Hà Nội

Công tác xã hội là 'cánh tay nối dài' giúp bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

27-11-2022 17:01 | Thời sự
google news

SKĐS - Bằng cách làm sáng tạo, đổi mới và luôn vì người bệnh, hoạt động công tác xã hội của các BV tuyến Trung ương và địa phương tại Hà Nội suốt nhiều năm qua đã đạt được nhiều thành công.

Ngành y tế đi đầu phát triển hoạt động công tác xã hội

Ngày 22/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 112/QĐ-TTg về ban hành chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 nhằm đẩy mạnh phát triển Công tác xã hội tại các ngành, các cấp phù hợp với điều kiện Phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, Các mục tiêu cụ thể từ năm 2021 đến năm 2030 được chia thành: giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026 -2030.

Trong đó, các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 đơn cử như: Đạt 60% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội, có ít nhất từ 1-2 cán bộ, công chức, viên chức thuộc chức danh chuyên trách, không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội.

Đạt cơ cấu tối thiểu 50% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở liên quan khác trong quy hoạch có cung cấp dịch vụ xã hội; Tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội năm 2025 tăng 20% với năm 2020; Có ít nhất 30% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng công tác xã hội; Bảo đảm ít nhất 85% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, bị nhiễm HIV/AIDS, là nạn nhân chất độc hóa học, khuyết tật, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp và cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Công tác xã hội là cánh tay nối dài của Bệnh viện giúp đỡ bệnh nhân vượt qua mọi khó khăn - Ảnh 1.

Dù bằng những hành động nhỏ nhất từ hoạt động công tác xã hội cũng giúp người bệnh thêm động lực để vượt qua bệnh tật.

Từ năm 2026 đến 2030 mục tiêu đạt 90% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghhiện, trại giam, trường giáo dưỡng,… có ít nhất 1-2 cán bộ, nhân viên công tác xã hội; Đạt cơ cấu tối tiểu 60% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở trong quy hoạch có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 40% số cán bộ, nhân viên và cộng tác viên xã hội; Bảo đảm ít nhất 90% trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ bị bỏ rơi, trẻ nhiễm HIV/AIDS,… được hưởng trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Hồi tháng 3/2022, phát biểu tại Lễ Kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam và triển khai Quyết định số 112/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021- 2030, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, ngành y tế là một trong những ngành đi đầu về phát triển hoạt động công tác xã hội, hoạt động công tác xã hội trong ngành y tế đã đạt những kết quả nhất định rất đáng khích lệ.

Công tác xã hội là 'cánh tay nối dài' giúp giúp bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh - Ảnh 2.

Hoạt động công tác xã hội tại BV Nam Thăng Long đã giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn.

Đến nay, 100% các bệnh viện tuyến Trung ương, trên 90% bệnh viện tuyến tỉnh, hơn 80% bệnh viện tuyến huyện có phòng hoặc tổ công tác xã hội. Tỷ lệ nhân viên chuyên trách công tác xã hội, bán chuyên trách công tác xã hội, mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội không ngừng tăng nhanh về số lượng và chất lượng.

"Đặc biệt, từ cuối năm 2019 đến nay, khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam, nhân viên công tác xã hội trong các bệnh viện đã nhanh chóng thích ứng, hoạt động tích cực, phối hợp với các đơn vị khác thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 góp phần không nhỏ trong thành công của toàn ngành như hiện nay", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Nhân viên công tác xã hội có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhân viên công tác xã hội có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh: hỗ trợ các nhóm đối tượng, khắc phục những khó khăn về xã hội để đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Nhân viên công tác xã hội là cầu nối để giải quyết các mâu thuẫn giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, giữa bệnh nhân và bệnh nhân, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

"Sự ra đời của Phòng Công tác xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển tất yếu của BV, hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện "y tế - tâm lý - xã hội", từng bước xây dựng, cải thiện và duy trì các mối quan hệ tích cực giữa nhân viên y tế với người bệnh và người nhà người bệnh nhằm nâng cao sự hài lòng và chất lượng khám chữa bệnh trong BV", ông Đào Xuân Cơ khẳng định.

Công tác xã hội là 'cánh tay nối dài' giúp giúp bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh - Ảnh 3.

Nhân viên công tác xã hội có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Mô hình công tác xã hội tại BV Nam Thăng Long (Hà Nội) thời gian qua đã và đang phát huy tốt vai trò giúp các bệnh nhân thăm khám, điều trị bệnh một cách tốt nhất. Chia sẻ với chúng tôi, đại diện Phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Nam Thăng Long nhớ lại trường hợp nam bệnh nhân (khoảng 50 tuổi) bị tai nạn giao thông trên cầu Thăng Long hồi tháng 3/2021 được xe cấp cứu chuyến đến trong tình trạng hôn mê.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã thực hiện sơ cấp cứu và chuyển sang khoa Phẫu thuật Thần kinh – Bệnh viện E để thực hiện phẫu thuật. Sau đó, bệnh nhân được chuyển quay về bệnh viện Nam Thăng Long để tiếp tục chăm sóc, điều trị.

Công tác xã hội là cánh tay nối dài của Bệnh viện giúp đỡ bệnh nhân vượt qua mọi khó khăn - Ảnh 2.

Gia đình vui mừng khi nhận lại người thân sau hơn 1 tháng tìm kiếm khắp nơi.

Đại diện Phòng Công tác xã hội nói: "Bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân và cũng không nhớ bất cứ thông tin gì về người thân, quê quán, hạn chế giao tiếp bằng ngôn ngữ nên chúng tôi đã thực hiện công tác tìm thân nhân. Do tình trạng chấn thương của bệnh nhân nặng, không thể thực hiện các hoạt động cá nhân phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc nên mọi chi phí đều được bệnh viện lo và kêu gọi từ các nguồn hỗ trợ".

Một thời gian sau, khi tình trạng chấn thương của nam bệnh nhân đã hồi phục và người thân thông qua các kênh kết nối, thông tin đã tìm thấy. Qua trao đổi, các bác sĩ được biết, nam bệnh nhân có vấn đề về ngôn ngữ, tinh thần không bình thường, từ khi mất liên lạc gia đình đã tìm kiếm rất nhiều nơi nhưng không có thông tin.

Dù gặp lại người thân trong bệnh viện nhưng gia đình đã vô cùng xúc động khi trong suốt 1 tháng đã được các bác sĩ, thầy thuốc tận tình cứu chữa giúp nam bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Nạn nhân được người thân cung cấp thông tin là ông Nguyễn Hữu Minh (sinh năm 1966, trú tại Đông Anh – Hà Nội).

Thay mặt gia đình, bác Vũ là anh rể của bệnh nhân nghẹn ngào: "Gia đình rất xúc động và xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến Bệnh viện Nam Thăng Long, các y bác sỹ khoa Chấn thương chỉnh hình, UBND phường Xuân Đỉnh vì đã hết lòng cứu chữa và kết nối tìm kiếm để cho tôi được gặp lại em tôi".

Lan toả hoạt động công tác xã hội ở vùng caoLan toả hoạt động công tác xã hội ở vùng cao

SKĐS - Hoạt động tuyên truyền, vận động ủng hộ với tinh thần tương thân tương ái trong công tác xã hội ở tỉnh vùng cao Lào Cai đang ngày càng được phát huy.


Mộc Trà
Ý kiến của bạn