Lở loét vì đắp lá cây
Nhìn vết thương trên bắp chân đang dần lành lại, anh Nguyễn Văn Thành (Vĩnh Ngọc, Nha Trang, Khánh Hòa) chia sẻ, rất may được các y, bác sĩ xử lý kịp thời, nếu không chắc anh không đi lại được.
Cuối tháng 9, trong khi gia cố lại mái nhà, anh Thành bị một thanh sắt đâm vào bắp chân nhưng chủ quan không đến bệnh viện, ở nhà tự lấy nước muối rửa rồi hái một số lá cây (theo truyền miệng của người dân) đắp vào vết thương. Sau gần 10 ngày đắp lá cây, vết thương trên chân anh Thành sưng tấy, mưng mủ và lở loét nên được người thân đưa đến bệnh viện nạo phần thịt hoại tử, truyền kháng sinh và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Cũng như anh Thành, ông Nguyễn T. (trú TP. Nha Trang, Khánh Hòa) bị tai nạn, rách da phần bắp tay phải nhưng chỉ ở nhà đắp lá cây. Sau một thời gian, vết thương của ông T. ngày càng đau nhức. Khi đến BVĐK tỉnh Khánh Hòa khám, vết thương ông T. đã nhiễm trùng nặng, bắt đầu hoại tử, chảy dịch mùi hôi. Các bác sĩ phải cắt phần hoại tử, sử dụng các loại kháng sinh theo phác đồ điều trị cho ông T.
Ngày 28/10, BSCKII. Phạm Đình Thành- Trưởng khoa Ngoại Chấn thương-Chỉnh hình tổng quát (BVĐK tỉnh Khánh Hòa) thông tin, từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng, khoa tiếp nhận khoảng 6 - 8 trường hợp nhập viện do nhiễm trùng vết thương vì đắp lá cây. Hầu hết các trường hợp đến viện đều đã điều trị bằng lá cây một thời gian dài, chỉ khi bệnh nặng đến rất nặng mới nhập viện nên công tác cứu chữa của bác sĩ gặp nhiều khó khăn.
Điển hình như mới đây, bệnh nhân T.T.T (nữ, 71 tuổi, trú Vạn Phú, Vạn Ninh, Khánh Hòa) nhập viện trong tình trạng vùng gối, cẳng chân trái xuất hiện nhiều mảng bầm tím, sưng phù và rỉ dịch mùi hôi. Bệnh nhân T.T. cho biết, trước đó, bà đau nhức xương khớp và tự ý sử dụng lá cây không rõ loại lá gì đắp lên vùng gối, cẳng chân trái.
Vì vết thương của bệnh nhân T. hoại tử nặng nên các bác sĩ tiến hành mổ cấp cứu, cắt lọc và súc rửa từ gối đến hết cẳng chân trái cho bệnh nhân.
Bác sĩ khuyến cáo
BSCKII. Phạm Đình Thành cho biết: "Người dân đắp lá cây không rõ nguồn gốc ở vết thương dễ gây nhiều biến chứng và hậu quả khó lường, nhất là những người có sẵn bệnh mạn tính như đái tháo đường, thận. Đối với các trường hợp bị biến chứng nhẹ, nhập viện sớm, chúng tôi có thể xử lý bảo toàn được các chi cho bệnh nhân. Trường hợp nặng thì phải phẫu thuật cắt bỏ chi".
"Khi bị chấn thương hoặc có vết lở, người dân tuyệt đối không nên đắp lá cây hoặc bôi dầu nóng… vì sẽ làm nóng vùng bị tổn thương, gây chảy máu mạnh hơn, dẫn tới nguy cơ teo cứng khớp, viêm khớp, hoại tử, nặng hơn là suy đa tạng... Tốt nhất, khi bị chấn thương nên chườm lạnh, kê cao chân và đến khám ở bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Bệnh nhân hãy tỉnh táo để được bác sĩ tư vấn, điều trị tốt nhất, tránh "nghe người ta nói " để gánh hậu quả đáng tiếc", BSCKII. Phạm Đình Thành khuyến cáo.