Chị Trần Thị Đ. - mẹ cháu K.C. cho biết: "Tôi thấy ngực cháu bị lõm ngực nhẹ từ khi cháu được 5 tuổi. Khi đó gia đình có đưa con đi khám tại cơ sở y tế gần nhà, được bác sĩ thông báo chưa cần can thiệp, để theo dõi thêm. Nhưng khi con bước vào tuổi dậy thì, tôi thấy vùng lõm ở ngực con ngày càng rõ hơn. Mỗi khi con vận động mạnh, chạy nhảy kêu khó thở và đau ngực.
Lo lắng cho sức khỏe của cháu, tôi đưa con tới BV Sản Nhi Bắc Giang thăm khám, bác sĩ chẩn đoán con bị bệnh lõm xương ức bẩm sinh và có chỉ định phẫu thuật".
Khôi phục vùng ngực dị dạng cho bệnh nhi bằng kỹ thuật NUSS cải tiến
Tại BV Sản Nhi Bắc Giang, bác sĩ thăm khám lâm sàng thấy lồng ngực cháu K.C. mất cân đối trước sau, xương ức lõm tụt về phía sau gây mất thẩm mỹ. Cùng với kết quả chụp X-Quang ngực thẳng và chụp cắt lớp vi tính CT ngực (chỉ số Haller 4,2), góc xương ức mở nhẹ sang trái ép sát mặt trước tim, bác sĩ Khoa Ngoại - BV Sản Nhi Bắc Giang hội chẩn cùng các chuyên gia Khoa Ngoại Lồng ngực - BV Nhi Trung ương, thống nhất chẩn đoán bé K.C. bị lõm ngực bẩm sinh mức độ nặng và quyết định thực hiện phương pháp phẫu thuật nội soi đặt thanh nâng xương ức (phẫu thuật Nuss).
Bác sĩ tiến hành gây mê nội khí quản cho trẻ và giảm đau trong phẫu thuật, phẫu thuật bằng gây tê ngoài màng cứng (phương pháp giảm đau tối ưu nhất giúp trẻ giảm đau trong vòng 3 ngày đầu sau mổ, không ảnh hưởng tới hoạt động của cơ hô hấp). So với phương pháp phẫu thuật truyền thống Ravitch phải mổ mở để cắt xương ức và lớp sụn sườn bất thường của 2 bên, để lại vết sẹo lớn gây mất thẩm mỹ và khiến bệnh nhi rất đau đớn, phẫu thuật Nuss là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, vết mổ mang tính thẩm mỹ hơn, hạn chế chảy máu, giảm đau nên sức khỏe bệnh nhi phục hồi nhanh hơn sau phẫu thuật, từ đó rút ngắn thời gian điều trị hậu phẫu tại BV để đảm bảo sức khỏe của trẻ.
Sau khi đặt thanh nâng ngực, dị dạng vùng ngực bé K.C. được khắc phục hoàn toàn. 3 ngày sau phẫu thuật, sức khỏe của bé tiến triển tốt và được xuất viện sau 10 ngày điều trị ổn định tại BV.
Ca phẫu thuật nội soi điều trị lõm xương ức tại BV Sản Nhi Bắc Giang
Khi nào gia đình nên đưa trẻ đi khám bệnh lõm ngực bẩm sinh?
Các bậc phụ huynh quan sát thấy ngực trẻ lép, mỏng, vùng lồng ngực chính giữa 2 núm vú lõm sâu xuống. Ở một số thể bệnh phức tạp, diện lõm này có thể mở rộng, lệch sang trái hoặc phải. Ngoài ra, quan sát từ phía sau có thể thấy đốt sống ngực của trẻ không thẳng, có xu hướng cong vẹo hoặc gù gập.
Trẻ bị lõm ngực bẩm sinh còn có các triệu chứng hô hấp và tim mạch như: trẻ có hơi thở ngắn, nặng nề, đau ngực, đánh trống ngực; không tham gia được các hoạt động gắng sức. Trong giai đoạn tuổi dậy thì, bệnh lõm ngực bẩm sinh ảnh hưởng đến tâm lý, khiến các em tự ti về ngoại hình, khó hòa nhập các hoạt động tập thể và hạn chế giao tiếp xã hội.
Vì vậy, các bậc phụ huynh khi thấy trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ bệnh lõm ngực bẩm sinh nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phẫu thuật bệnh lõm xương ức như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang để được xử trí kịp thời, giúp trẻ lấy lại sự tự tin và đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Bệnh lõm xương ức (hay lõm ngực bẩm sinh) là tình trạng xương ức và các xương sườn bị biến dạng bất thường và lõm về phía sau. Bệnh thường biểu hiện rõ trong lứa tuổi dậy thì. Không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ, khiến trẻ thiếu tự tin mà tùy theo mức độ, lõm xương ức có thể ảnh hưởng tới tuần hoàn, hô hấp, khiến trẻ hạn chế vận động thể lực, chậm phát triển thể chất và thậm chí chèn ép tim gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.