 người bệnh và cùng chịu trách nhiệm cho quyết định chẩn đoán, điều trị đó.

Điều giúp cho người bệnh khi tham gia hội chẩn sẽ hiểu ngành y và có niềm tin hơn với bệnh viện tuyến dưới, bệnh viện địa phương. Khi đó, họ biết rằng, các bác sĩ địa phương cũng đủ trình độ khám chữa bệnh và luôn có bệnh viện tuyến Trung ương ở đằng sau sẵn sàng hỗ trợ. Đặc biệt hơn, bệnh viện tuyến dưới sẽ tự nâng cao trình độ, uy tín của mình với chi phí thấp.

Telehealth – phương thức chuyển giao kỹ thuật chuyên môn hữu hiệu

Các buổi hội chẩn chuyên môn trực tuyến chính là những buổi trao đổi chuyên môn lâm sàng của thầy thuốc tại bệnh viện, bao gồm cả Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và bệnh viện tuyến dưới cùng tham gia những buổi giảng bài, học tập, thảo luận công khai.

Ý nghĩa lớn nhất mà Telehealth được mong đợi chính là giúp cho cả ngành y tế phát triển đồng bộ, góp phần tích cực trong công cuộc chuyển đổi số của ngành.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Các bác sĩ phải làm quen với việc không khám trực tiếp cho bệnh nhân mà sẽ sử dụng các công cụ công nghệ hỗ trợ, tất cả sẽ cùng nghe, cùng thảo luận. Thông qua mô hình Telehealth, các bác sĩ, kể cả tuyến Trung ương được nâng cao trình độ của mình vì sẽ được học hỏi qua thầy, qua đồng nghiệp từ khắp mọi miền cả nước.

Đối với các bác sĩ, mỗi buổi Telehealth là một buổi học lâm sàng quý báu. Mỗi buổi khám chữa bệnh trực tuyến trên trang Fanpage của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có hàng nghìn người xem và có hàng chục nghìn người xem lại. Telehealth chính là cơ hội học tập cho các y, bác sĩ, sinh viên y khoa

Kết quả bước đầu và những khó khăn phía trước

Từ 2 bệnh viện ban đầu là BVĐK Mường Khương (Lào Cai), BVĐK Quảng Xương (Thanh Hoá), đến nay sau hơn 1 năm triển khai đã có hơn 200 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã và 3 BV của Lào, Campuchia, Hàn Quốc tham gia Đề án Khám chữa bệnh từ xa của BV Đại học Y Hà Nội.

Trong năm 2021, điểm nhấn của Telehealth sẽ là phát triển giai đoạn 2. Các bác sĩ tư vấn thông qua hai hệ thống khám chữa bệnh từ xa là hệ thống Tele Rad và hệ thống Tele ICU.

Thành công là vậy, nhưng khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị máy móc còn chưa đáp ứng được nhu cầu, để thực hiện có hiệu quả, cần phải sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Nếu không, việc ký đơn thuốc từ xa còn gặp nhiều khó khăn.

Telehealth là một bước tiến quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của ngành y tế Việt Nam, mặc dù nó không thể thay thế tuyệt đối cho hệ thống y tế truyền thống (có những ca bệnh khó, bệnh nhân vẫn phải đến bệnh viện để có được chẩn đoán chính xác nhất).

Ứng dụng Telehealth cũng góp phần giúp cho cả ngành y tế đồng bộ với nhau (không phân biệt tuyến trên, tuyến dưới; bác sĩ trẻ và bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm…).

Phương Thảo
Ý kiến của bạn