Nhận 'nhiệm vụ - nhận tiền hoa hồng' trên mạng mất tiền tỷ

28-10-2022 16:19 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau khi "con mồi" đồng ý tham gia làm cộng tác viên, đối tượng từng bước dẫn dắt, mời chào, đánh vào tâm lý ham của, mất cảnh giác để lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng của nạn nhân.

Mất tiền tỷ do "làm nhiệm vụ - nhận tiền hoa hồng" trên mạng - Ảnh 1.

Bẫy tuyển cộng tác viên bùng nổ sau khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Ảnh chụp màn hình


Mất hơn 7 tỷ đồng "làm nhiệm vụ" trên mạng

Anh T.V.C. (trú tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) vừa trình báo với Công an tỉnh Nghệ An về việc bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng thông qua việc "làm nhiệm vụ - nhận tiền hoa hồng" trên mạng. 

Theo trình bày của anh C., ít ngày trước anh nhận được lời mời tham gia cộng tác viên cho một sàn thương mại điện tử để nhận tiền "hoa hồng". Anh được đưa vào nhóm chat có 3 người. Trong đó, một người giới thiệu đã làm việc được 2 tuần, còn một người tên Hương mới vào làm.

Theo hướng dẫn của trưởng nhóm, nhiệm vụ đầu tiên của anh C. là mua 1 đơn hàng trị giá 50.000 đồng và 1 đơn hàng trị giá 450.000 đồng. Khi hoàn thành mua 2 đơn hàng trị giá 500.000 đồng, khoảng 10 phút sau anh C. được nhận về tài khoản ngân hàng của mình 650.000 đồng (tiền "hoa hồng" 150.000 đồng).

Hoàn thành nhiệm vụ thứ nhất, nhóm của anh C. được hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thứ 2. Ở nhiệm vụ này, số tiền phải chuyển khoản cho mặt hàng chỉ định là 1.100.000 đồng, đơn thứ 2 là 5.999.000 đồng. Thời gian thực hiện nhiệm vụ là 10 phút, hoàn thành 2 đơn thì sẽ nhận về cả tiền gốc lẫn tiền chi "hoa hồng". Tuy nhiên, 1 trong 3 người làm chậm nên cả nhóm phải làm bù đơn hàng trị giá 25.999.000 đồng. Vì anh C. và người tên Hương không hoàn thành được, xin bảo lưu nên người còn lại hoàn thành đúng tiến độ, được thanh toán toàn bộ tiền gốc và tiền "hoa hồng".

"Vì xin bảo lưu nên người hướng dẫn nói tôi và bạn Hương kia cần phải làm thêm một nhiệm vụ nữa mới chi trả thù lao và số tiền gốc. 

Sau khi hoàn thành đơn hàng 79.999.000 đồng tôi không được thanh toán các khoản tiền như họ hướng dẫn. 

Tôi hỏi thì được trả lời do chưa trở thành cộng tác viên VIP. Họ bảo tôi phải nâng VIP mới được hoàn trả lại số tiền 199.999.000 đồng", anh C. thuật lại.

Anh C. được gửi một bản cam kết, ghi rõ sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền trên khi anh và bạn trong nhóm tên Hương hoàn thành nhiệm vụ. "Vì nhiệm vụ khó nên họ cho thêm chúng tôi 2 tiếng để thực hiện. Khoảng 17h ngày 15/10, người tên Hương hoàn thành nhiệm vụ. 

Thấy hai người kia đều rút được tiền gốc và "hoa hồng" nên tôi cũng cố gắng để lấy lại tiền", anh C. trình bày.

Lần này cũng như lần trước, anh C. không thấy tiền được chuyển về tài khoản. Người hướng dẫn thông báo đơn hàng của anh C. bị rò rỉ, phải xác minh lại. 

Để xác nhận đúng là lô hàng đã chốt, theo hướng dẫn anh C. phải nạp vào đúng số tiền anh sẽ nhận về khi hoàn thành nhiệm vụ.

Trong thời gian ngắn không gom được số tiền lớn như thế thì anh C. được người hướng dẫn báo lại sẽ hỗ trợ. 

Đến tối cùng ngày, anh C. nhận cuộc điện thoại từ người hướng dẫn. Người này thông báo mới có được 300 triệu đồng và nhờ anh C. giúp để đẩy nhanh việc cần xác minh đó là lô hàng.

Theo đó, anh C. phải chuyển vào tài khoản chỉ định 70 triệu đồng. Số còn lại người hướng dẫn sẽ nộp. Anh C. chuyển 70 triệu đồng và nhận được thông báo chờ hệ thống trả lại tiền và "hoa hồng" trong vòng 7 - 10 phút. Đang hồi hộp đợi nhận lại khoản tiền lớn thì anh C. thấy toàn bộ tin nhắn trò chuyện bị xóa sạch và bị đẩy ra khỏi nhóm. Báo lên nhóm quản lý, anh C. tiếp tục nhận được trả lời sẽ kiểm tra, xác minh lại.

Đến 10 giờ ngày 16/10, anh C. nhận được tin báo từ quản lý, "người kia" đã ôm tiền của anh bỏ trốn, hệ thống chưa nhận được số tiền 199.999.000 đồng. Do anh C. chưa hoàn thành nhiệm vụ nên không thể nhận được số tiền 383.300.000 đồng, bao gồm tiền gốc và tiền "hoa hồng". Anh C. được hứa là công ty sẽ cứu, đồng ý giải ngân số tiền trên với điều kiện anh phải chuyển vào tài khoản chỉ định bằng đúng số tiền được nhận. 

Nếu không nộp, công ty sẽ đóng băng tài khoản của anh C., đồng nghĩa mất trắng số tiền anh đã nộp vào.

Muốn gỡ số tiền đã nộp, anh C. đồng ý chuyển tiền và tiếp tục bước vào ma trận "hướng dẫn chốt đơn - chuyển khoản - gặp sự cố về đơn hàng - tiếp tục chuyển khoản để gỡ gạc". Càng thực hiện, anh C. lâm vào hoảng loạn, mất kiểm soát.

Không chỉ rút hết 1 tỷ đồng tiền tiết kiệm từ hồi đi làm việc ở nước ngoài, anh C. còn mượn anh em bạn bè, vay nóng số tiền 6 tỷ đồng để chốt đơn. 

Đến khi sực tỉnh, anh C. đã mất trắng số tiền hơn 7 tỷ đồng. Khi đó, người hướng dẫn, quản lý nhóm, lẫn các bạn chốt đơn cùng nhóm đều biến mất không để lại dấu vết.

Chiêu trò không mới, nhiều người vẫn sập bẫy

Sau khi chia sẻ câu chuyện của anh C. trên trang Facebook, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Nghệ An) cho biết, đơn vị nhận được rất nhiều tin nhắn của người dân trình báo họ hoặc người thân bị lừa với thủ đoạn tương tự. Số tiền bị mất từ hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng.

Mất tiền tỷ do "làm nhiệm vụ - nhận tiền hoa hồng" trên mạng - Ảnh 2.

Một bài đăng giả danh Shopee để lừa đảo. Ảnh chụp màn hình

Theo tìm hiểu của phóng viên, chiêu lừa này rộ lên từ vài năm nay, kể từ sau khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, nhu cầu tìm việc online tăng cao. 

Nắm bắt xu thế đó, kẻ xấu đã giăng bẫy tràn lan trên mạng xã hội. Thủ đoạn chính mà đối tượng thường sử dụng là mạo danh nhân viên của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki…, đăng tải thông tin quảng cáo trên internet, mạng xã hội để mời gọi, lôi kéo người dùng tham gia với những ưu đãi hấp dẫn.

Sau khi đồng ý tham gia làm cộng tác viên, đối tượng từng bước dẫn dắt, mời chào, câu mớm gây dựng lòng tin, đánh vào tâm lý ham của, làm mất ý thức đề phòng, cảnh giác của nạn nhân. 

Đáng chú ý, "mồi nhử" mà các đối tượng đưa ra thường rất hấp dẫn, như: Với mỗi đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10-20%... tiền sẽ được chuyển khoản ngược về sau 5 – 10 phút khi đặt hàng thành công (bao gồm cả tiền gốc và hoa hồng); để tạo lòng tin, các đối tượng sẽ cung cấp đường link trên hệ thống Shopee, Lazada, Tiki… của một sản phẩm khoảng 1-2 triệu đồng và tài khoản ngân hàng cá nhân do đối tượng cung cấp để nạn nhân chuyển khoản với số tiền tương ứng với giá trị trên hệ thống. Ngay sau đó những kẻ lừa đảo sẽ chuyển khoản ngược lại cho nạn nhân như đã thỏa thuận.

Khi nạn nhân "cắn câu" chuyển số tiền lên đến vài chục triệu thì những kẻ lừa đảo không chuyển khoản ngược lại nữa và đưa ra nhiều lý do khác nhau như: Nhiệm vụ hoàn thành được 95/100 điểm tín nhiệm, cần tiếp tục chuyển tiền để hoàn thành 100 điểm và nhiều người tiếp tục chuyển tiền và bị lừa với số tiền lớn. Việc truy vết, xác định, xử lý vụ việc này thường gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp.

Để tránh bị lừa, Công an tỉnh Nghệ An khuyến cáo người dân cần tỉnh táo khi đọc các bài đăng tuyển việc làm trên mạng xã hội. Không cài đặt những ứng dụng không rõ nguồn gốc, truy cập vào website lạ, tên miền không rõ ràng.

Hầu hết các ứng dụng, website này có giao diện rất xấu và nhiều lỗi chính tả. Hãy có trách nhiệm với đồng tiền của chính mình, suy nghĩ kỹ trước khi chuyển tiền cho ai đó. Tuyên truyền cho người thân, bạn bè để phòng tránh…

Nhiều người "sập bẫy" lừa đảo trên mạng vì nhẹ dạ, cả tinNhiều người 'sập bẫy' lừa đảo trên mạng vì nhẹ dạ, cả tin

SKĐS - Các cơ quan chức năng đã cảnh báo, tuyên truyền nhiều về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo trên mạng. Thế nhưng nhiều người dân vẫn bị mắc bẫy, mất hàng tỷ đồng.


Khánh Tâm - Hùng Tiến
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn