Xoắn tinh hoàn cần được cấp cứu sớm
Xoắn tinh hoàn là hiện tượng thừng tinh bị xoắn quanh trục của nó làm tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn, do đó làm giảm hoặc mất lượng máu nuôi dưỡng đến tinh hoàn, gây sưng và đau. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn và các mô xung quanh.
Do đó, bệnh nhân cần được phẫu thuật cấp cứu trong 6 giờ đầu. Nếu để quá muộn tinh hoàn có thể bị tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc phải cắt bỏ. Xoắn tinh hoàn ở trẻ em là một cấp cứu ngoại khoa khẩn cấp, chiếm tỉ lệ khoảng 1/4000 trẻ nam, bên trái bị nhiều hơn bên phải.
Nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn được ghi nhận là:
- Do bất thường bẩm sinh tại các cấu trúc thừng tinh hoàn;
- Tinh hoàn di động gặp ở giai đoạn trẻ sau khi sinh chưa xuống bìu hoàn toàn;
- Chấn thương trong lúc tập luyện hay sinh hoạt hàng ngày;
- Những thời điểm khí hậu lạnh giá cũng có thể gây xoắn tinh hoàn.
Xoắn tinh hoàn gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường hay gặp ở lứa tuổi thiếu niên 12 - 18 tuổi và trẻ sơ sinh. Ở nam giới trẻ dưới tuổi trường thành, nhiều trường hợp tinh hoàn di động nhiều, thừng tinh dài cho nên dễ xảy ra tình trạng xoắn tinh hoàn, một số trường hợp có thể tự tháo xoắn nên thường không đi khám.
Nam giới trưởng thành đa phần màng tinh hoàn cao hơn bình thường, cùng với cấu trúc dây chằng và ở thừng tinh bất thường sẽ làm tăng nguy cơ xoắn thừng tinh hoàn. Ngoài ra, do cấu trúc bất thường trục tinh hoàn nằm ngang, nên nó có thể xoay tự do quanh thừng tinh ở phía trong màng tinh hoàn. Ở nam giới bất thường này gặp khoảng 10 - 12%. Trục xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn xoay 180 độ hay 360 độ làm ảnh hưởng tới quá trình cấp máu tới tinh hoàn. Những trường hợp xoắn không hoàn toàn thì xoay trục ít hơn và thường tự tháo xoắn và trở về trạng thái bình thường.
Triệu chứng của xoắn tinh hoàn
Triệu chứng của bệnh là đau bìu cấp hoặc đau bẹn cấp.
Bệnh nhân thấy một bên bìu sưng tấy đỏ không do chấn thương. Ngoài ra, có thể có một số triệu chứng khác như: Nôn và buồn nôn; Tiểu nhiều; Khám lâm sàng cho thấy tinh hoàn bên bị bệnh cao hơn bên đối diện; Tinh hoàn nằm ngang; Mào tinh xoay ra phía trước; Không có phản xạ da bìu.
Khi người bệnh tới sớm trong những giờ đầu, bác sĩ khám có thể sờ được mào tinh ở vị trí bất thường là mặt trước tinh hoàn, do thừng tinh xoắn làm thay đổi trục tinh hoàn. Tuy nhiên, nếu người bệnh đến muộn thì việc cấp máu sẽ bị ngừng trệ khiến thừng tinh hay tinh hoàn sưng lên nhiều, dẫn đến khó xác định được rõ mào tinh hay vị trí nút xoắn.
Khi bệnh nhân đến muộn, tình trạng xoắn kéo dài trên 8 tiếng thì có thể có biểu hiện sốt do nhiễm khuẩn.
Chẩn đoán xoắn tinh hoàn
Để chẩn đoán xoắn tinh hoàn ngoài việc khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm liên quan như: Siêu âm cho thấy tinh hoàn và mào tinh to ra, nếu ở giai đoạn sớm thì cho thấy hình ảnh bình thường, còn nếu chẩn đoán chậm sẽ thấy xuất hiện hoại tử, xuất huyết.
- Siêu âm vùng bẹn có thể thấy thừng tinh bị xoắn: Khối hình con ốc sên kích thước 11 - 13mm; Tràn dịch màng tinh hoàn.
- Siêu âm Doppler không có hoặc giảm tưới máu tinh hoàn: Độ nhạy 86%, đặc hiệu 100%, độ chính xác 97%.
Việc chẩn đoán này nhằm xác định phân biệt với các bệnh lý liên quan như:
- Viêm mào tinh hoàn – Viêm tinh hoàn: Thường chẩn đoán nhầm với xoắn tinh hoàn và dẫn tới phải cắt tinh hoàn. Bệnh nhân xuất hiện sưng đau đột ngột ở bìu kèm các triệu chứng của nhiễm trùng như sưng, nóng, đỏ.
- Xoắn phần phụ tinh hoàn: Xoắn phần phụ tinh hoàn thường gặp ở trẻ em. Triệu chứng gần giống với xoắn tinh hoàn, nhưng khám lâm sàng có thể thấy tinh hoàn không nằm treo cao bất thường.
Các nguyên nhân khác bao gồm chấn thương, thoát vị bìu, tràn dịch màng tinh hoàn, khối u tinh hoàn.
Lưu ý: Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa, cơ chế bệnh là do co cơ bìu đột ngột và dữ dội xảy ra trên bệnh nhân có dị dạng giải phẫu như màng tinh hoàn rộng, tinh hoàn di động dễ dàng như quả lắc, thừng tinh dài, dây kéo tinh hoàn dài…
Bệnh cần được điều trị phẫu thuật cấp cứu sớm, đặc biệt trong 6 giờ đầu. Nếu phát hiện và chẩn đoán chậm trễ có thể phải cắt tinh hoàn. Vì vậy, tất cả các nam giới, đặc biệt với bé trai, cha mẹ cần dặn dò các em những bất thường ở vùng bìu, bẹn, cần đi khám ngay để phát hiện, chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Các bác sĩ khoa Ngoại – Nhi, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vừa phẫu thuật cấp cứu thành công một trường hợp thiếu niên 14 tuổi bị xoắn tinh hoàn.
Bệnh nhân tên là Đặng Bảo B. (14 tuổi, thường trú ở phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên) bị xoắn tinh hoàn. Bác sĩ cho biết nếu không được cấp cứu kịp thời, tinh hoàn của người bệnh có thể phải cắt bỏ, gây nhiều hệ lụy sau này.
Trước khi nhập viện, em B. do bị đau nhiều ở vùng bìu nên gia đình đưa B vào cấp cứu. Ban đầu do ngại, B. chỉ nói với gia đình bị đau bụng. Tuy nhiên, qua thăm khám các bác sĩ khoa Ngoại - Nhi phát hiện B. đau nhiều ở vùng bìu, chẩn đoán ban đầu B. mắc phải hội chứng bìu cấp, nghi là xoắn tinh hoàn. Ngay lập tức em B. được chỉ định mổ cấp cứu để cứu tinh hoàn.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã thực hiện tháo xoắn tinh hoàn bên phải đã bị xoắn tím đen và phong bế bó mạch tinh. Ngay sau đó tinh hoàn đã hồng hào trở lại và được bảo tồn. Hiện sau phẫu thuật 5 ngày, người bệnh sức khỏe ổn định và đã được xuất viện.