Người 'gieo chữ' cho những mảnh đời đặc biệt

17-11-2022 16:18 | Nhịp cầu Nhân ái

SKĐS - Trải qua không ít sóng gió với 5 năm trong nghề, thế nhưng, khi nói về công việc hiện tại, cô giáo Phùng Thị Nguyệt vẫn quả quyết: "Nếu một lần nữa cuộc sống cho tôi lựa chọn, tôi vẫn chọn mái trường này để “gieo chữ”…".

Cô Phùng Thị Nguyệt (SN 1991) là một trong những cán bộ trẻ nhất của Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn chân chất độc màu da cam/dioxin TP Hà Nội. Công việc của cô hàng ngày tại Trung tâm là dạy chữ và dạy nghề cho các nạn nhân chất độc màu da cam tại đây.

Năm 2017, cô sinh viên tên Nguyệt tốt nghiệp chuyên ngành mầm non của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương với bao nhiêu ấp ủ dự định cho tương lai phía trước.

Như một cơ duyên, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng & Điều trị nạn nhân không may bị nhiễm chất độc màu da cam là điểm dừng chân của cô.

Người “gieo chữ” cho những mảnh đời đặc biêt. (Video: Tuấn Tuấn)

Vào Trung tâm lúc tuổi còn khá trẻ, thời gian đầu khi mới tiếp xúc với với những nạn nhân đang được chăm sóc, điều trị tại đây, những cử chỉ ngô nghê, hành vi có hơi "kỳ quái" của họ khiến cô vừa xót xa, thương cảm nhưng cũng dấy lên nỗi lo lắng. Liệu mình có bị bệnh nhân tấn công không? Trong môi trường thế này có bám trụ được lâu dài không? Ý định xin nghỉ việc đã đôi lúc xuất hiện, nhưng rồi bình tĩnh suy xét nếu rời đi thì những con người này phải làm sao, cô lại tiếp tục bám trụ.

"Tuy có vấn đề về trí tuệ nhưng không phải là họ không biết gì, trái lại có nhiều trường hợp ham học, rất thông minh, ngày nào cũng mong ngóng lên lớp để được cô giao các bài toán khó, để tâm sự với cô về những câu chuyện đã trải qua và nỗi nhớ gia đình da diết của mình…", cô Nguyệt kể.

Người “gieo chữ” cho những mảnh đời đặc biêt - Ảnh 2.

Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt hướng dẫn từng nét vẽ cho cậu "học trò đặc biệt" tại trung tâm.

Cũng giống như các lớp học bình thường khác, lớp học của cô Nguyệt được tổ chức vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6, trong 116 nạn nhân đang điều trị tại Trung tâm thì chỉ có khoảng 17-20 "bạn" lên lớp thường xuyên.

Điều đặc biệt của lớp học này là học sinh của cô có đủ các lứa tuổi từ trẻ đến già. Có những người đáng tuổi cha anh nhưng mới bắt đầu được tập viết tập tô, tập nhận biết các con số, chữ cái. Cũng có những người đã từng học cấp 2, cấp 3, thậm chí có trường hợp đã từng là giảng viên đại học, rất giỏi tiếng anh, rất thông minh, nhận biết tốt, những "học sinh" này khiến cô luôn phải vắt óc suy nghĩ những bài tập mới, những dạng toán khó để thu hút họ.

Người “gieo chữ” cho những mảnh đời đặc biêt - Ảnh 3.

Những đứa trẻ "trong hình hài người lớn", đôi lúc trông rất chững chạc, không có biểu hiện của người có bệnh về tâm thần, nhưng nhiều lúc rất trẻ con, để duy trì việc lên lớp thường xuyên, cô phải tìm đủ cách "dụ dỗ" như cho kẹo bánh, chơi trò chơi thì mới lên, nếu không sẽ ở phòng hết, cô Nguyệt tâm sự.

Họ tuy có vấn đề về nhận thức, những lúc lên cơn khó kiểm soát được hành vi, nhưng cảm xúc của họ rất thật, trong câu chuyện trên lớp giữa cô và "trò" luôn là câu chuyện về nỗi nhớ gia đình, "hôm qua cha bảo lên thăm nhưng hôm nay lại không lên, đã bảo lên rồi lại còn hủy lịch, em rất nhớ nhà". Nghe những tâm sự của họ về những công việc trước đây, những câu chuyện đã trải qua, hay nỗi nhớ người thân của họ khiến cô rất xúc động.

Ngoài công việc chính là dạy học, cô Nguyệt còn giúp các nhân viên chăm sóc bón cho các bệnh nhân liệt ăn, dạy thêm nghề may cho một số người khỏe mạnh. Để phục vụ tốt cho công việc, sau khi vào Trung tâm cô phải học thêm việc may vá, cắt khâu để dạy cho mọi người, tuy không thể may hoàn chỉnh được một cái áo, cái quần, nhưng dạy họ nhận biết một số đường may cơ bản để phục vụ việc may vá quần áo cho các nạn nhân. Ngoài ra cô còn dạy các kỹ năng sống như dạy cách đánh răng, rửa mặt, ngâm chân, kỳ chân, làm bánh… cho những "học sinh đặc biệt" tại đây.

Người “gieo chữ” cho những mảnh đời đặc biêt - Ảnh 4.

Dẫu biết rằng công việc này sẽ gặp muôn vàn khó khăn, nhưng cô giáo Phùng Thị Nguyệt (SN 1991) luôn cảm thấy vui khi nhìn thấy sự tiến bộ từng ngày của học trò.

Gần 5 năm gắn bó với những "cô, cậu học trò đặc biệt này", cô Nguyệt có vô vàn những kỷ niệm sâu sắc, đó là những đêm cuối năm thức trắng cùng bệnh nhân đón giao thừa. Cả Trung tâm chỉ còn 2,3 nạn nhân không được người thân đón về, ai nấy đều rất buồn, ngồi nghe họ tâm sự, nhìn vào ánh mắt ngây ngô chất chứa những nỗi buồn đó, cảm thương cho thân phận hẩm hiu của những con người bất hạnh này, nước mắt cô cứ thế ứa ra.

Có nạn nhân cha mẹ đã mất, chỉ còn anh trai là người thân, cứ đến những ngày cuối năm thấy mọi người được gia đình đón về cũng ra ngóng vào trông, thấy cán bộ nào cũng hỏi "có thấy người nhà của em không", chứng kiến điều đó tất cả đều rất đau lòng.

Trong quãng thời gian ở đây, chỉ duy nhất một năm người này được đón về. Năm đó, khi quay trở lại Trung tâm nạn nhân tươi tắn hẳn lên, nói cười vui vẻ, tíu tít kể với cô về những ngày được trở về nhà như một đứa trẻ.

Người “gieo chữ” cho những mảnh đời đặc biêt - Ảnh 5.

Cô giáo Phùng Thị Nguyệt bên tác phẩm đã hoàn thiện của "học trò đặc biệt".

Rồi những ngày khi dịch COVID-19 bùng phát, cô phải vào Trung tâm ở 21 ngày. Đứa con nhỏ chưa tròn tuổi phải cai sữa gấp, gọi về thấy con khóc ngằn ngặt, đứa lớn 10 tuổi vừa học online vừa dỗ dành em, khiến chị vô cùng đau đớn, chồng cũng làm ngành y nên những ngày đó công việc rất bận rộn, 3 đứa con nhỏ phải ở nhà với người giúp việc. Nỗi đau đớn về tinh thần khi chứng kiến các con nhỏ xa mẹ phải tự trông nhau hòa quện với nỗi đau thể xác khi các cơn đau tức ngực lúc sữa về khiến nước mắt chị rơi không ngừng, khi đó những lời thăm hỏi, động viên của những "cô cậu học trò" ngây ngô đã giúp chị vững tinh thần vượt qua những ngày vô cùng khó khăn đó.

Công tác trong môi trường đặc biệt, công việc có vô vàn những khó khăn vất vả. Mỗi ngày vượt quãng đường hơn 30km từ nhà đến "lớp", rời nhà lúc tờ mờ sáng, về nhà lúc đã tối muộn, lại bận 3 con nhỏ thế nhưng với cô những khó khăn đó không là gì. Chỉ cần bản thân luôn khỏe mạnh, ngày ngày được đến lớp với những người học trò "ngây ngô" nghe họ kể những câu chuyện vụn vặt như hôm qua đã biết tự xúc ăn hết bát cơm, đêm ngủ ngoan không quấy phá, hay người nhà lên thăm mang cho nhiều quà bánh… như thế với cô đã là hạnh phúc rồi.

"Những câu chuyện vu vơ không đầu không cuối, có sức hấp dẫn lạ kỳ, giúp mình quên hết những nỗi lo, áp lực cuộc sống", cô Nguyệt tâm sự.

Người “gieo chữ” cho những mảnh đời đặc biêt - Ảnh 6.

Cô giáo Phùng Thị Nguyệt xúc động nhận tấm thiệp từ những người "học trò đặc biệt".

5 năm công tác tại đây, chưa từng được một bông hoa hay lời chúc mừng ngày 20/11 từ các học trò đặc biệt. Tuy nhiên năm nay, cô giáo Nguyệt và những người thầy nơi đây vô cùng xúc động và thực sự bất ngờ khi nhận được những bức tranh mà chính các bạn học sinh nhiễm chất độc màu da cam đã tự tay tô màu và viết lên dòng chữ "Tặng cô nhân ngày 20/11", đây thực sự là niềm vui vô cùng lớn.

Bởi để có được những thành quả đạt được trên cả mong đợi như học sinh biết cách chào hỏi lễ phép, có thể tô hoàn thiện một bức tranh hay viết lên những dòng chữ thể hiện cảm nghĩ của mình… là muôn vàn sự khó khăn, nỗ lực và vô cùng khéo léo trong công việc của các thầy cô giáo nơi đây, trong đó không thể không kể đến công sức của cô giáo Nguyệt.

Khi được hỏi rằng, có lúc nào cô cảm thấy chán nản trong môi trường dạy học này không, cô mỉm cười "Được chăm sóc những đứa trẻ của các anh hùng có công với cách mạng đó là niềm vinh dự và tự hào đối với tôi".

Người “gieo chữ” cho những mảnh đời đặc biêt - Ảnh 7.

Bước chân ra về, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn chân chất độc màu da cam/dioxin TP Hà Nội mờ xa dần sau những rặng cây, chúng tôi cảm thấy ấm lòng khi nghĩ về những thầy cô giáo và những "học trò đặc biệt" đáng yêu nơi đây.

Chuyện nghề của người phụ nữ luôn được hỏi 'Có sợ không?'Chuyện nghề của người phụ nữ luôn được hỏi "Có sợ không?"

SKĐS - Có lẽ số phận đã sắp đặt nghiệp của chị phải gắn với những con người đặc biệt này, nên chị vẫn tiếp tục bám trụ tại đây...

Tuấn Anh - Ngọc Anh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn