ThS.BS Nguyễn Duy Khánh – Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức cho biết nam thanh niên 24 tuổi, ở Lạng Sơn vào viện vì khối phồng vùng bẹn phải.
Siêu âm khối thoát vị bẹn trái kích thước lớn 4x7cm, đè ép tinh hoàn trái, thể tích tinh hoàn trái chỉ còn 3,5 ml, tinh hoàn phải đã cắt, tinh dịch đồ chỉ còn 1-2 con tinh trùng di động/1 vi trường (tinh dịch đồ của người bình thường mật độ trung bình là 15 triệu tinh trùng/1ml).
Bệnh nhân đã được mổ phục hồi thành bụng, giải phóng tạng thoát vị chèn vào tinh hoàn. Những trường hợp như vậy rất khó có con, cần được chẩn đoán và xử trí sớm để không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang - Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức: Thoát vị bẹn nên được xử trí điều trị rất sớm nhất ở nam giới bởi những chèn ép ở vùng thừng tinh sẽ làm giảm tưới máu vùng tinh hoàn, đau tức nặng vùng bìu gây khó khăn trong học tập, lao động, sinh hoạt và cũng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh.
Các bạn trẻ hiện nay thông thường ít để ý do đó thường tìm đến bệnh viện quá muộn khi tinh hoàn đã teo. Sau mổ tỷ lệ có con thấp, thông thường phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
Đối với những trường hợp đã cắt tinh hoàn một bên, chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức khuyến cáo các bạn nên bảo vệ bên tinh hoàn còn lại bằng những cách sau:
- Ko chơi thể thao môn đối kháng hoặc phải dùng đồ bảo hộ một cách cẩn thận.
- Tiêm phòng quai bị nhắc lại
- Chung thuỷ, sinh hoạt quan hệ 1 vợ 1 chồng, tránh viêm niệu đạo, viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn.
- Không rượu bia, thuốc lá, thuốc lào.
Thoát vị bẹn nghẹt là tình trạng cơ quan ở trong túi thoát vị bị đè ép, thắt nghẽn lại ở cổ túi, dẫn tới rối loạn chức năng, rối loạn tuần hoàn và cuối cùng là rối loạn tổ chức.
Thoát vị bẹn nghẹt cần phải được chẩn đoán và xử lý nhanh chóng, bởi trong khoảng 6-12 giờ, các tạng (ruột, mạc nối, buồng trứng, vòi trứng) bị nghẹt sẽ hoại tử gây viêm phúc mạc, tắc ruột, nhiễm trùng nhiễm độc, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân và nguy cơ phải cắt bỏ phần hoại tử như đoạn ruột, mạc nối, buồng trứng, tử cung...
Một số trường hợp có thể tổn thương tinh hoàn do mạch máu nuôi tinh hoàn bị chèn ép. Do đó, khi phát hiện có khối phồng bất thường vùng bẹn, bìu, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Xoắn tinh hoàn là trường hợp khẩn cấp nên phải nhanh chóng phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Nếu để lâu hơn, các tế bào tinh hoàn bị tổn thương vĩnh viễn ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc phải cắt bỏ tinh hoàn gây vô sinh.
Thời gian tốt nhất để khám phát hiện và xử lý tình trạng xoắn tinh hoàn là 6 giờ. Tinh hoàn bị xoắn kéo dài có thể gây biến chứng hoại tử phải cắt bỏ tinh hoàn.