Hà Nội

Phó trạm y tế xã bán bò, vay tiền mua ô tô để chở bệnh nhân đi cấp cứu với giá 0 đồng

10-09-2023 15:12 | Sự hi sinh thầm lặng
google news

SKĐS - Nhìn những bệnh nhân suýt mất mạng vì không có xe đưa lên tuyến trên chữa trị, điều dưỡng Nguyễn Văn Lâm (SN 1968, Phó trưởng Trạm Y tế xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương, Nghệ An) đã dùng số tiền tích góp nhiều năm để mua chiếc xe ô tô cũ tình nguyện chở các bệnh nhân miễn phí lúc cần kíp.

Ám ảnh những ca bệnh khó không thể chuyển tuyến vì xe cấp cứu không kịp đến 

Nhắc đến chuyện mua xe để chở bệnh nhân đi cấp cứu, điều dưỡng Lâm nói ngay: "Có ở cùng hoàn cảnh, cùng khoảng khắc sinh tử cùng bệnh nhân mới hiểu được sự quan trọng trong việc cấp cứu kịp thời. Phải có phương tiện để chở bệnh nhân đi tuyến trên mới dành lại được sự sống cho họ. Bởi vậy mà tôi quyết mua bằng được 1 chiếc xe ô tô để làm việc này".

Phó trạm trưởng cùng chiếc xe miễn phí chở bệnh nhân  - Ảnh 1.

Điều dưỡng Lâm chở bệnh nhân miễn phí lên tuyến trên điều trị.

Vẫn nhớ như in 2 trường hợp là 2 sản phụ suýt mất mạng. Đó là khoảng thời gian năm 2014. Lúc 5h sáng một sản phụ được chồng chở đến Trạm y tế xã Thanh Nho để sinh con. Đến 8h sản phụ sinh con bình thường nhưng nhau thai không ra dù các y bác sĩ tại trạm đã làm nhiều thủ thuật. Thời điểm đó, sản phụ mất máu rất nhiều.

Ngay lập tức, trạm y tế đã gọi xe cứu thương để đưa sản phụ đến Bệnh viện Đa khoa huyện. Tuy nhiên, 1 giờ đồng hồ sau xe cứu thương mới đến nơi, rất may sản phụ đã được xử trí kịp thời. "Thời gian chờ đợi xe cứu thương chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Hình ảnh sản phụ lả đi ám ảnh tôi mãi" - Điều dưỡng Lâm nhớ lại.

Tương tự như trường hợp trên, một sản phụ bị rau cài răng lược cần sự trợ giúp các y, bác sĩ tuyến trên. Rất may, thời điểm đó, bác sĩ Nguyễn Hải Linh – Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương cùng các y sĩ, trang thiết bị đã đến kịp thời và cứu được bệnh nhân.

Không chỉ 2 bệnh nhân này mà một số bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tình trở nặng cần chuyển tuyến nhưng việc đi lại khó khăn, đường xá xa xôi. Cộng thêm việc phương tiện ô tô ở đây rất ít nên đã có những sự việc đau lòng do không được cứu chữa kịp thời.

Phó trạm trưởng cùng chiếc xe miễn phí chở bệnh nhân  - Ảnh 2.

Ngoài những chuyến xe miễn phí, điều dưỡng Lâm còn chăm sóc cho bệnh nhân ở Trạm y tế xã.

"Cấp cứu bệnh nhân không thể chậm trễ được. Sao mình không chủ động đưa bệnh nhân đi mà phải chờ đợi". Ý nghĩ này cứ ám ảnh điều dưỡng Lâm. Rồi ông về bàn ngay với vợ và quyết mua bằng được một chiếc xe ô tô để đưa các bệnh nhân nặng đi cấp cứu.

Nghĩ là làm, điều dưỡng Lâm đi học ngay bằng lái xe. Khi có bằng, ông bán bò, vay ngân hàng 200 triệu cùng số tiền tích góp nhiều năm để mua chiếc xe cũ với giá 350 triệu đồng vào năm 2012.

Và rồi nhiều bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhờ những chuyến xe của điều dưỡng Lâm chở lên tuyến trên cấp cứu kịp thời.

"Có xe rồi cũng lo. Lo làm sao mà "nuôi" được nó. Vì thời điểm đó, cuộc sống chúng tôi ở Trạm cũng rất khó khăn. Hiểu được điều này nên một số bệnh nhân được chở đi cũng ủng hộ tôi phần nào để lo tiền xăng xe. Vì họ biết, tôi còn phải chở thêm các bệnh nhân khác" – điều dưỡng Lâm kể.

Nụ cười của cậu bé sứt môi, hở hàm ếch

Chở những bệnh nhân đi cấp cứu mới thấy được nhiều gia cảnh khốn khó mà chuyến xe miễn của điều dưỡng Lâm chỉ giúp đỡ một phần. Có những trường hợp điều dưỡng Lâm phải xuống xe vay mượn tiền để hỗ trợ thêm cho bệnh nhân.

 "Việc này không đáng gì cả. Khi biết tin những bệnh nhân được xuất viện, bệnh tình thuyên giảm và nhìn những nụ cười của người thân, của bệnh nhân tôi xúc động vô cùng" – điều dưỡng Lâm kể.

Phó trạm trưởng cùng chiếc xe miễn phí chở bệnh nhân  - Ảnh 3.

Điều dưỡng Lâm chuẩn bị các vật dụng để sơ cấp cứu bệnh nhân trên đường.

Nhắc đến nụ cười của bệnh nhân, điều dưỡng Lâm vẫn nhớ một kỷ niệm không thể quên khi phải đón cháu Trần Đình Sông lúc 4h sáng để kịp mổ sứt môi, hở hàm ếch cho cháu lúc 6h. "Khi ca mổ thành công, nhìn nụ cười của cháu tôi vui, hạnh phúc lắm" – điều dưỡng Lâm nói.

Chính niềm vui ấy giúp điều dưỡng Lâm có thêm nhiều động lực để có thêm nhiều chuyến xe miễn phí chở bệnh nhân. Việc ngày càng có nhiều bệnh nhân mà chiếc xe cũ không đáp ứng được, điều dưỡng Lâm đã bán chiếc xe cũ vào năm 2021 rồi vay mượn thêm mua chiếc xe 7 chỗ rộng rãi hơn, chở được nhiều người hơn.

Phó trạm trưởng cùng chiếc xe miễn phí chở bệnh nhân  - Ảnh 4.

Danh sách các bệnh nhân chạy thân được điều dưỡng Lâm ghi cụ thể để đến chở đúng giờ.

Thời điểm đó, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhiều người đi về địa phương khó khăn nên ông viết đơn tình nguyện để chở vật tư, nhu yếu phẩm, bệnh nhân và người đi cách ly y tế. 

Vừa song hành với công tác phòng, chống dịch, ông làm tình nguyện viên của đội xe "0 đồng" giúp đỡ những bệnh nhân nghèo khó không nơi nương tựa, bệnh nhân nặng đi đến các bệnh viện trong tỉnh để khám và chữa trị.

"Ngoài danh sách các bệnh nhân chạy thận nhân tạo tôi đang chở miễn thì tôi đang lên tiếp danh sách bệnh nhân ung thư, người cao tuổi, cựu chiến binh cần chữa trị để chở miễn phí. Cứ thấy nụ cười của họ ở trên xe là vui lắm" – điều dưỡng Lâm cười nói.

Những chuyến xe 0 đồng chở bệnh nhân nghèo về đón TếtNhững chuyến xe 0 đồng chở bệnh nhân nghèo về đón Tết

SKĐS - Những chuyến xe 0 đồng, xe nghĩa tình của Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa như một nghĩa cử cao đẹp và tấm lòng của các nhân viên y tế, mạnh thường quân dành cho bệnh nhân. Dù có khó khăn thì bệnh viện vẫn luôn quyết tâm thực hiện.

5 Điểm Mới Của Nghị Quyết 30 Tháo ‘Nút Thắt’ Về Thanh Toán BHYT, Mua Sắm Trang Thiết Bị Y Tế - SKĐS



V. Đồng
Ý kiến của bạn