Hà Nội

Người dân Thủ đô 'loay hoay' phân loại rác tại nguồn

12-06-2024 17:06 | Xã hội
google news

SKĐS - Mặc dù quy định về việc xử phạt hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải sẽ được tiến hành vào đầu tháng 1/2025, tuy nhiên nhiều người dân tại Hà Nội vẫn còn lúng túng với việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà.

Thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn 23 phường

Tháng 6/2024, TP Hà Nội thực hiện thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Theo Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO), thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH - rác) tại nguồn, công ty sẽ phối hợp triển khai thí điểm tại 23 phường thuộc 5 quận trên địa bàn thành phố do URENCO phụ trách gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm.

Người dân Thủ đô 'loay hoay' phân loại rác tại nguồn- Ảnh 1.

Điểm tiếp nhận thu gom chất thải cồng kềnh tại phường Nguyễn Trung Trực (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Ngọc Huyền.

Cụ thể, quận Hai Bà Trưng thí điểm tại phường Phạm Đình Hổ, quận Ba Đình tại phường Nguyễn Trung Trực, quận Nam Từ Liêm áp dụng tại 2 phường Phú Đô, Cầu Diễn và quận Đống Đa tại phường Nam Đồng. Riêng quận Hoàn Kiếm do đã có nền tảng từ trước nên sẽ thí điểm ở cả 18 phường.

Thời gian thí điểm giai đoạn 1 kéo dài đến quý I/2025. Sau đó, các quận tổ chức rút kinh nghiệm, điều chỉnh phương án để tiếp tục thí điểm giai đoạn 2 trong các tháng còn lại của năm 2025. Việc thí điểm để có số liệu, kinh nghiệm thực tế cho Đề án "Phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH tại nguồn", trình UBND TP Hà Nội phê duyệt vào năm 2025. Đây sẽ là cơ sở để chuẩn bị phân loại rác tại nguồn đồng loạt trên toàn thành phố trong năm 2026.

Người dân còn loay hoay với việc phân loại rác 

Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực kể từ ngày 25/8/2022, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải và không sử dụng bao bì chứa rác thải theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mới phải áp dụng để thực hiện. Như vậy từ ngày 1/1/2025 sẽ bắt đầu tiến hành xử phạt theo quy định trên phạm vi cả nước dù nghị định 45 đã có hiệu lực từ giữa năm 2022.

Mặc dù quy định về việc xử phạt hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải sẽ được tiến hành vào đầu tháng 1/2025, đồng thời Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 9368/BTNMT-KSON gửi UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. 

Nhóm một là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện, điện tử thải bỏ).

Nhóm hai là chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng, các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn và các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản.

Nhóm ba là chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải khác còn lại. Thí dụ, giấy thải, nhựa thải, kim loại thải thì loại bỏ sản phẩm chứa đựng bên trong sau đó thu gọn, ép dẹt, giảm kích thước thể tích). Đối với chất thải nguy hại cần bảo đảm được đựng, chứa trong vật đựng, túi, bao bì để an toàn, tránh phát tán ra ngoài môi trường. Chất thải cồng kềnh cần thu gọn, giảm thể tích, nếu tháo dỡ thì các bộ phận sau tháo dỡ được phân loại vào các nhóm chất thải tương ứng.

Tuy nhiên cho đến thời điểm này, nhiều người dân sinh sống tại Hà Nội vẫn loay hoay trong quá trình phân loại rác. Theo khảo sát, đa số các gia đình nếu có phân loại rác mới chỉ giữ lại các loại lon, giấy, thùng carton, còn lại kể cả thực phẩm thừa đều đổ chung.

Người dân Thủ đô 'loay hoay' phân loại rác tại nguồn- Ảnh 2.

Phân loại rác tại nguồn - khó nhưng cần thực hiện.

Bà Vũ Thanh (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hiện nay gia đình bà chỉ phân loại rác thải theo sự hiểu biết bản thân chứ chưa thực sự hiểu cách thức phân loại như thế nào. Gia đình cũng có nghe báo chí thông tin về quy định này nhưng cho đến nay, vẫn chưa được địa phương tuyên truyền hay hướng dẫn gì về cách phân loại, lưu trữ rác cũng như ngày giờ bỏ từng loại rác.

Người dân Thủ đô 'loay hoay' phân loại rác tại nguồn- Ảnh 3.

Bà Vũ Thanh (quận Hà Đông, Hà Nội) còn "bỡ ngỡ' trước những quy định phân loại rác tại nguồn.

Anh Nguyễn Văn Minh (ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) cho biết, về việc phân loại rác thải, gia đình anh cũng chỉ biết để lại những chai, lọ chất liệu bằng nhựa gom vào bán cho những nơi thu mua lại phế liệu, còn pin cũng có lọ đựng riêng, không vứt chung với rác thải sinh hoạt.

"Gia đình cũng đã phân loại rác thải tại nhà nhưng chưa biết có đúng theo hướng dẫn kỹ thuật hay không. Ngoài ra với những chất thải nhựa không thể tái chế cũng không biết xếp vào nhóm nào?", anh Minh nói.

Xem thêm bài viết được quan tâm:

Cách nào để người dân chủ động phân loại rác tại nguồn?Cách nào để người dân chủ động phân loại rác tại nguồn?

SKĐS - Dù Nghị định 45 quy định từ 31/12/2024 người dân phải phân loại chất thải rắn trong sinh hoạt, nhưng theo các chuyên gia nếu không làm tốt khâu chuẩn bị thì rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.


Đan Tâm
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn