Chương trình MTQG 1719 góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Thọ

25-10-2023 14:22 | Xã hội
google news

SKĐS - Tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch chỉ đạo hướng dẫn tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS&MN.

Huyện Tân Sơn thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG 1719

Tân Sơn là địa phương có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tới 83,5% dân số toàn huyện. Xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí không đồng đều, tỉ lệ hộ nghèo cao, hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, huyện Tân Sơn đã kịp thời chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc, nhằm thực hiện có hiệu quả, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đưa Tân Sơn thoát khỏi huyện nghèo.

Thực hiện Dự án 3 "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị" trong Chương trình MTQG góp phần giúp người dân huyện Tân Sơn tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông, lâm nghiệp.

Chương trình MTQG 1719 góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Thọ- Ảnh 1.

Đường giao thông liên xã ở huyện Tân Sơn được bê tông hóa, tạo thuận tiện đi lại của nhân dân, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội.

Triển khai thực hiện Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huyện Tân Sơn đã tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023. Tổng vốn đầu tư giai đoạn này là trên 343,5 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương trên 312 tỉ đồng, vốn ngân sách tỉnh là trên 31 tỉ đồng.

Sau thời gian triển khai, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu, huyện Tân Sơn đã đạt được nhiều kết quả. Tỉ lệ hộ nghèo của huyện từ 30,53% năm 2015 xuống còn dưới 10% năm 2020. Hết năm 2022, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỉ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi là 16,37%, giảm được 1,7%; tỉ lệ hộ cận nghèo vùng DTTS và miền núi còn 9,03%, giảm được 1,5%; tỉ lệ hộ nghèo là người DTTS giảm được 1,92% (kế hoạch tỉnh giao 3%), đạt 64% so với kế hoạch.

Các lĩnh vực như: Giáo dục - đào tạo được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; y tế và chăm sóc sức khỏe vùng DTTS và miền núi được quan tâm, chú trọng hỗ trợ y tế cơ sở, nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho người dân; số lao động được giải quyết việc làm tăng thêm trên 6.000 người (trong đó xuất khẩu lao động đạt trên 1.000 người) tăng 41,5% so với giai đoạn trước… Số khu dân cư đủ tiêu chí ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn được 9/18 khu, đạt 50% kế hoạch giai đoạn I.

Một số dự án, tiểu dự án như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS... được triển khai thực hiện tốt. Đã có 199 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở; 595 hộ thiếu đất sản xuất có nhu cầu chuyển đổi nghề được hỗ trợ; 142 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; dự kiến bố trí ổn định dân cư cho 60 hộ dân tại dự án bố trí cấp bách bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai xóm Nhàng, xã Kim Thượng; hỗ trợ khoán 5.572 ha cho các hộ, nhóm hộ bảo vệ rừng…

Sau thời gian triển khai Chương trình MTQG, diện mạo của vùng Tân Sơn tiếp tục có nhiều khởi sắc, đời sống người dân, nhất là đồng bào DTTS được nâng lên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia còn một số khó khăn.

Chương trình MTQG 1719 góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Thọ- Ảnh 3.

Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, người cao tuổi nhằm nâng cao tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719, thời gian tới huyện Tân Sơn tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về các chính sách thực hiện Chương trình MTQG; rà soát, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội vùng DTTS trên địa bàn, làm cơ sở để tổ chức thực hiện Chương trình gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới; tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa các ngành nghề, khuyến khích và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng

Với các giải pháp đồng bộ, huyện Tân Sơn quyết tâm thực hiện các Chương trình MTQG đảm bảo tiến độ, kế hoạch và hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Mỹ Lung, Yên Lập triển khai mô hình sản xuất lúa nếp Gà gáy theo hướng hữu cơ

Chương trình MTQG 1719 góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Thọ- Ảnh 4.

Mô hình sản xuất lúa nếp Gà gáy xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập theo hướng hữu cơ đạt hiệu quả cao.

Xã miền núi Mỹ Lung, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ với trên 85% dân số là đồng bào dân tộc Mường, sinh sống chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Lúa nếp Gà gáy đang được triển khai trồng theo hướng hữu cơ là một trong những sản phẩm chủ lực đem lại giá trị vật chất cũng như tinh thần cho đồng bào nơi đây. Ngày càng có nhiều hộ đồng bào biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Mô hình sản xuất lúa nếp Gà gáy vụ mùa theo hướng hữu cơ được Hợp tác xã sản xuất gạo nếp Gà gáy và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Mỹ Lung triển khai trên tổng diện tích 24 ha với 125 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện mô hình gần 1,8 tỉ đồng; trong đó kinh phí hỗ trợ sau đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 là 468 triệu đồng.

Đánh giá hiệu quả sau một thời gian thực hiện cho thấy, mô hình sản xuất lúa nếp Gà gáy Mỹ Lung theo hướng hữu cơ đạt hiệu quả cao. Năng suất bình quân đạt khoảng 152 kg/sào, tương đương gần 41 tạ/ha, cao hơn so với sản xuất vô cơ khoảng 12 kg/sào, tương đương 3,2 tạ/ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được đạt gần 1,1 triệu đồng/sào, tương đương 29,7 triệu đồng/ha, cao hơn so với sản xuất vô cơ khoảng 320 nghìn đồng/sào, tương đương 9,7 triệu đồng/ha. Lợi nhuận thu được từ mô hình dự kiến đạt khoảng 722 triệu đồng.

Mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất vô cơ còn góp phần bảo vệ sức khỏe con người, môi trường nông thôn và hệ sinh thái đồng ruộng. Đặc biệt, tránh gây ô nhiễm nguồn nước do không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Điều quan trọng nhất là mô hình đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất, canh tác lạc hậu của đồng bào vùng cao; hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.

Những năm gần đây, huyện Yên Lập đã tạo điều kiện thuận lợi để Hợp tác xã sản xuất gạo nếp Gà gáy và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Mỹ Lung mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển thương hiệu hàng hóa gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung. Huyện cũng tổ chức cho bà con tại địa phương tham gia tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất trong và ngoài tỉnh.

Nhằm tiếp tục phát triển, mở rộng sản xuất nếp Gà gáy Mỹ Lung, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển cũng như xây dựng thương hiệu cho giống lúa này.

Thấy được lợi ích từ đặc sản gạo nếp Gà gáy, ngày càng có nhiều hộ dân ở xã Mỹ Lung tham gia trồng trọt và mở rộng diện tích. Đến nay, ở xã Mỹ Lung có trên 70% số hộ tham gia trồng lúa nếp Gà gáy. Với doanh thu hằng năm ước đạt trên 2 tỷ đồng đã giúp các thành viên của hợp tác xã sản xuất kinh doanh gạo nếp Gà gáy và người dân xã Mỹ Lung vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

Quảng Nam bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu sốQuảng Nam bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số

SKĐS – Tỉnh Quảng Nam bảo tồn và phát huy những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào ở từng thôn, bản gắn với thực hiện tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới theo Dự án 6 về bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số thuộc Chương trình MTQG 1719.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Xúc động hành trình xây nhà vệ sinh tặng cô trò điểm trường miền núi Na Khê, Hà Giang dịp 1/6.



Bảo Hưng
Ý kiến của bạn