Còn sức tôi sẽ tiếp tục làm thiện nguyện…

31-10-2022 15:42 | Nhịp cầu Nhân ái

SKĐS - Bằng cái nghề học được, không chỉ khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, trong đợt dịch COVID-19, lương y, BSCKII. Trần Ngọc Quế đã cùng Hội Đông y tỉnh Quảng Bình ngày đêm bào chế thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19; đã cấp phát, hỗ trợ thuốc miễn phí với tổng số tiền trị giá lên tới 13 tỷ đồng…

Bào chế ngày đêm lấy thuốc phát miễn phí

Khi dịch COVID-19 ập đến, hằng ngày nghe tivi rồi chứng kiến dịch bệnh đã cướp đi mạng sống của nhiều người… Lương y - Bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Quế (Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Quảng Bình) đã luôn trăn trở, làm thế nào để giúp được người dân? Làm sao để có thuốc hỗ trợ điều trị cho người bệnh?...

Biết bao câu hỏi, bao suy tư cứ đeo bám lấy con người ông. Thế rồi, sau một hồi loay hoay tìm tòi, ông đã cùng với tập thể cán bộ văn phòng của Hội, nghiên cứu bào chế thành công bài thuốc Ngân Kiều Tán (Theo công văn 1306 của Bộ Y tế ngày 17 tháng 3 năm 2020 của Bộ Y tế về tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-Cov-2 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền).

Thuốc được sản xuất dưới dạng thuốc sắc đóng túi, dùng rất tiện lợi (và sau này còn sản xuất thêm dưới dạng viên hoàn…), hỗ trợ miễn phí cho các cơ sở y tế và người bệnh để hỗ trợ điều trị COVID -19. Ông cho biết, bài thuốc rất hữu ích cho người bệnh ở giai đoạn khởi phát. Nghĩa là bệnh ở thời kỳ đầu phong hàn xâm phạm vào bì mao và phế vệ, với các triệu chứng: Phát sốt, sợ gió lạnh, hắt hơi, ngạt mũi, khát không nhiều, ho ít đàm, hoặc đàm khó khạc, mạch phù sác…

Còn sức tôi sẽ tiếp tục làm thiện nguyện… - Ảnh 1.

Mỗi khi sản xuất xong thuốc là xe lại lăn bánh.

Còn sức tôi sẽ tiếp tục làm thiện nguyện… - Ảnh 2.

Còn sức tôi sẽ tiếp tục làm thiện nguyện… - Ảnh 3.

Thuốc được đưa đi hỗ trợ miễn phí cho các cơ sở

Suốt 8 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 2/2022), Hội Đông y Quảng Bình đã bào chế được 130.000 túi thuốc Ngân Kiều Tán (tương đương 13.000 liều), đưa đi hỗ trợ miễn phí cho hơn 20 tỉnh thành và hơn 50 đơn vị để hỗ trợ điều trị COVID-19 (riêng tỉnh Quảng Bình hơn 40.000 túi thuốc), với tổng giá trị lên đến hơn 13 tỷ đồng. Trong đó, sự hỗ trợ không hoàn lại bằng thuốc là 10 tỷ của phòng chẩn trị YHCT Trần Ngọc Quế (phòng khám YHCT của cá nhân ông).

Cứ mỗi lần sản xuất xong một mẻ là xe lại lăn bánh. Nhiều cơ sở y tế đã đánh giá hiệu quả điều trị của thuốc cho thấy, thuốc có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị, giúp người bệnh mau hồi phục…

Thuốc được đưa đi, bệnh nhân dùng thuốc hồi phục dần... Những hồi âm như thế khiến ông như được tiếp thêm động lực để ông tiếp tục cống hiến. Cứ đi, mệt lại nghỉ giữa đường... Nhiều người gọi ông với cái tên thân mật là 'Ông Quế chống COVID'.

Chuyến đi thiện nguyện 'đặc biệt'

Còn sức tôi sẽ tiếp tục làm thiện nguyện… - Ảnh 4.

Chiếc xe lăn bánh suốt 29 tiếng đồng hồ, kịp thời mang thuốc đến cho người bệnh tại TP. Hồ Chí Minh trong đợt dịch COVID-19 cao điểm.

BS Trần Ngọc Quế vẫn nhớ như in chuyến đi tặng thuốc điều trị COVID-19 vào thời kỳ dịch căng thẳng nhất tại TP. Hồ Chí Minh. Lúc ấy, tại đây, không khí im lặng đau thương đến nghẹt thở. Ngoài đường chỉ có xe y tế, xe cảnh sát, và xe quân đội… lưu hành. Đoàn có 3 người thì mới chỉ có 1 lái xe được tiêm chủng mũi 1, còn 02 người chưa tiêm trong đó có tôi, thực tình cũng sợ nhiễm COVID-19 lắm, nhưng vì người bệnh mà chúng tôi quên đi cái sợ, và không có cách nào khác, ba anh em chúng tôi tự bảo vệ mình và cùng nhau Nam tiến, BS Quế chia sẻ.

19h ngày 27/7/2021, Hội đã chuẩn bị xong 7.500 túi thuốc (750 liều) Ngân kiều tán. BS Trần Ngọc Quế là người chịu trách nhiệm chính lên xe tải cùng với 02 lái xe. Theo yêu cầu xe chạy càng nhanh càng tốt những lại phải đảm bảo an toàn. Hai tài xế phải thay nhau lái. Thời điểm đó kiểm dịch trên đường rất chặt, xe phải trình diện tới hơn 300 chốt kiểm dịch dọc đường đi.

Trên đường đi, dù rất vất vả, quán xá trên đường không bán, ba anh em chỉ có ăn lương khô và nước lọc mang đi sẵn, nhưng với tinh thần quyết tâm đưa thuốc tới người bệnh, nên mọi khó khăn đều không làm đoàn chùn bước.

Sau gần 30 tiếng đồng hồ chạy liền, xe đến phường Đa Kao- Quận I, TP Hồ Chí Minh lúc 0 h 10 phút ngày 29/7/2021. Ba anh em lại phải chờ đến 4h sáng để giao thuốc cho Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nhưng do chống dịch Sở không có xe, bằng mọi quan hệ, tôi đã nhờ được người bạn ở Sài Gòn huy động 10 xe bán tải, nhận thuốc chở vào các bệnh viện theo yêu cầu của Sở Y tế, BS Trần Ngọc Quế nhớ lại.

Thường xuyên khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo

Kể từ khi thành lập phòng khám Y học cổ truyền (năm 2001), BS Trần Ngọc Quế thường xuyên tổ chức khám từ thiện cho người nghèo, gia đình chính sách trong địa bàn.

Còn sức tôi sẽ tiếp tục làm thiện nguyện… - Ảnh 5.

Còn sức tôi sẽ tiếp tục làm thiện nguyện… - Ảnh 6.

Khám bệnh miễn phí tại phòng khám

Còn sức tôi sẽ tiếp tục làm thiện nguyện… - Ảnh 7.

Còn sức tôi sẽ tiếp tục làm thiện nguyện… - Ảnh 8.

Khám - cấp thuốc miễn phí cho người bệnh.

Còn sức tôi sẽ tiếp tục làm thiện nguyện… - Ảnh 9.

Khám bệnh miễn phí tại nhà dân

Còn sức tôi sẽ tiếp tục làm thiện nguyện… - Ảnh 10.

Khám từ thiện và phát thuốc miễn phí tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Hằng năm, ông đều tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí 1-2 đợt cho người già, neo đơn, hội người cao tuổi tỉnh Quảng Bình; người nghèo, các gia đình chính sách trong và ngoài tỉnh.

Thông qua Facebook, Zalo cá nhân và nhờ người quen, anh em, bạn bè giới thiệu, người bệnh cứ đến đúng ngày đó là sẽ được khám và cấp thuốc miễn phí; chủ yếu là các mặt bệnh phong tê thấp, thần kinh, xương khớp, suy nhược cơ thể…, BS Trần Ngọc Quế cho biết.

Với tấm lòng thiện nguyện, không chỉ giúp người bằng nghề, phòng khám của ông còn tham gia tặng quần áo và các vật dụng cần thiết như gạo, mì tôm, nước uống, quần áo… cho người dân vùng lũ lụt, các xã nghèo của miền núi.

Còn sức tôi sẽ tiếp tục làm thiện nguyện… - Ảnh 11.

Tặng quà, tiền cho người dân sau lũ

Còn sức tôi sẽ tiếp tục làm thiện nguyện… - Ảnh 12.

Còn sức tôi sẽ tiếp tục làm thiện nguyện… - Ảnh 13.

Tặng lương thực cho bà con vùng lũ

Nhớ lại trận lũ lụt lịch sử năm 2020, một số xã bị lũ lụt nặng của tỉnh Quảng Bình như: Xã Hiền Ninh, Xuân Ninh, Xuân Thủy… của huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, người dân chìm trong biển nước, thiếu ăn, thiếu mặc… Ngoài ủng hộ thuốc chữa bệnh, phòng khám của BS Trần Ngọc Quế còn huy động các mạnh thường quân đã tặng 30.000 bộ quần áo tới người dân, tặng 2 tấn gạo, mua tặng thùng nhựa cao cấp loại 180 lít cho bà con, tặng máy phát điện và thuê người vận hành máy phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn… với tổng giá trị lên đến 1,5 tỷ đồng.

Còn sức tôi sẽ tiếp tục làm thiện nguyện… - Ảnh 14.

Tặng máy phát điện để phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ…

Đặc biệt từ 10/2020 đến tháng 2/2021, bước chân của ông đã không ngừng nghỉ với rất nhiều chuyến từ thiện, cấp thuốc miễn phí hỗ trợ trị COVID-19 tới các địa điểm trong và ngoài tỉnh.

Được sự ủng hộ động viên của vợ và các con, nên ông càng có thêm động lực…

Duy trì quan điểm 'Nam dược trị nam nhân', cứ có thời gian lại đi tìm cây thuốc

Với quan điểm dùng thuốc nam trị bệnh, thời gian đầu cũng rất vất vả, bởi người dân chưa quen dùng thuốc nam, và thậm chí còn coi thường thuốc nam… Tuy nhiên mưa dầm thấm lâu, ông vẫn kiên trì với quan điểm này, tư vấn cho người dân và bằng hiệu quả điều trị, người dân đã ngày càng tin dùng thuốc nam nhiều hơn.

BS Trần Ngọc Quế cho biết, thuốc nam là cây thuốc có mặt trên đất nước Việt Nam, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, dinh dưỡng, khí hậu của nước ta… có tác dụng chữa bệnh rất tốt: 'Thiên nhân hợp nhất". Đặc biệt ở Quảng Bình có đầy đủ các loại cây thuốc nam để trị bệnh, rất hiệu quả trong điều trị các bệnh như: Đau dây thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, hen suyễn, viêm dạ dày- tá tràng…

Ở Quảng Bình còn có nhiều loại sâm rừng quý như: Cây sâm bổ béo, sâm đất, sâm trường sinh, sâm cau… Do đó, nếu biết cách khai thác, nuôi trồng hợp lý sẽ không sợ thiếu thuốc.

Còn sức tôi sẽ tiếp tục làm thiện nguyện… - Ảnh 15.

Còn sức tôi sẽ tiếp tục làm thiện nguyện… - Ảnh 16.

Những lúc rảnh rỗi ông lại lên rừng đi tìm cây thuốc.

Những lúc rảnh rỗi, ông lại lên rừng tìm cây thuốc. Chuẩn bị cho chuyến đi là lương khô, dao, dựa, la bàn, các loại thuốc xịt muỗi, côn trùng... Đường đi từ Đồng Hới vào rừng Trường Sơn khoảng 185 km, rồi lại đi bộ từ 7-20 km để vào rừng, nhưng với niềm đam mê cây thuốc, không chỉ khai thác, ông còn phân lập được bản đồ cây thuốc ở huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình): Các loại cây thuốc, sản lượng, mật độ, chủng loại, phân bố trên địa bàn… và sắp tới ông sẽ hướng tới lập bản đồ phân bố cây thuốc ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Trạch và Tuyên Hóa…

Để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, không chỉ học về y học cổ truyền, ông còn học cả về cấp cứu hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, sau này ông còn học cả chuyên khoa phục hồi chức năng, vật lý trị liệu… Ông cho biết, được ông bà truyền lại nghề làm thuốc, mình theo nghề nhưng cần phải học hỏi nhiều. Nếu kết hợp được giữa y học hiện đại với y học cổ truyền thì việc chẩn đoán và điều trị sẽ mang lại hiệu quả cao hơn… Do đó, ông đã học không ngừng nghỉ, cứ có cơ hội là ông lại học. Và bằng kiến thức của mình ông sẽ lại phục vụ được người bệnh nhiều hơn… Ông cho biết, vẫn sẽ tiếp tục với công việc thiện nguyện khi bản thân còn có thể.

Mời độc giả xem thêm video:

Truyền thông sốt xuất huyết

Thủy Xuân
Ý kiến của bạn