Nhiều đề xuất để hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp

30-11-2022 15:22 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 30/11, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội thảo khoa học "Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp".

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Văn Hồi nhìn nhận, bên cạnh khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, các nguồn lực cho công tác tuyên truyền lĩnh vực này còn hạn chế; hoạt động truyền thông chưa được quan tâm đúng mức so với các lĩnh vực khác làm cho một bộ phận xã hội nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác xã hội (CTXH)…

Để đưa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu của CTXH trong lĩnh vực tư pháp trong bối cảnh mới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho các đối tượng.

Nhiều đề xuất để hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại Hội thảo.

Bộ Tư pháp, TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Công an nghiên cứu, làm rõ vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ trong từng ngành đối với vấn đề này; tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về CTXH để có hành lang pháp lý, các quy định, thông tư đầy đủ. Cần thống nhất nhận thức làm rõ nội hàm, những điểm mạnh, điểm yếu trong đánh giá tổng kết mô hình CTXH, từ đó chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng.

Tại Hội thảo, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Doãn Tiến nhấn mạnh, CTXH là nhiệm vụ chính trị quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm nhằm bảo đảm an sinh xã hội, công bằng xã hội. CTXH trong lĩnh vực tư pháp là một phần của CTXH, góp phần đa dạng hóa các lĩnh vực trợ giúp xã hội, nâng tính chuyên nghiệp của nghề CTXH và đề cao sự tôn trọng của xã hội đối với nghề CTXH, nhất là trong lĩnh vực tư pháp.

Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết: "Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội là những thay đổi về cấu trúc gia đình truyền thống, sự di cư nông thôn ra thành thị, mật độ dân số tăng ở các vùng thành thị làm nảy sinh các vấn đề xã hội phức tạp… Tình trạng gia tăng các tiêu cực xã hội, bạo lực, bạo hành, trẻ em bị xâm hại, bỏ nhà đi lang thang, tệ nạn xã hội, tội phạm đang trở thành những vấn đề xã hội nhức nhối, thậm chí có không ít những vụ án gây chấn động xã hội trong thời gian qua".

Nhiều đề xuất để hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp - Ảnh 2.

Hội thảo khoa học "Hoàn thiện chính sách, pháp luật công tác xã hội trong lĩnh vực Tư pháp diễn ra tại Hà Nội sáng 30/11.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành chức năng, nhất là Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tư pháp, Bộ Công an... đã từng bước tham mưu hoàn thiện các văn bản pháp quy về CTXH để trợ giúp các đối tượng như: Người cao tuổi, người khuyết tật, bảo vệ trẻ em, người nhiễm HIV, người nghiện ma tuý, bán dâm, bạo lực gia đình, người chưa thành niên, người nghèo, đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế.

Cùng với đó là nhiều bộ luật, luật chuyên ngàng đã được ban hành; nhiều Nghị định, Thông tư và các chương trình, Đề án liên quan đến công tác xã hội… đã tạo thành chỉnh thể, hệ thống hành lang pháp lý về CTXH.

"Có thể khẳng định hệ thống văn bản pháp luật trên đã góp phần bảo đảm thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế, giảm thiểu những rào cản trong xã hội, sự bất công và bất bình đẳng", ông Trần Doãn Tiến nhấn mạnh.

Ông Trần Doãn Tiến cũng cho rằng, về khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH chưa được quy định rõ ràng, hoàn chỉnh; nhiều văn bản pháp luật quy định về CTXH có giá trị pháp lý tương đối thấp, chủ yếu là nghị định và thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.

Ban Tổ chức Hội thảo cũng kỳ vọng kết quả quan trọng của Hội thảo là những cơ sở, tiền đề quan trọng để Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổng hợp báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành hữu quan tham khảo để có những quyết sách, định hướng thông tin tuyên truyền và bổ sung, thoàn thiện các quy định về lĩnh vực này trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe nhiều tham luận có chất lượng, đi thẳng vào vấn đề như: "Đánh giá khái quát kết quả triển khai CTXH tại Việt Nam và định hướng giai đoạn 2021-2030" của Bộ LĐ-TB&XH; "Thực trạng, chính sách, pháp luật CTXH trong lĩnh vực tư pháp" của Bộ Tư pháp; "Chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển CTXH trong lĩnh vực Tư pháp" của Viện trưởng Viện An sinh xã hội và Phát triển cộng đồng; "Hoàn thiện chính sách pháp luật về Tư pháp đối với người chưa thành niên" của TS. Nguyễn Chí Công – Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND tối cao; "Tình hình thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm bảo trợ xã hội 3 Hà Nội và những kiến nghị về chế độ, chính sách" của Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội; "Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về CTXH trong lĩnh vực Tư pháp" của đại diện UNICEF Việt Nam và tham luận "Nâng cao chất lượng truyền thông góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về CTXH" của Tổng Biên tập Tạp chí Lao động & Xã hội.
Công tác xã hội là "cánh tay nối dài" giúp bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnhCông tác xã hội là 'cánh tay nối dài' giúp bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

SKĐS - Bằng cách làm sáng tạo, đổi mới và luôn vì người bệnh, hoạt động công tác xã hội của các BV tuyến Trung ương và địa phương tại Hà Nội suốt nhiều năm qua đã đạt được nhiều thành công.


Lê Bảo
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn