Hà Nội

Khám chữa bệnh từ xa cứu nhiều bệnh nhân nặng

14-10-2022 10:24 | Y tế
google news

SKĐS - Tại Nghệ An, nhiều ca bệnh nặng đã được cứu sống nhờ các chuyên gia ở các bệnh viện tuyến Trung ương tư vấn, hỗ trợ xử trí, hội chẩn qua khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth).

Telehealth rút ngắn khoảng cách y tế giữa các địa phương - Ảnh 1.

Bệnh nhân Đ.T.L được điều trị bằng kỹ thuật ECMO VA

Nhiều ca bệnh nặng được cứu sống nhờ Telehealth

Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa (HNĐK) Nghệ An tiếp nhận bệnh nhân Đ.T.L, sinh năm 1975 được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh lên, với chẩn đoán: Viêm phổi ARDS - TD viêm cơ tim/ hậu COVID-19 ngày thứ 10.

Điều trị tại Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện HNĐK Nghệ An, bệnh nhân đã được đặt nội khí quản, thở máy, kháng sinh, lọc máu liên tục, vận mạch trợ tim. Sau đó tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, xuất hiện rối loạn nhịp nặng, suy tim tiến triển.

Trước diễn biến nghiêm trọng, nguy cơ bệnh nhân tử vong cao, Bệnh viện HNĐK đã tổ chức hội chẩn toàn viện, với sự tham vấn của các chuyên gia Trung tâm Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Tim mạch Việt Nam.

Bệnh nhân Đ.T.L đã được chẩn đoán bị Viêm cơ tim biến chứng sốc tim có rối loạn nhịp nặng - Viêm phổi/ Hậu COVID-19. Bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng kỹ thuật ECMO VA.

Ngay lập tức Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực đã phối hợp Khoa ngoại Lồng ngực mạch máu triển khai ECMO VA cho bệnh nhân. Bệnh nhân được ECMO VA, lọc máu liên tục, kháng sinh, kiểm soát HA, chống đông theo ECMO, điều chỉnh điện giải, bilan dịch, dinh dưỡng, bù albumin, truyền khôi hồng cầu, tiểu cầu, hội chẩn liên viện, siêu âm đánh giá chức năng tim.

Bệnh nhân sau khi được hỗ trợ ECMO kết hợp lọc máu liên tục, thở máy sức khỏe đã tốt lên. Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã được ngừng ECMO VA, ngừng thở máy, rút được máy tạo nhịp tạm thời, chức năng tim đã hồi phục tốt, hô hấp ổn định, toàn trạng tốt và đã được ra viện.

Telehealth rút ngắn khoảng cách y tế giữa các địa phương - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Mới đây, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An tiếp nhận bệnh nhi sinh non 11 ngày tuổi, nặng 1,1kg (ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), chuyển tuyến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trong tình trạng suy hô hấp, thể trạng non yếu, suy dinh dưỡng, tóc bạc màu vùng trán, phản xạ bú kém, nhiễm khuẩn huyết, tiên lượng nặng.

Ngay lập tức, các bác sĩ khoa Sơ sinh – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã kết nối Telehealth với các chuyên gia Sơ sinh của Trung tâm Sơ sinh - Bệnh viện Nhi Trung ương để hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị với các biện pháp tích cực. Trẻ được điều trị nằm lồng ấp, nuôi dưỡng tĩnh mạch, sau đó chăm sóc bé bằng phương pháp Kangaroo.

Sau 27 ngày điều trị tại khoa Sơ sinh, cân nặng bé đã được 1,9 kg. Bé tự thở, phản xạ bú và ăn được sữa mẹ. Hiện tại, sức khỏe trẻ ổn định và bé đã được xuất viện về nhà.

Trên đây là 2 trong số hàng trăm bệnh nhân nguy kịch ở Nghệ An đã được cứu sống thông qua kết nối hỗ trợ xử trí, hội chẩn qua khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth).

Rút ngắn khoảng cách y tế giữa các địa phương

Triển khai đề án "Khám, chữa bệnh từ xa -Telehealth" giai đoạn 2020 – 2025, Sở Y tế Nghệ An đã chỉ đạo toàn ngành ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động khám, chữa bệnh. Đến nay, hầu hết các đơn vị khám, chữa bệnh (KCB) tuyến huyện kết nối Telehealth với các các bệnh viện tuyến tỉnh.

Định kỳ hàng tuần, các bệnh viện tuyến tỉnh tổ chức hội chẩn các ca bệnh điển hình đang điều trị tại tuyến huyện, để từ đó, phân tích, đánh giá, hỗ trợ cho các đơn vị tuyến dưới chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả.

Còn đối với tuyến tỉnh, việc kết nối với các bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương đã trở nên thường xuyên như: Bệnh viện HNĐK Nghệ An kết nối với Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Đa khoa TP Vinh kết nối với Bệnh viện E, Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Bệnh viện Sản nhi kết nối với Bệnh viện nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản trung ương... từ đó, nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch đã được hội chẩn, cứu sống kịp thời.

Telehealth rút ngắn khoảng cách y tế giữa các địa phương - Ảnh 3.

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An kết nối với 10 điểm cầu tư vấn, khám chữa bệnh từ xa trên địa bàn Tỉnh Nghệ An.

Tiến sĩ, BSCK II Tăng Xuân Hải, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết: Thông qua các buổi hội chẩn trực tuyến, các cán bộ, y, bác sĩ của bệnh viện đã được tư vấn, giải đáp, góp ý chuyên môn hiệu quả, thiết thực với người bệnh. Đồng thời, bệnh viện đã học hỏi nhiều kiến thức mới trong công tác khám, chữa bệnh.

Với việc tích cực tham gia vào các hoạt động chuyển đổi số trong ngành y tế, bao gồm hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa Telehealth, người bệnh điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An sẽ được thụ hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh từ các bệnh viện chuyên ngành hàng đầu trong cả nước, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, đặc biệt trong các trường hợp bệnh nặng, bệnh hiếm gặp, khó chẩn đoán và điều trị.

Để đảm bảo tính đồng bộ trong kết nối Telehealth, hiện nay Sở Y tế Nghệ An đang xây dựng Đề án trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đầu tư về cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị hiện đại kết nối Telehealth cho 5 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện HNĐK tỉnh, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Ung Bướu và Bệnh viện ĐK TP Vinh và 9 đơn vị tuyến dưới, vùng miền núi khó khăn như: Quế Phòng, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và Yên Thành.

Dược sĩ CKII Trần Minh Tuệ, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, dự kiến cuối năm nay, gói trang thiết bị Telehealth này sẽ được mua sắm và lắp đặt tại khoa cấp cứu, phòng mổ, khoa hồi sức... của 14 đơn vị, để khi có những tình huống khẩn cấp ở các tuyến, nhất là ở các huyện miền núi khó khăn, chuyên môn kỹ thuật chưa đáp ứng được sẽ được các bệnh viện tuyến tỉnh hướng dẫn cấp cứu, điều trị. Việc triển khai Telehealth sẽ giúp cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, các huyện miền núi được hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu ngay tại địa phương mình sinh sống.

Để triển khai hiệu quả chương trình Telehealth, trong thời gian tơi ngành y tế Nghệ An tiếp tục tập trung, phát triển các hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực song song với ứng dụng, phát triển kỹ thuật cao; phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác trong nước và nước ngoài thông qua các buổi hội chẩn, đào tạo từ xa, góp phần tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân khu vực nông thôn, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, khó khăn; giảm chi phí khám, chữa bệnh.

Khám chữa bệnh từ xa, chữa nhiều bệnh khó ở Khánh HòaKhám chữa bệnh từ xa, chữa nhiều bệnh khó ở Khánh Hòa

SKĐS - Thực hiện Đề án khám chữa bệnh từ xa, hội chẩn trực tuyến, tiếp nhận và chuyển giao nhiều kỹ thuật đã tạo nhiều thuận lợi cho bệnh nhân ở Khánh Hòa.


Từ Thành
Ý kiến của bạn