Vì sao khu xử lý rác thải 48 tỉ đồng hoàn thành 2 năm vẫn chưa hoạt động?

07-12-2023 09:48 | Xã hội
google news

SKĐS - Dự án khu xử lý rác thải sinh hoạt huyện Quỳ Hợp và các xã phụ cận (Nghệ An) được đầu tư hơn 48 tỉ đồng đã hoàn thành hơn 2 năm qua nhưng vẫn đang loay hoay tìm cơ chế vận hành.

Loay hoay chờ vận hành

Do nhu cầu xử lý chất thải trên địa bàn huyện Quỳ Hợp và các xã phụ cận, dự án khu xử rác thải sinh hoạt được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2010 với tổng số vốn đầu tư 48 tỉ đồng. Dự án được xây dựng trên diện tích 6,6 ha.

Vì sao khu xử lý rác thải 48 tỉ đồng hoàn thành 2 năm vẫn chưa hoạt động?- Ảnh 1.

Dù hoàn thành đã 2 năm, nhưng đến nay khu xử lý rác thải ở Huyện Quỳ Hợp vẫn chưa hoạt động.

Dự án do UBND huyện Quỳ Hợp làm chủ đầu tư. Vào tháng 10/2010, UBND huyện Quỳ Hợp ban hành quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công và dự toán xây dựng công trình. Tuy nhiên, do khó khăn về giải phóng mặt bằng và nguồn vốn nên kéo dài đến năm 2018 vẫn chưa thể thi công. Năm 2019, từ nguồn ngân sách ban đầu là 36,6 tỉ đồng, UBND tỉnh Nghệ An quyết định điều chỉnh dự toán đầu tư lên hơn 48 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Theo thiết kế, bãi rác này được xây dựng 7 ô chôn lấp rác, hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác, giếng quan trắc gồm 3 giếng tại hạ lưu và 1 giếng tại thượng lưu khu xử lý chất thải. Cùng với đó là hệ thống đường giao thông nội bộ và đê bao xung quanh ô chôn lấp, hệ thống thoát nước mưa xung quanh bãi rác, cấp điện và cấp nước, cổng, hàng rào và cây xanh.

Vì sao khu xử lý rác thải 48 tỉ đồng hoàn thành 2 năm vẫn chưa hoạt động?- Ảnh 2.

Các hạng mục của Khu xử lý rác thải đã hoàn thành nhưng chưa thể vận hành.

Đến tháng 10/2021, dự án hoàn thành. Thế nhưng, đến nay, khu xử lý rác này vẫn chưa thể đưa vào hoạt động vì thiếu cơ chế vận hành, trong khi bãi rác cũ tại khối 1, ở thị trấn Quỳ Hợp nằm sát khu dân cư đã quá tải, gây ô nhiễm nghiêm trọng khiến người dân bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Chủ tịch UBND thị trấn Quỳ Hợp cho biết, tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường của bãi rác thị trấn kéo dài từ nhiều năm nay. Địa phương kiến nghị, đề xuất nhiều lần nhưng vẫn chưa thực hiện được. "Do tình trạng ô nhiễm, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân bức xúc đưa ra kiến nghị, đề xuất nhưng đến nay vẫn đang phải chấp nhận chịu đựng. Địa phương dùng nhiều biện pháp như san ủi, chôn lấp nhưng tất cả cũng chỉ là giải pháp tạm thời". ông Sửu cho biết thêm.

Đến bao giờ "gỡ" được cơ chế?

Được biết, khu xử lý rác thải này đã được nhà thầu bàn giao cho huyện từ năm 2022. Ngày 22/9/2022, UBND huyện Quỳ Hợp có thông báo kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư dịch vụ vận chuyển, thu gom, xử lý rác thải để vận hành khu xử lý rác này. Đã có doanh nghiệp nhận lời, tuy nhiên, đến nay huyện vẫn chưa thể tổ chức vận hành được.

Vì sao khu xử lý rác thải 48 tỉ đồng hoàn thành 2 năm vẫn chưa hoạt động?- Ảnh 3.

Bãi rác hiện tại đã quá tải, gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc.

Theo ông Trần Đức Lợi, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, dự án kéo dài quá lâu vì thiếu vốn, chính quyền và người dân rất mong muốn đưa khu xử lý rác thải này vào hoạt động ngay sau khi hoàn thành nhưng lại vướng cơ chế vì đây là công trình vốn đầu tư công. Để vận hành khu xử lý rác phải có tổ quản lý vận hành, công nhân vận chuyển rác. "Không thể bố trí cán bộ, viên chức đến quản lý vì huyện đang phải tinh giản bộ máy. Trong khi đó, nếu chuyển cho tư nhân vận hành lại vướng vì chưa có quy định cụ thể về việc chuyển tài sản công cho tư nhân quản lý, vận hành", ông Trần Đức Lợi cho biết. 

Huyện tổ chức nhiều cuộc họp để bàn cách xử lý và xin ý kiến các sở ngành nhưng vẫn đang băn khoăn, chưa biết áp dụng quy định nào vì không có hướng dẫn cụ thể. Từ khi huyện tiếp nhận dự án, phải bỏ kinh phí thuê bảo vệ, trông coi. Do nhu cầu cấp thiết nên huyện sẽ cho vận hành thử, sau đó đấu thầu, tìm phương án để đưa bãi rác vào hoạt động.
Ông Trần Đức Lợi– Phó Chủ tịch huyện Quỳ Hợp

Cũng theo ông Lợi, cũng không dám khẳng định đến lúc nào thì khu xử lý rác thải này sẽ chính thức hoạt động.

Rác thải ngày càng chất đống, ô nhiễm ngày một trầm trọng thêm, trong khi dự án 48 tỷ đã hoàn thành lại phải đóng cửa vì UBND huyện Quỳ Hợp chưa tìm ra cơ chế để hoạt động. Đến bao giờ dự án khu xử rác thải sinh hoạt 48 tỷ đồng mới "mở cửa" để người dân hết cảnh ô nhiễm?

Vì sao dân không muốn nhận cá giống do tỉnh hỗ trợ?Vì sao dân không muốn nhận cá giống do tỉnh hỗ trợ?

SKĐS - Người dân nuôi cá ở Nghệ An phản ánh, họ không muốn nhận cá giống được UBND tỉnh này trích ngân sách hỗ trợ khắc phục lũ lụt do có nhiều điểm bất hợp lý khi thực hiện chính sách này.


Hoàng Trinh
Ý kiến của bạn