Lan toả hoạt động công tác xã hội ở vùng cao

02-11-2022 15:35 | Thời sự

SKĐS - Hoạt động tuyên truyền, vận động ủng hộ với tinh thần tương thân tương ái trong công tác xã hội ở tỉnh vùng cao Lào Cai đang ngày càng được phát huy.

Công tác xã hội là nghề cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khác biệt, những người gặp khó khăn hoặc những người yếu thế trong xã hội (người nghèo, khuyết tật, người cao tuổi, nạn nhân của bạo hành gia đình...). Sứ mạng của nghề là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội, sự bất công và bất bình đẳng.

Hiện nay, cả nước có hơn 500 cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó hơn 40 trung tâm công tác xã hội chuyên sâu. Các tỉnh, thành phố đã hình thành, phát triển mạng lưới người làm công tác xã hội ở các hội, đoàn thể các cấp và cộng tác viên, góp phần trợ giúp cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

Tại Lào Cai, hoạt động công tác xã hội luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đại diện lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, phát triển nghề công tác xã hội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong năm qua, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự cố gắng phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành và địa phương, Đề án Phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn Lào Cai bước đầu đã đạt được một số kết quả.

Lan toả hoạt động công tác xã hội ở vùng cao - Ảnh 1.

Tổng đài tư vấn miễn phí của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Lào Cai hoạt động hiệu quả.

Theo đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai đã phối hợp với các đơn vị trong tỉnh tích cực tuyên truyền nhằm tôn vinh những giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và sự đóng góp của cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội tham gia giải quyết các vấn đề xã hội như công tác chăm sóc người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, công tác tuyên truyền, vận động ủng hộ, phát huy truyền thống "lá lành đùm lá rách", vai trò nòng cốt của tập thể, cá nhân người làm công tác xã hội, đặc biệt vai trò của phụ nữ trong việc thực hiện công tác xã hội.

Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng để bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của nghề công tác xã hội cho hàng nghìn cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em toàn tỉnh; thực hiện dịch vụ chi trả trợ cấp xã hội cho các đối tượng qua đơn vị cung cấp dịch vụ của Bưu điện tỉnh; thực hiện các hoạt động cứu trợ đột xuất cho nhiều đối tượng gặp khó khăn… Đến nay, nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp đối với nghề công tác xã hội đã có nhiều biến chuyển tích cực, góp phần từng bước thay đổi về nhận thức của xã hội trong công tác trợ giúp các đối tượng yếu thế.

Bà Giàng Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Lào Cai cho biết: Hiện nay, trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc trên 100 đối tượng bảo trợ xã hội (trẻ em mồ côi, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần). Để quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng tốt các đối tượng bảo trợ, các cán bộ, nhân viên đã luân phiên trực 24/24h nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối; đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho các đối tượng theo thực đơn hàng ngày… Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giới thiệu các hoạt động trọng tâm trong lĩnh vực công tác xã hội, nhất là trong việc hỗ trợ, tư vấn giải quyết cho các đối tượng cần được bảo vệ khẩn cấp.

Lan toả hoạt động công tác xã hội ở vùng cao - Ảnh 2.

Nhiều chương trình, hoạt động công tác xã hội hỗ trợ bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai.

Hằng năm, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Lào Cai cũng tổ chức nhiều buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề cho các cụ cao tuổi và các cháu đang được nuôi dưỡng chăm sóc tại Trung tâm; tổ chức thi và trao giải thưởng vẽ tranh cho các cháu với chủ đề "Lá lành đùm lá rách"; tổ chức các hoạt động biểu diễn văn nghệ, thể thao… Hỗ trợ tư vấn giải quyết các vấn đề công tác xã hội cho người dân.

Là những đơn vị làm nhiệm vụ nghề công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, Bệnh viện Sản Nhi và các bệnh viện tuyến huyện cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ trong hoạt động công tác xã hội tại bệnh viện; đồng thời, thiết lập kênh công tác xã hội của các tỉnh miền Bắc, tạo điều kiện cho các kết nối phát triển tiếp theo của công tác xã hội bệnh viện.

Công tác xã hội là hoạt động mang tính chuyên nghiệp nhằm huy động mọi nguồn lực của cả cộng đồng để giải quyết các vấn đề phát sinh, bất bình đẳng, nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và hạnh phúc của con người, vì tiến bộ, công bằng, phồn vinh của xã hội. Bởi vậy, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và của cộng đồng để nghề công tác xã hội ngày càng có ý nghĩa thiết thực, là một trong những nhân tố đóng góp an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững.

Thảo Phượng
Ý kiến của bạn