Vườn quốc gia Pù Mát- 20 năm xây dựng và phát triển

19-12-2016 08:41 | Thời sự

SKĐS - Vườn quốc gia Pù Mát hiện là Vườn quốc gia có diện tích và độ che phủ cao nhất cả nước (hơn 98%).

Kết quả đạt được trong 20 năm qua

VQG Pù Mát hiện là VQG có diện tích và độ che phủ cao nhất cả nước (hơn 98%). Có được thành tích ấy, phải nói ngay rằng, nhờ có sự lồng ghép của Dự án Lâm nghiệp xã hội và BTTN tỉnh Nghệ An (SFNC) giai đoạn 1997 - 2004 nên cư dân vùng đệm và VQG Pù Mát đã nhận được sự tập trung đầu tư sâu rộng từ dự án này. Trong đó các hoạt động đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, tham quan mô hình cho các đối tượng trong vùng đệm; Xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị VQG, các chương trình điều tra, nghiên cứu khoa học, hoạt động tuyên truyền giáo dục môi trường để nâng cao nhận thức của người dân; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực tuần tra cho cán bộ quản lý và Kiểm lâm viên của Vườn; nâng cao năng lực tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức các hoạt động tham quan học tập kinh nghiệm...

Có thể nói chính nhờ hiệu quả của các chương trình hoạt động của dự án SFNC mà đời sống người dân trong vùng lõi và vùng đệm của VQG Pù Mát đã được cải thiện, nâng cao thu nhập, nhiều hộ đã làm giàu từ các mô hình phát triển kinh tế vườn rừng. Sức ép chặt phá rừng đã giảm rõ rệt, người dân đã có nhiều hoạt động hỗ trợ lực lượng Kiểm lâm cùng thực hiện bảo vệ rừng.

Công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch cũng đã được chú trọng thực hiện làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm. Hiện tại, việc quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững VQG Pù Mát giai đoạn 2013-2020 đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt; Ngoài quy hoạch chung, căn cứ vào kế hoạch chiến lược quốc gia và thực tế hiện trạng quần thể động thực vật quý hiếm của Vườn, đơn vị cũng đã tiến hành quy hoạch và tổ chức thực hiện các khu vực bảo tồn đặc biệt đối với một số loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu như Sao La, Vượn đen má trắng, Hổ, Voi, Sa mu dầu….

Công tác quản lý bảo vệ 94.715,4 ha rừng và đất rừng suốt thời gian qua đạt kết quả tốt. Đường ranh giới giữa vùng lõi và vùng đệm được cắm mốc đầy đủ làm cơ sở cho việc xác định các vụ vi phạm lâm luật để tiến hành xử lý. Toàn bộ vùng lõi được phân chia thành các tiểu khu và giao cho từng kiểm lâm viên tổ chức quản lý, bảo vệ nhờ đó đã nâng cao hiệu quả công tác của lực lượng KL. Việc khuyến khích người dân tham gia bảo vệ rừng cũng được Vườn quan tâm thực hiện như việc khoán bảo vệ gần 30.000 ha rừng cho gần 1000 hộ gia đinh sinh sống giáp ranh để có thêm thu nhập và hỗ trợ cho hoạt động của kiểm lâm; hỗ trợ phát triển cộng đồng thôn bản để người dân có ý thức hơn, gắn kết hơn với VQG trong việc quản lý bảo vệ rừng. Hiện tại, toàn bộ lâm phần quản lý đã cơ bản chấm dứt được tất cả các điểm nóng khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã. Trong 20 năm thành lập, toàn lâm phần quản lý đã để xẩy ra 6 vụ cháy rừng, với diện tích gần 6ha.

Trong 20 năm qua, Vườn đã tự thực hiện và hợp tác với các đơn vị, các tổ chức khác như Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Khoa học lâm nghiệp, Viện dược liệu, Trường đại học Vinh, Trường đại học Lâm nghiệp, Trường đại học Nông lâm Huế, Trung tâm tài nguyên và môi Trường đại học quốc gia Hà Nội, các trường cao đẳng, các tổ chức, các nhà khoa học trong nước và quốc tế để thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học, thu thập mẫu tiêu bản động thực vật để phục vụ nghiên cứu. Kết quả đã cơ bản hoàn thành lập danh lục các lớp động vật và các ngành thực vật hiện có. Tổ chức sưu tập và bảo quản hàng ngàn mẫu tiêu bản động thực vật làm cơ sở cho việc đào tạo, nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu quan trọng nhất phải kể đến, đó là 4 loài thú mới được ghi nhận cho thế giới ở Việt Nam thì cả 4 loài đó đều chụp được ảnh trong tự nhiên tại Pù Mát; Hai loài Hổ và Voi được ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia thì Pù Mát cũng được xác định là nơi để triển khai chương trình bảo tồn đó; trong 20 năm qua, các nhà khoa học đã công bố 2 loài thực vật mới, 2 loài lưỡng cư mới được ghi nhận tại Vườn quốc gia Pù Mát; Nhiều loài động vật quý, hiếm ưu tiên được bảo vệ của Chính phủ hiện nay vẫn có số lượng quần thể tương đối ổn định, vẫn chụp được ảnh bằng chương trình bẫy ảnh tại đây.

Nhiều khu vực trọng điểm về phân bố các loài thú quý hiếm đã được quy hoạch để làm khu vực bảo vệ đặc biệt. VQG Pù Mát đã tiến hành nhiều hoạt động có ý nghĩa như hợp tác bảo tồn liên biên giới với Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Bô-li-khăm-xay và Tổng cục Lâm nghiệp (CHDCND Lào) trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, Hợp tác với Vườn thực vật nhiệt đới Xishuangbanna – Viện Hàn lâm khoa học Trung quốc trong việc đào tạo và nghiên cứu về thực vật.

Công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường cũng đã được Vườn quan tâm thực hiện. Tiếp nối các hoạt động GDMT từ Dự án SFNC, từ năm 2004 đến nay, Vườn đã thường xuyên đổi mới các hình thức truyền đến cộng đồng dân cư và các đối tượng học sinh từ tiểu học đến THPT. Kết quả công tác đổi mới này đã được đánh giá bằng một đề tài khoa học cấp tỉnh, được hội đồng xếp loại khá. Tài liệu tuyên truyền đã được nhân rộng và chuyển giao cho các khu rừng đặc dụng khác của tỉnh Nghệ An như Pù Huống, Pù Hoạt. Ghi nhận những kết quả đó, năm 2006 Vườn vinh dự là một trong 13 đơn vị của cả nước được nhận giải thưởng Môi trường Việt Nam; năm 2008 đạt thương hiệu xanh bền vững và đơn vị văn hóa tiêu biểu xuất sắc; năm 2013 tiếp tục được nhận giải thưởng Môi trường Việt Nam; và đặc biệt, năm 2015 Vườn quốc gia Pù Mát được Bộ Tài nguyên môi trường công nhận điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015.

VQG Pù Mát hiện không chỉ được biết đến về sự phong phú và đa dạng về các loài động thực vật hoang dã, mà tại đây còn là một địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn của Nghệ An. Vườn đã và đang xúc tiến để đẩy mạnh các hoạt động đầu tư khai thác du lịch và dịch vụ tại các tuyến điểm quan trọng như: Thác Kèm, Sông Giăng, tuyến tham quan cây di sản Việt Nam trong vùng lõi của Vườn... đặc biệt, trong thời gian qua, Vườn đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Con Cuông tiếp cận đề nghị tập đoàn Mường Thanh đầu tư vào phát triển du lịch và dịch vụ tại Thác Kèm, tập đoàn đã đồng ý và có văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương.

Là người anh cả trong các khu rừng đặc dụng của tỉnh Nghệ An, trong 20 năm qua, Vườn quốc gia Pù Mát đã hoàn thành các hoạt động có ý nghĩa quan trọng cho tỉnh Nghệ An, đó là tham mưu cho UBND tỉnh để phối hợp với các nhà khoa học lập hồ sơ đề xuất thành lập Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Hồ sơ đã được hoàn thiện đúng thời gian, đảm bảo hội đủ các yếu tố cho một khu dự trữ sinh quyển, vì vậy, hồ sơ khi đề xuất đã được UNESCO chấp thuận mà không phải chỉnh sửa gì.

Trong thời gian quan, Vườn đã được vinh dự đón nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đến thăm và làm việc trên địa bàn miền Tây Nghệ An, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Trương Vĩnh Trọng, Nguyễn Mạnh Cầm, và rất nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Trong suốt 20 năm xây dựng và phát triển của mình, tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại VQG Pù Mát đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba, 02 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 15 bằng khen của các Bộ, ngành TW; 26 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh; 24 lượt cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, ngành TW; 39 Bằng khen của UBND tỉnh và của LĐLĐ tỉnh cùng hàng trăm Giấy khen khác.

Những khó khăn trong hoạt động của VQG Pù Mát

Tuy đã nỗ lực cố gắng để đạt được những kết quả như hôm nay, nhưng nhiệm vụ trước mắt của VQG Pù Mát còn rất nhiều khó khăn, đó là:

1. Cuộc sống của một bộ phận cộng đồng dân cư còn phụ thuộc vào rừng như săn bắn động vật, khai thác gỗ, các loài lâm sản phụ có giá trị…

2. Nhu cầu sử dụng động vật hoang dã, gỗ và các lâm sản khác ngày càng cao nên việc chấm dứt việc khai thác, buôn bán, sử dụng tài nguyên rừng trong Vườn quốc gia Pù Mát là điều chưa thể thực hiện được. Đặc biệt là tập quán của người địa phương trong việc làm nhà sàn bằng gỗ.

3. Địa bàn lâm phần được giao quản lý rộng, địa hình phức tạp khó khăn trong việc tuần tra, kiểm tra; phương tiện, thiết bị còn thiếu thốn, kinh phí phục vụ cho việc tuần tra rừng, kiểm tra sâu trong rừng còn quá eo hẹp và có thể nói là không có, khó khăn cho đời sống và công tác của cán bộ Kiểm lâm.

4. Kinh phí đầu tư cho các hoạt động về nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường là quá ít; không đủ lực để thực hiện các hoạt động mang tính chiến lược phát triển lâu dài của Vườn. Các hoạt động vì thế trở nên manh mún, thiếu đồng bộ, thiếu tính toàn diện, thiếu hiệu quả.

5. Tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái và các hoạt động dịch vụ hệ sinh thái là vô cùng lớn, tuy nhiên việc thu hút được nhà đầu tư đủ lớn, đủ mạnh để đầu tư một cách đồng bộ thời gian qua vẫn chưa thực hiện được.

6. Đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ làm công tác nghiên cứu còn hạn chế về năng lực, thiếu các chương trình nghiên cứu mang tính chiến lược phục vụ cho việc ứng dụng để phát triển các giá trị từ nguồn gen hoang dã.

Định hướng các nhiệm vụ trong thời gian tới

Hai mươi năm chưa phải là dài để có thể làm được nhiều việc, xây dựng đơn vị lớn mạnh và thu hút được nhiều hơn khách đến tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, hai mươi năm cũng không phải là ngắn khi nhìn lại những kết quả ban đầu mà cán bộ, công chức, viên chức của VQG Pù Mát đã cố gắng nỗ lực làm được. Từ một Khu Bảo tồn thiên nhiên còn ít người biết đến, hôm nay hình ảnh của Vườn quốc gia đã được rất nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu và đầu tư du lịch.

Để tiếp tục bảo vệ tốt 94.715,4 ha rừng và đất rừng với khu vực giàu tiềm năng đa dạng sinh học bậc nhất khu vực Bắc Trường Sơn, tăng cường chức năng phòng hộ đầu nguồn, phát triển du lịch sinh thái, góp phần tăng thu nhập bền vững cho cộng đồng thông qua các hoạt động cung cấp các dịch vụ du lịch, với sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, VQG Pù Mát định hướng một số nhiệm vụ chính đến năm 2020 như sau:

1. Về công tác Quản lý bảo vệ rừng:

- Củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ mạnh về chất và lượng, xây dựng các trạm QLBVR hoạt động hiệu quả, phát huy tuần tra, kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng tại gốc, bảo vệ nguyên vẹn 94.715,4ha rừng được giao. Không để xảy ra cháy rừng lớn, hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại do cháy rừng gây ra. Không để phát đốt rừng làm rẫy xảy ra, không để các điểm nóng trong khai thác rừng, săn bắt động vật hoang dã trái phép xảy ra.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc theo dõi diến biến rừng, tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng; kêu gọi, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư vào thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, thực hiện khoán bảo vệ những khu rừng giáp ranh giới vùng đệm và không trọng yếu.

- Thường xuyên tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn; đào tạo, đào tạo lại, quy hoạch hợp lý, trẻ hoá đội ngũ, tăng cường cán bộ kiểm lâm là người địa phương.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và khai thác dịch vụ du lịch trong lâm phần được giao quản lý; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

2. Về công tác Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế:

- Bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học thạo việc đáp ứng nhiệm vụ ở từng thời kỳ, được đào tạo cơ bản tại các chuyên ngành phù hợp, thông thạo ngoại ngữ; tin học; khai thác sử dụng thành thạo các thiết bị hiện đại, ứng dụng vào thực tiễn công việc. Góp phần cùng địa phương đưa các công trình nghiên cứu khoa học vào ứng dụng thực tiễn đời sống.

- Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế. Phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học để thực hiện các chương trình nghiên cứu ứng dụng để bảo tồn và phát triển hệ sinh thái, phát triển nguồn gen các loài động thực vật có giá trị để chống lại suy thoái loài, giá trị về dược liệu, thực phẩm, giữ vững nguồn gen quý hiếm các loài hoang dã.

3. Công tác giáo dục nâng cao nhận thức môi trường:

- Củng cố đội ngũ cán bộ tuyên truyền đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, được đào tạo cơ bản theo các chuyên ngành phù hợp.

- Đẩy nhanh tiến độ trình duyệt, thực hiện dự án Giáo dục môi trường và các chương trình, dự án khác; nâng cao chất lượng hiệu quả các chương trình, dự án. Phát huy và khai thác có hiệu quả Trung tâm Giáo dục môi trường và các dịch vụ môi trường rừng.

- Tăng cường các hoạt động hợp tác đầu tư, khai thác nguồn vốn từ các dự án đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ kinh phí triển khai các chương trình, hoạt động giáo dục môi trường.

- Luôn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp, góp phần cùng địa phương 3 huyện xây dựng là huyện xanh, sạch, đẹp.

4. Về Phát triển du lịch sinh thái:

- Thúc đẩy và phối hợp thực hiện các dự án Du lịch sinh thái theo quy hoạch khu du lịch sinh thái Thác Kèm của toàn Vườn và các chương trình, dự án khác.

- Tăng cường các hoạt động hợp tác đầu tư, khai thác nguồn vốn từ các dự án đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để kêu gọi đầu tư kinh phí triển khai thực hiện các dự án, chương trình, hoạt động dịch vụ du lịch.

- Góp phần cùng cấp ủy và chính quyền địa phương từng bước đưa hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng thành một trong những hoạt động chính trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội bền vững.

5. Về Xây dựng, phát triển Vườn:

- Xây dựng, phát triển Vườn quốc gia Pù Mát thực sự xứng đáng là là Trung tâm của Khu dự trữ sinh quyển Thế giới miền Tây Nghệ An;

- Giữ vững Đảng bộ luôn đạt trong sạch vững mạnh;

- Giữ vững Đơn vị luôn đạt đơn vị chuyên môn xuất sắc;

- Giữ vững Công đoàn, Đoàn Thanh niên xuất sắc, vững mạnh;

- Giữ vững Danh hiệu Đơn vị "Văn hoá tiêu biểu" hàng năm.

6. Về đào tạo cán bộ:

Đến năm 2020, Vườn quốc gia Pù Mát phấn đấu ít nhất có 02 tiến sỹ, 10 thạc sỹ, 70% có trình độ đại học về chuyên môn; Từ 8 - 10 đ/c có trình độ Lý luận chính trị cao cấp, 20 đ/c có trình độ Trung cấp lý luận chính trị. Trên 50% công chức, viên chức được đào tạo Quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên hoặc tương đương.

Hai mươi năm đã trôi qua, quãng thời gian cũng đủ dài để mỗi chúng ta suy ngẫm. VQG Pù Mát hôm nay đã khang trang hơn, bề thế hơn của một khu rừng đặc dụng là “ anh cả” trong khu vực Bắc miền Trung. Trong số cán bộ, kiểm lâm viên trước đây đã có nhiều người đã ra đi mãi mãi, nhiều người đã trưởng thành, là lãnh đạo của các đơn vị trong tỉnh, trong ngành. Chúng tôi luôn ghi nhớ và biết ơn những người đi trước, những người đã có công xây dựng và củng cố phát triển Khu BTTN Pù Mát để có được như ngày hôm nay. Chúng ta có quyền tự hào về những năm tháng gian lao mà anh dũng, kiên cường bảo vệ cho những cánh rừng Pù Mát nguyên sinh xanh mãi đến hôm nay. Chúng tôi, những cán bộ, công chức, viên chức của Vườn quốc gia Pù Mát không thể bảo vệ tốt được 94.715,4 ha rừng và đất rừng Nhà nước đã giao cho, mà cần và rất cần đến sự đồng lòng hỗ trợ của cấp ủy chính quyền các cấp, các sở ban ngành cấp tỉnh và các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn, sự chia sẻ của chính mỗi người dân sinh sống xung quanh VQG Pù Mát.

Kỷ niệm 20 năm thành lập VQG Pù Mát chúng tôi xin được tri ân những cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn 3 huyện đã chia sẻ, giúp đỡ Ban quản lý VQG Pù Mát thực hiện tốt nhiệm vụ QLBVR, bảo tồn đa dạng sinh học và  thừa hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản …

Nhân dịp này, chúng tôi kính mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân, các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước và đặc biệt là sự giúp đỡ của Lãnh đạo 3 huyện trên địa bàn, UBND Tỉnh Nghệ An để Rừng Pù Mát xứng đang là khu rừng đặc dụng giàu tính ĐDSH vào bậc nhất của Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế, xứng đáng là vùng lõi quan trọng của Khu dự trữ sinh quyển Thế giới miền Tây Nghệ An./.


Ý kiến của bạn