Chương trình MTQG 1719 nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở Vĩnh Long

06-10-2023 15:05 | Xã hội

SKĐS – Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), tỉnh Vĩnh Long đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình nhằm phát triển kinh tế cho đồng bào Khmer. Những chính sách thiết thực được triển khai kịp thời đã giúp đỡ đồng bào dân tộc Khmer tiệm cận với các nguồn vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống. Hiệu quả mang lại rõ rệt khi đã khơi dậy tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số.

Thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc Khmer

Chương trình MTQG 1719 nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở Vĩnh Long- Ảnh 1.

Vĩnh Long cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ảnh: T.Q

Từ năm 2022, tỉnh Vĩnh Long đã được nhận tổng kinh phí từ ngân sách trung ương phân bổ là hơn 16 tỷ đồng để thực hiện 8 dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn I: từ năm 2021-2025 tỉnh đã nhanh chóng triển khai các hoạt động.

Tình hình hoạt động y tế trên địa bàn các huyện, thị xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ổn định, công tác phòng, chống dịch bệnh được duy trì, tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế hơn 90%…

Về giáo dục, trên địa bàn các xã đông đồng bào dân tộc của tỉnh có 15 trường mầm non và phổ thông, trong đó có ba trường đạt chuẩn quốc gia; các xã đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Trường phổ thông Dân tộc nội trú của tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả, đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy và quản lý, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2021-2022 đạt 100%, nhiều em đã thi đỗ vào trường đại học, cao đẳng và học nghề...

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long phê duyệt danh sách cho 28 hộ nghèo vay vốn chuyển đổi nghề. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân hơn hai tỷ đồng cho 28 hộ nghèo ở các huyện Tam Bình, Trà Ôn và thị xã Bình Minh vay vốn chuyển đổi nghề.

Theo đó, Ủy ban nhân dân các huyện Tam Bình, Trà Ôn và thị xã Bình Minh phê duyệt danh sách bổ sung cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tổng số người được gia hạn cấp thẻ bảo hiểm y tế là 35.280 người.

Tỉnh Vĩnh Long cũng luôn quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh bằng việc đã thực hiện triển khai các dự án ở các xã có đông đồng bào dân tộc như: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt...

Có 239 hộ dân tộc thiểu số ở các ấp được hỗ trợ nước sinh hoạt với kinh phí thực hiện 718 triệu đồng; đầu tư triển khai tám công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở hai xã Tân Mỹ và Trà Côn (huyện Trà Ôn), với tổng kinh phí hơn 8,3 tỷ đồng. Thực hiện đầu tư dự án phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tổng kinh phí thực hiện 5,5 tỷ đồng… Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã triển khai xây dựng 307 căn nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc Khmer, trị giá hơn 15 tỷ đồng.

Chương trình MTQG 1719 nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở Vĩnh Long- Ảnh 3.

Phong trào chăn nuôi, gia súc, cũng có bước phát triển đáng kể ở huyện Trà Ôn. Ảnh: Minh Trúc

Huyện Trà Ôn thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer

Huyện Trà Ôn là huyện vùng sâu của tỉnh, có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, gồm 13 xã và 01 thị trấn, dân số 129.535 người, với 38.709 hộ. Hiện có 2.619 hộ dân tộc Khmer, với 10.440 nhân khẩu, sống tập trung ở 4 xã: Tân Mỹ, Trà Côn và một phần xã Thiện Mỹ, xã Hựu Thành.

Huyện Trà Ôn đã triển khai và thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer. Kinh tế tiếp tục phát triển và chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp đúng hướng; Phong trào chăn nuôi, gia súc, gia cầm, thủy sản cũng có bước phát triển đáng kể; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn, trường, trạm…được quan tâm đầu tư kịp thời. Đến nay, hộ dân tộc Khmer nông thôn sử dụng điện chiếm 99,81%; hộ dân nông thôn sử dụng nước máy tập trung, chiếm 93,3% đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sản xuất và sinh hoạt.

Bên cạnh đó, phong trào xây dựng nông thôn mới được huyện quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện, hiện có 08 xã đạt nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 ấp nông thôn mới kiểu mẫu; giữ vững thị trấn Trà Ôn đạt văn minh đô thị; các xã còn lại đạt từ 12 đến 17 tiêu chí, riêng xã Tân Mỹ đạt 15 tiêu chí, xã Trà Côn đạt 12 tiêu chí.

Đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Vĩnh Long tích cực phát triển kinh tế, xây dựng gia đình "Ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc"; gắn bó đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết - hòa hợp, chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Thanh Hóa bước đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 có hiệu quảThanh Hóa bước đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 có hiệu quả

SKĐS - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 1719), tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo thực hiện bước đầu đạt được những hiệu quả tích cực.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Xúc động hành trình xây nhà vệ sinh tặng cô trò điểm trường miền núi Na Khê, Hà Giang.



Bảo Hưng
Ý kiến của bạn