Liên tiếp cấp cứu trẻ nuốt dị vật đường tiêu hoá

22-09-2023 15:09 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, thời gian gần đây đã tiếp nhận, cấp cứu 3 trường hợp trẻ nuốt phải dị vật là: đinh vít, vật sắc nhọn và cục nam châm.

Liên tiếp cấp cứu trẻ nuốt dị vật đường tiêu hóa - Ảnh 1.

Dị vật đinh nhọn được gắp ra của bé Đ.T.H. Ảnh: BVCC

Cụ thể, ngày 12/9, bé Đ.T.H (2 tuổi, Hà Tĩnh) được gia đình đem đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu sau khi nuốt phải dị vật. Tại đây, các bác sĩ tiến hành cho bệnh nhi chụp X-quang và phát hiện 2 chiếc đinh vít nhọn dài 2cm nằm trong dạ dày của bé.

Với tính chất sắc nhọn, nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, 2 dị vật có thể gây tổn thương hệ tiêu hóa, gây áp xe, thậm chí đâm thủng dạ dày của trẻ. Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành nội soi gắp thành công dị vật ra khỏi bụng bệnh nhi. Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi H đã được xuất viện.

Tiếp đó, ngày 18/9, khoa Tiêu hóa tiếp nhận trường hợp bé P.Q.H (5 tuổi, Hà Tĩnh) trong lúc chơi đùa đã nuốt một vật kim loại sắc nhọn. Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết và chụp Xquang cho thấy có dị vật dài 5cm nằm bên trái ổ bụng.

Bác sĩ khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Sản nhi Nghệ An đã chỉ định phương pháp nội soi để gắp dị vật ra khỏi đường tiêu hóa của trẻ.

Sức khỏe của bé P.Q.H hồi phục tốt sau khi được nội soi gắp dị vật dài 5cm ra khỏi đường tiêu hóa. Ảnh: BVCC

Và mới đây, Khoa tiêu hóa tiếp nhận và điều trị bé V.T.N (2 tuổi, Hà Tĩnh) nuốt phải cục nam châm đồ chơi. Qua khai thác bệnh sử, người nhà bé N. cho biết, trước khi nhập viện 2 tuần, N. không may nuốt dị vật, nhưng không khó thở, không tím tái, không đau ngực. Gia đình đã theo dõi tại nhà với hy vọng trẻ có thể đại tiện ra dị vật.

Tuy nhiên, sau thời gian dài chờ đợi không có kết quả, gia đình đã đưa bé N. đi tái khám và phát hiện vẫn còn dị vật mắc kẹt trong đường tiêu hóa. Gia đình đã quyết định cho trẻ nhập viện để các bác sĩ nội soi kiểm tra, gắp dị vật.

Liên tiếp cấp cứu trẻ nuốt dị vật đường tiêu hóa - Ảnh 3.

Hình ảnh pin nam châm trong quá trình nội soi gắp dị vật cho bé V.T.N. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Trần Thị Hợi - Khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Trong lúc nô đùa, việc trẻ hiếu động và tự nhặt đồ vật như nam châm, đinh vít, pin,... cho vào miệng là điều không thể tránh khỏi. Sự hiểu biết của trẻ về mối nguy hiểm của những đồ vật trên là chưa có, vì vậy bố mẹ và người thân cần cẩn thận và chú ý trong quá trình chăm sóc trẻ.

Các dị vật đi vào đường thở hoặc đường tiêu hóa sẽ vô cùng nguy hiểm, có nguy cơ gây tắc ruột, hoại tử hoặc nặng hơn là thủng ruột. Khi bố mẹ phát hiện những bất thường, trẻ nuốt phải dị vật, cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để lại các hậu quả đáng tiếc.

Liên tiếp có trẻ nhỏ nhập viện vì hóc dị vật đường thở, chuyên gia cảnh báo nguy hiểmLiên tiếp có trẻ nhỏ nhập viện vì hóc dị vật đường thở, chuyên gia cảnh báo nguy hiểm

SKĐS - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết tại đây đã liên tục tiếp nhận những ca hóc dị vật ở nhiều độ tuổi khác nhau, gây hẹp hoặc tắc nghẽn đường thở, dẫn đến tình trạng nguy kịch ở trẻ.


Khánh Tâm
Ý kiến của bạn