Hà Nội

Nghệ An: Nỗ lực cải thiện sức khỏe cho người dân tộc thiểu số

26-10-2023 11:09 | Xã hội
google news

SKĐS - Để người dân tộc thiểu số trên địa bàn Nghệ An hiểu rõ về vấn đề sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, các viên chức, cộng tác viên dân số không quản khó khăn "đi từng ngõ, gõ từng nhà", gặp ở đâu tuyên truyền ở đó để người dân tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại.

Đặc biệt là việc phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh.

Công tác sàng lọc ngày càng được quan tâm

Chị Trần Thị Nhung, viên chức dân số Trạm y tế thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, dù là trạm ở trung tâm huyện tuy nhiên có nhiều khối bản đường xá rất khó khăn như khối Hồng Phong, Thái Phong, bản Bon… Bởi vậy, việc tuyên truyền, tư vấn cho người dân có vất vả nhưng không vì thế mà mọi người lơ là khi có hơn 95% là người dân tộc thiểu số.

Nghệ An: Nỗ lực cải thiện sức khỏe cho người dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Viên chức dân số Trạm Y tế thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong (Nghệ An) tư vấn về các vấn đề SKSS-KHHGĐ cho người dân trên địa bàn.

Để người dân trên địa bàn nhận thức cũng như tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, viên chức, cộng tác viên (CTV) dân số đã không quản ngại khó khăn "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để nói chuyện, tuyên truyền. Đồng thời, Trạm nắm rất rõ về số chị em đang trong độ tuổi lấy chồng, mang bầu để vạch rõ thời gian đến tuyên truyền, vận động về các chính sách dân số cũng như tầm quan trọng trong việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh…

Hơn nữa, Trạm cũng lồng ghép, phối hợp với các ban ngành, khối xóm, trưởng bản để đẩy mạnh công tác truyền thông về dân số trong các cuộc họp của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… Đây là những hoạt động rất bổ ích để chính các chính sách dân số "ngấm" sâu vào người dân. Từ đó từng bước giảm mức sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, nâng cao chất lượng dân số trong thời kỳ mới.

Ngoài các hoạt động trên, viên chức, CTV dân số trên địa bàn thị trấn Kim Sơn cũng tranh thủ mọi thời gian, mọi lúc để "đứng" lại nói chuyện với người dân. Chị Nhung nhấn mạnh: "Đây là cách làm rất hiệu quả để mọi người biết nhiều hơn về chăm sóc sức khỏe bản thân".

Nghệ An: Nỗ lực cải thiện sức khỏe cho người dân tộc thiểu số- Ảnh 2.

Chị Trần Thị Nhung, viên chức dân số Trạm y tế thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong (Nghệ An) tư vấn cho chị Vi Thị Linh có con bị thiếu men G6PD.

Nói thêm về cách làm này, chị Hà Thị Xuyến (CTV dân số khối Thái Phong 2) nói: "Trên đường đi làm nhưng khi thấy nhóm bà con đang ngồi nói chuyện, chúng tôi cũng chạy vào tham gia để tranh thủ tư vấn thêm về các chính sách dân số, sức khỏe cho bà con. Đặc biệt, khi thấy chị em đang mang bầu, mọi người dừng xe gặp ngay để tư vấn. Bởi, những chị em mang bầu trên này cứ nghĩ đi siêu âm là được khám thai, là an toàn, cứ thế là sinh con chứ chưa hề biết về việc sáng lọc sau sinh để em bé sinh ra có thể trạng tốt nhất".

Chính những cách làm này mà người dân ở huyện vùng cao ngày càng có thêm kiến thức về sức khỏe cũng như sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Điển hình như trường hợp vợ chồng chị Vi Thị Linh (SN 1997, trú khối Thái Phong, thị trấn Kim Sơn) cho em bé mới sinh lấy máu gót chân để thực hiện sàng lọc tầm soát một số bệnh lý di truyền, rối loạn chuyển hóa ở trẻ. Việc này, giúp vợ chồng chị phát hiện được bé bị thiếu mem G6PD. Nhận kết quả, vợ chồng chị rất lo lắng nhưng được sự tư vấn của bác sĩ cũng như viên chức dân số của Trạm y tế thì vợ chồng chị vững tin hơn khi biết việc tầm soát sớm, phát hiện sớm có ý nghĩa lớn trong việc hạn chế khởi phát bệnh và phòng ngừa các biến chứng của bệnh.

Nghệ An: Nỗ lực cải thiện sức khỏe cho người dân tộc thiểu số- Ảnh 3.

Nhân viên ở Trạm Y tế thị trấn Kim Sơn chia sẻ về việc chăm sóc con trẻ cho người dân trên địa bàn.

Không chỉ ở huyện biên giới Quế Phong, Kỳ Sơn cũng có nhiều cách làm về việc tuyên truyền chính sách Dân số - KHHGĐ để nâng cao chất lượng dân số. Điều này được chứng minh ở xã Tây Sơn (Kỳ Sơn), nơi có 100% đồng bào Mông sinh sống với tổng số 6 bản và hơn 300 hộ gia đình. Cộng đồng người Mông thường sinh sống trên những đỉnh núi cao và tách biệt với cộng đồng dân tộc khác, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, địa hình cách trở nên việc tiếp nhận thông tin có phần hạn chế.

Để công tác tuyên truyền có hiệu quả, Ban Dân số xã Tây Sơn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để lồng ghép và đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đặc biệt, phối hợp với các chi hội phụ nữ thành lập CLB Không sinh con thứ 3, tổ chức các buổi truyền thông về sức khỏe sinh sản, sinh hoạt định kỳ nhằm trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức và quan niệm của các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ. Nhờ vậy, tỷ lệ sinh con thứ 3 đang có xu hướng giảm, người trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai chiếm hơn 83% cũng như mọi người rất quan tâm đến việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh.

Chính sách mới đến được với đồng bào dân tộc

Ông Nguyễn Bá Tân, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Nghệ An cho biết, với những nỗ lực của ngành dân số trong thời gian qua, công tác sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh ngày càng được người dân quan tâm. Việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh rất quan trọng để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh. Qua đó, giúp trẻ em sinh ra phát triển bình thường, tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Nghệ An: Nỗ lực cải thiện sức khỏe cho người dân tộc thiểu số- Ảnh 4.

Lấy máu gót chân để sớm phát hiện bệnh ở trẻ nhỏ.

Từ năm 2018 đến 2022, Đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh được triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn thuộc 21 huyện, thành, thị trong toàn tỉnh. Hiện, công tác sàng lọc ngày càng được đẩy mạnh. Rõ nhất là ngành dân số đã tổ chức 60 cuộc truyền thông về các nội dung nâng cao chất lượng dân số, sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho hơn 15.000 đối tượng là người dân trên địa bàn.

Tổ chức nhiều lớp đào tạo nâng cao kỹ năng truyền thông và xã hội hóa sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho 760 viên chức dân số cấp huyện, xã. Tập huấn kỹ năng truyền thông cho 255 cộng tác viên mới thay thế về công tác tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Nói chuyện chuyên đề cho gần 300 cán bộ là lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, lãnh đạo cộng đồng giới thiệu ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh, định hướng sự tham gia của các tổ chức và cộng đồng trong chương trình. Trong hơn 5 năm qua đã tầm soát trước sinh cho 134.849 ca, đạt tỷ lệ 75% và sơ sinh hơn 11.756 ca, đạt tỷ lệ 17%.

Nghệ An: Nỗ lực cải thiện sức khỏe cho người dân tộc thiểu số- Ảnh 5.

Bác sĩ tại Trung tâm sàng lọc,chuẩn đoán trước sinh, sơ sinh (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) tư vấn cho hai vợ chồng người dân tộc Mông có thai nhi bất thường.

Không chỉ công tác sàng lọc trước sinh, sơ sinh, ngành dân số đã tổ chức nhiều buổi truyền thông lồng ghép chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi với hàng ngàn cụ tham gia. Đặc biệt, là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức được 8 cuộc thi "Người cao tuổi Sống vui - Sống khỏe" tại nhiều huyện, thành thị. Đây là dấu ấn đậm nét nhất góp phần nâng cao hiểu biết cho cán bộ và nhân dân về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến người cao tuổi.

Nghệ An: Nỗ lực cải thiện sức khỏe cho người dân tộc thiểu số- Ảnh 6.

Truyền thông lồng ghép chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nghệ An: Nỗ lực cải thiện sức khỏe cho người dân tộc thiểu số- Ảnh 7.

Truyền thông lồng ghép chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi với hàng ngàn cụ tham gia tại Nghệ An.

Đồng thời thể hiện trách nhiệm của cá nhân, gia đình và xã hội trong việc cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần nhằm góp phần phát huy và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Ông Tân cho biết thêm, với nội dung 2 trong dự án 7 của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 thì thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa các chương trình cho cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh, phòng chống hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, phòng chống bệnh tan máu bẩm sinh, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi… Đồng thời, phối hợp với các cấp ban ngành để người dân vùng dân tộc thiểu số từng bước được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từng bước nâng cao chất lượng dân số ở vùng đồng bào dân tộc.

Chương trình MTQG 1719 góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú ThọChương trình MTQG 1719 góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Thọ

SKĐS - Tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch chỉ đạo hướng dẫn tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS&MN.




V. Đồng - H. Trinh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn