Người phụ nữ gần 10 năm 'bỏ quên' dằm đũa trong tai

17-10-2023 18:03 | Y tế

SKĐS - Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM vừa lấy được dị vật là dằm đũa dài 2,5cm trong tai bệnh nhân. Được biết, dị vật này đã bị "bỏ quên" suốt gần 10 năm qua trong tai bệnh nhân sau một tai nạn.

Đầu tháng 10/2023, bệnh nhân nữ T.N.H.T. (42 tuổi) đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM khám trong tình trạng tai trái sưng, đau và nhiều mủ, thính lực không ghi nhận. Bệnh nhân được chỉ định chụp CT-scan và nghi ngờ có khối dị vật trong tai. Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết, gần 10 năm trước, trong quá trình đi giao cơm, bệnh nhân bị té xe và bị 1 chiếc đũa đâm vào tai. Bệnh nhân sau đó được đưa đến bệnh viện tuyến tỉnh để lấy dị vật ra.

Tại đây, người bệnh được khuyến cáo nghi ngờ vẫn còn dị vật trong tai và phải thực hiện thêm một ca mổ khác để lấy dị vật còn sót nhưng bệnh nhân không đồng ý. Từ đó đến nay, người này liên tục bị viêm tai, đau nhức nên đi khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM đã thực hiện phẫu thuật lấy phần dị vật là dằm chiếc đũa dài 2,5 cm ra khỏi tai bệnh nhân.

Hiện tại, thính lực bệnh nhân vẫn chưa cải thiện nhiều, cần tiếp tục chỉnh hình xương con để giúp bệnh nhân lấy lại thính lực.

Người phụ nữ gần 10 năm 'bỏ quên' dằm đũa trong tai - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM thăm khám lại cho bệnh nhân chiều 17/10. Ảnh: Kim Vân

BS.CKII Nguyễn Đức Phú - Phó trưởng khoa Tai - Tai thần kinh, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho hay, dị vật ngay ở tai cũng nguy hiểm tính mạng. Dị vật của bệnh nhân T. đã đâm vào tai làm thủng màng nhĩ, phá hủy xương và cơ quan lân cận, có thể lên màng não, tĩnh mạch, thần kinh, tiên lượng nguy hiểm.

Về vấn đề làm sao để phát hiện ra dị vật ở tai, TS.BS.CKII Nguyễn Thanh Vinh - Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, triệu chứng chung là đau tai hoặc là chảy mủ tai kéo dài, điều trị nội khoa không giảm. Nếu dị vật để lâu, để quên trong tai sẽ ảnh hưởng đến các chức năng khác như: chức năng nghe kém đi, bệnh nhân có cảm giác buồn, nghẹt nghẹt trong tai hoặc là ảnh hưởng đến cơ quan tiền đình (cơ quan giữ thăng bằng) khiến bệnh nhân bị rối loạn tiền đình, chóng mặt...

Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận nhiều ca dị vật ở tai, chủ yếu là ở trẻ em. Trường hợp bệnh nhân T. trên là ca dị vật bỏ quên ở tai lâu nhất tại đơn vị này. Các bác sĩ cảnh báo, khi có dấu hiệu nghi ngờ dị vật đi vào cơ thể, người dân cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và lấy dị vật ngay lập tức, tránh để lại các biến chứng nặng, thậm chí, nguy hiểm đến tính mạng.

Liên tiếp có trẻ nhỏ nhập viện vì hóc dị vật đường thở, chuyên gia cảnh báo nguy hiểmLiên tiếp có trẻ nhỏ nhập viện vì hóc dị vật đường thở, chuyên gia cảnh báo nguy hiểm

SKĐS - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết tại đây đã liên tục tiếp nhận những ca hóc dị vật ở nhiều độ tuổi khác nhau, gây hẹp hoặc tắc nghẽn đường thở, dẫn đến tình trạng nguy kịch ở trẻ.


Vân Kim
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn