Người đưa tộc người Đan Lai ra thế giới bên ngoài

30-10-2023 18:10 | Xã hội
google news

SKĐS - Ông La Văn Linh – Bí thư chi bộ bản Cò Phạt (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An) là một trong những người tiên phong "mở đường" cho tộc người Đan Lai nhỏ bé vốn quen sống biệt lập giữa chốn sơn cùng thủy tận, đi ra thế giới bên ngoài.

Từng mang tiếng "bán con"

Dẫn chúng tôi vào ngôi nhà mới xây nổi lên giữa những ngôi nhà tranh tre nứa lá của bản Cò Phạt, ông La Văn Linh - Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt cười vui: "Có được cơ ngơi này mà tôi mang tiếng "bán con" đó. Tôi phải cố xây nhà thật khang trang để bà con dân bản nhìn vào thấy có dám "bán con" mới đổi thay được số phận của mình".

Người đưa tộc người Đan Lai ra thế giới bên ngoài- Ảnh 1.

Ông La Văn Linh kể về chuyện “bán con” để thay đổi bản làng.

Là cán bộ chủ chốt của bản, ông Linh được ra ngoài xã, huyện nhiều. Mỗi lần rời bản ra tiếp xúc với công việc, với nhiều người thuộc các dân tộc anh em, ông Linh như được thức tỉnh trước cái mới đang hiện hữu mỗi ngày.

Ông Linh nói: "Chỉ có đi ra khỏi bản để lao động, làm việc mới mong thay đổi được bản làng. Nghĩ thế nên năm 2015, tôi là người tiên phong đưa con gái La Thị Sài (SN 1987) đi xuất khẩu lao động tại Arab Saudi. Ngày đó, việc làm này khiến cả bản kinh ngạc. Họ truyền tai nhau: Ông Linh bán con rồi".

Nghe vậy, một số cơ quan chức năng vào Cò Phạt gặp ông Linh để tìm hiểu thực hư. Cũng có người nghi hoặc, thậm chí có người nghĩ, một cán bộ, Đảng viên như ông Linh cho con gái đi xuất khẩu lao động là việc làm táo bạo. Bởi lẽ, thời điểm đó dân bản Cò Phạt đã có ai dám đưa con ra ngoài bản sinh sống. "Biết vậy, tôi nói ngay, cán bộ cứ xuống phòng Lao động và thương binh hỏi sẽ rõ", ông Linh kể.

Người đưa tộc người Đan Lai ra thế giới bên ngoài- Ảnh 2.

Trong nhà ông La Văn Linh – Bí thư chi bộ bản Cò Phạt đã có tivi, tủ lạnh, máy giặt...

Năm 2017, cả bản lại xôn xao: "Con gái ông Linh về rồi, về thật rồi". Khi đó, chị Sài (con ông Linh) cầm những cái kẹo dúi vào tay trẻ nhỏ, tặng chị em xóm giềng những bộ quần áo. Việc làm tình nghĩa khiến dân bản ngậm ngùi. Từ thực tế đó, nhiều người nhận ra rằng: "Có đi ra khỏi bản làm kinh tế mới mong xóa cái đói, giảm cái nghèo được".

Sau bước đi của con gái, ông Linh tiếp tục đăng kí cho con trai La Văn Thái (SN 1993) đi Malaysia. Rồi hai người con gái út đi vào miền Nam làm nhân công may mặc, lắp ráp điện tử của các công ty. Ông Linh nói: "Chúng làm trong đó giờ có gia đình cả rồi đấy. Chính lớp trẻ này đã phá bỏ hủ tục hôn nhân cận huyết do trước đây quanh năm sống co cụm trong rừng nên anh em lớn lên chỉ biết lấy nhau vì không biết lấy ai. Chúng lấy chồng xa, tôi đồng ý hết miễn là chúng hiểu nhau, yêu thương nhau".

Học theo ông Linh, giờ trong bản Cò Phạt đã có thêm bốn người con của các ông La Văn Kiệm, La Văn Đoàn, La Văn Phú đi lao động ở Arab Saudi. Riêng nam nữ thanh niên bản Cò Phạt đi làm nhân công các công ty ở phía Nam thì không kể hết.

Tiếng trống trường giữa đại ngàn

Rời trung tâm bản Cò Phạt, chúng tôi đi thêm 30 phút đến nhóm Khe Lẻ, một trong bốn nhóm cư dân nhỏ của bản này. Đây là nhóm bản đầu tiên của tộc người Đan Lai đang sinh sống giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát.

Người đưa tộc người Đan Lai ra thế giới bên ngoài- Ảnh 3.

Lớp mầm non ở bản Cò Phạt giữa rừng thẳm nhưng rất khang trang.

Hỏi nhà của trưởng nhóm Khe Lẻ, một phụ nữ lớn tuổi chỉ tay về phía trước: "Nhà ông La Văn Hồng phía trước đấy. Nhà có mái tôn xanh còn mới đó". Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến trước cổng ngôi nhà mới dựng còn thơm mùi gỗ.

Lúc này, ông Hồng đang vất vả lùa đàn bò ra khỏi sân. Thấy khách, ông lộ vẻ ân cần rồi bộc bạch: "Mới có tiền dựng được nhà thôi. Cổng mới chỉ rào bằng tre nên con bò nó vào dẫm nát hết rau. Khi nào có thêm tiền ta sẽ làm cổng xây để bò khỏi vào".

Đứng bên lối ngõ, ông Hồng tiếp tục câu chuyện. Ông cho hay, giờ người dân Đan Lai ở Khe Lẻ đã biết cày ruộng, cấy lúa, trồng rau, chăn nuôi giỏi lắm rồi, không vào rừng săn bắn, hái lượm như trước nữa. Các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cắm bản cũng chăm chút dạy cái chữ cho các cháu, không để cái bản ta mù chữ nữa.

Chúng tôi đang mường tượng về sự thay đổi đáng khích lệ này thì ông Hồng dẫn vào nhà. Ông ngồi khoanh đôi chân lấm bụi lên chiếc chiếu cũ kể: "Ngày xưa, đêm tối không một ánh đèn, dân bản lo sợ thú rừng tấn công nên quen kiểu ngủ ngồi bên bếp lửa. Hễ nghe tiếng động của con thú là tháo chạy thoát thân. Do quá sợ, có người còn trèo lên ngủ trên cành cây. Giờ thì nhà nào cũng có giường, chiếu, chăn màn như đồng bào các dân tộc khác. Riêng nhà tôi có đến 2 cái giường bằng gỗ".

Người đưa tộc người Đan Lai ra thế giới bên ngoài- Ảnh 4.

Trong nhà ông La Văn Hồng đã có 2 chiếc giường cùng đầy đủ chăn màn.

Sau chuyện ngủ ngồi, ông Hồng nhắc đến một tập tục vô cùng lạc hậu khác. Đó là chuyện đẻ ngồi. Khi đẻ, người phụ nữ ngồi bệt xuống nền nhà, hai tay cầm chặt hai sợi dây rừng buộc chặt trên xà nhà, thả xuống. Đẻ xong, người bố bế đứa trẻ sơ sinh ra nhúng xuống suối. Sở dĩ có tập tục kì lạ đó là họ nghĩ, đứa trẻ nào chịu đựng được cái lạnh bất thường của sông suối ngay từ lúc mới sinh thì về sau sẽ rất khỏe mạnh, không sợ bệnh tật.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Hồng cười xòa: "Chuyện đó giờ không còn nữa. Kết quả đó là nhờ cán bộ dân số, y tế và bộ đội biên phòng đến tuyên truyền thường xuyên. Riêng chị em có thai đều được cán bộ y tế tiêm phòng, tư vấn thăm khám thai cẩn thận. Đến ngày gần sinh thì được đưa xuống Trạm Y tế xã để sinh đẻ cho mẹ tròn, con vuông. Nhiều nhà có điều kiện còn ra hẳn Trung tâm Y tế huyện đấy".

Người đưa tộc người Đan Lai ra thế giới bên ngoài- Ảnh 5.

Lớp học của học sinh lớp 5 điểm trường Cò Phạt.

Ông Hồng đang vui kể bỗng tiếng trống trường vang vọng giữa rừng sâu, núi thẳm. Ông nghiêng tai lắng nghe tiếng trống, tự hào: "Tiếng trống của điểm trường Cò Phạt gọi học sinh đến lớp đó. Điểm trường có 60 em từ cấp mầm non đến lớp 5. Có 1 thầy và 5 cô giáo".

Theo tiếng trống, từng tốp học sinh ùa vào lớp ê a đánh vần. Cảnh tượng đã quen rồi nhưng vẫn khiến ông Hồng bùi ngùi: "Bản làng tiếp tục đổi mới là nhờ những lứa học sinh này đây. Biết tiếng Kinh, biết cái chữ, đặc biệt là lớn lên biết đi ra với thế giới bên ngoài, mang kiến thức về xây dựng bản làng. Bộ mặt của bản làng nhờ đó sẽ khởi sắc bền lâu".

Đan Lai là một nhóm người nhỏ. Hiện bộ tộc này chỉ khoảng hơn 3.000 người. Người Đan Lai sinh sống chủ yếu giữa đại ngàn có độ cao 1.200 m so với mặt nước biển ở thượng nguồn Khe Khặng sinh sống tại các bản Cò Phạt, bản Búng thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Nhằm bảo tồn phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Đan Lai, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án: "Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát". Đề án đặt mục tiêu 146 gia đình tộc người Đan Lai ở hai bản Búng và Cò Phạt sẽ được di dời ra khỏi rừng sâu.

Năm 2007, 42 hộ dân đầu tiên đã được ra khỏi rừng, đến nơi ở mới ở xã Thạch Ngàn (huyện Con Cuông), cách chỗ ở cũ khoảng 60 km. Người dân được xây nhà, cấp ruộng nước, đất rừng và được trợ cấp gạo ăn trong 1 năm.

Năm 2019, 35 hộ tiếp theo đã được định cư ở bản Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn. 30 hộ còn lại ở lại bản Cò Phạt nhưng sẽ được đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm… để làm điểm du lịch sinh thái.

Người dân tộc Giáy đưa bài thuốc gia truyền phục vụ sức khỏe cộng đồngNgười dân tộc Giáy đưa bài thuốc gia truyền phục vụ sức khỏe cộng đồng

SKĐS - Với những kiến thức của cha ông để lại và niềm đam mê với dược liệu, ông Mạnh - một người con dân tộc Giáy đã phát triển bài thuốc cao lá gan để vừa phục vụ sức khỏe cộng đồng vừa giúp bảo tồn vùng dược liệu quý ở Tây Bắc.

Dự báo thời tiết hôm nay 30/10: Triều cường gây ngập ở Đồng Nai, Quảng Ngãi ưng phó mưa bão | SKĐS



V. Đồng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn