ThS.BS Đoàn Quốc Huy, Khoa Ngoại thận - Tiết niệu - Nam khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, các bác sĩ của khoa vừa tiến hành phẫu thuật loại bỏ một bên tinh hoàn cho bệnh nhi 7 tháng tuổi bị xoắn tinh hoàn.
Ngày 5/4, khoa tiếp nhận bệnh nhi trú tại TP Đồng Hới trong tình trạng vùng bìu chuyển đỏ, sưng. Người nhà cho biết, trước nhập viện, cháu bé thường xuyên quấy khóc, nôn mửa, sau đó lại ăn, ngủ bình thường. Sau đó khoảng 1 ngày, khi thay bỉm thấy vùng bìu sưng lên, da bìu chuyển đỏ nên đưa cháu bệnh viện.
Nhận định đây là trường hợp trẻ bị xoắn tinh hoàn, các bác sĩ tiến hành mổ khẩn cho bệnh nhi với hy vọng cứu tinh hoàn tổn thương. Với tình trạng một tinh hoàn tím đen hoại tử, các bác sĩ phải cắt bỏ, cố định lại bên tinh hoàn chưa thương tổn cho bệnh nhi này.
"Tiếp nhận và đánh giá tình hình, chúng tôi chỉ định mổ ngay. Ca mổ xuyên trưa không mang lại kết quả như mong muốn vì gia đình đưa cháu vào viện quá muộn, khi bệnh hơn 36 giờ. Chúng tôi cố định tinh hoàn không bị xoắn và dặn người thân sau này tránh cho cháu chơi các môn thể thao đối kháng, tránh nguy cơ thương tổn tinh hoàn còn lại. Đây là trường hợp trẻ bị xoắn tinh hoàn nhỏ tuổi nhất mà tôi gặp, có thể là do bất thường giải phẫu bẩm sinh", bác sĩ Huy thông tin.
Bác sĩ Huy cho biết thêm, thời gian qua, Khoa Ngoại thận – Tiết niệu - Nam khoa tiếp nhận nhiều trường hợp khác bị xoắn tinh hoàn. Không ít trường hợp được xử lý trong thời gian vàng (dưới 6 tiếng) tránh nguy cơ phải cắt bỏ tinh hoàn, đảm bảo chức năng sau điều trị. Một số trường hợp vì đến viện muộn phải cắt bỏ tinh hoàn bị thương tổn.
Mới đây, bệnh nhân 13 tuổi tới viện thăm khám khi xuất hiện tình trạng đau dữ dội vùng bìu. Sau khi đánh giá tình trạng bệnh, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị xoắn tinh hoàn và chỉ định phẫu thuật. Sau ca mổ, bệnh nhi được tháo xoắn tinh hoàn, cố định tinh hoàn tránh tình trạng xoắn trở lại.
Trước đó, ngày 8/4/2023, Khoa Ngoại thận – Tiết niệu tiếp nhận, tiến hành phẫu thuật loại bỏ một bên tinh hoàn cho nam bệnh nhân 18 tuổi bị xoắn tinh hoàn. Nam bệnh nhân này trú tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết, khoảng 3h sáng ngày 7/4, bộ phận sinh dục xuất hiện cơn đau dữ dội, sưng và tấy đỏ. Vì trước đó bệnh nhân gặp tình trạng này với nguyên nhân viêm nhiễm nên có sự chủ quan.
Sau một thời gian, tình trạng đau giảm nhưng vùng bìu của bộ phận sinh dục nam chuyển màu, bệnh nhân mới tới viện để thăm khám. Sau thăm khám, siêu âm màu, bác sĩ phát hiện tình trạng xoắn tinh hoàn nghiêm trọng. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật khẩn.
Quá trình phẫu thuật nhận thấy một bên tinh hoàn của bệnh nhân bị xoắn gây thiếu máu. Các bác sĩ tiến hành tháo xoắn, thực hiện các biện pháp nhằm phục hồi tinh hoàn bị tổn thương. Do gặp thương tổn trong thời gian dài nên tinh hoàn bị hư hại nặng, các bác sĩ phải tiến hành cắt bỏ.
"Lúc phẫu thuật thì tình trạng xoắn đã kéo dài hơn 30 tiếng. Tinh hoàn bị xoắn của bệnh nhân thương tổn không thể phục hồi nên phải cắt bỏ. Chúng tôi cũng thực hiện cố định bên tinh hoàn còn lại tránh tình trạng xoắn trong tương lai", bác sĩ Huy cho biết.
Theo bác sĩ Huy, xoắn tinh hoàn là một bệnh lý cấp cứu thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Xoắn tinh hoàn là khi dây chạy giữa tinh hoàn vào ổ bụng, chứa các mạch máu, ống dẫn tinh và dây thần kinh bị xoắn lại với nhau chặn máu đến tinh hoàn. Việc xoắn này có thể gây ra tổn thương không thể khắc phục cho tinh hoàn nếu không được điều trị trong vòng vài giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng (thường dưới 6 tiếng).
Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt là ban đêm và rạng sáng thậm chí đang ngồi trên ghế. Dấu hiệu xoắn tinh hoàn phổ biến nhất là đau đột ngột, dữ dội ở một bên bìu. Sau đó vùng bìu bị đau trở nên to hơn và màu da vùng bìu này thay đổi có thể là đỏ hoặc sẫm màu. Dấu hiệu kèm theo có thể là buồn nôn và nôn.
"Lứa tuổi bị xoắn tinh hoàn thường là trẻ tuổi dậy thì vậy nên các cháu thường có tâm lý ngại ngùng, giấu giếm. Phụ huynh cần chú ý trẻ nếu có một vài trong số những triệu chứng nói trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám. Chúng ta cũng nên bổ sung kiến thức về bệnh lý nam khoa thường gặp cho trẻ ở độ tuổi dậy thì để tránh những tình trạng đáng tiếc vì giấu bệnh, đến viện muộn", bác sĩ Huy chia sẻ.
Bản Tin Y Tế 30/3: Bé Trai 11 Tuổi Phải Cắt Bỏ Tinh Hoàn Vì Lý Do Không Ngờ | SKĐS